Vẫn cần lời giải đáp

Thời gian qua, sau những công sức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), FIFA cuối cùng đã cho phép cầu thủ nhập tịch Rafaelson (tên Việt Nam là Nguyễn Xuân Son) được thi đấu cùng đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) ở AFF Cup.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu thủ nhập tịch Rafaelson tập luyện trong mầu áo ĐTVN.
Cầu thủ nhập tịch Rafaelson tập luyện trong mầu áo ĐTVN.

Đây là tin vui cho ĐTVN bởi với năng lực của mình, Xuân Son sẽ giúp hàng công của ĐTVN mạnh lên đáng kể để tiến gần hơn tới việc hiện thực hóa mục tiêu lọt vào trận chung kết AFF Cup.

Việc đưa một cầu thủ nhập tịch có gốc hoàn toàn nước ngoài vào ĐTVN không hẳn được mọi người đều đồng thuận. Tuy nhiên, việc này từng có tiền lệ khi hơn chục năm trước ĐTVN cũng đã tuyển mộ những cầu thủ gốc nước ngoài như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max. Vì nhiều lý do, những cầu thủ này sau đó tỏ ra không phù hợp với đội tuyển quốc gia và cũng không thiết tha khoác áo ĐTVN, nên ý tưởng tuyển mộ cầu thủ nhập tịch gốc nước ngoài dần bị quên lãng. Nếu thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam, dễ nhận thấy từ sau khi ĐTVN sa sút, nhất là việc thua Indonesia ở cả 3 lần đối đầu trong bối cảnh Indonesia nhập tịch hàng loạt cầu thủ, thì ý tưởng đưa cầu thủ nhập tịch vào ĐTVN mới xuất hiện trở lại, đặc biệt khi Xuân Son tỏ ra cực kỳ hiệu quả ở giải vô địch quốc gia V.League. Dù vậy, việc đưa cầu thủ có gốc nước ngoài vào đội tuyển quốc gia không phải là chuyện tùy hứng mà đòi hỏi phải xây dựng thành một chính sách cụ thể, bởi tuyển thủ quốc gia sẽ đại diện cho Việt Nam ở lĩnh vực thể thao, cần có ứng xử phù hợp văn hóa Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là biết hát quốc ca. Trên quan điểm ấy, lãnh đạo VFF sẽ cần giải đáp hai vấn đề liên quan. Một là mục tiêu của việc tuyển mộ cầu thủ nước ngoài? Hai là VFF dự định tuyển mộ bao nhiêu cầu thủ nước ngoài?

Tóm lại, dù có xây dựng thành chính sách hay không thì vẫn phải khẳng định việc sử dụng cầu thủ gốc nước ngoài không phải là giải pháp trọng yếu trong việc phát triển bóng đá nước nhà. Điều đáng quan tâm nhất là phát huy nội lực, tạo ra những lứa cầu thủ có chất lượng tốt đáp ứng được đòi hỏi ở các cấp độ khu vực và cao hơn. Sự phát triển khi ấy mới được coi là bền vững chứ không dựa vào một vài giải đấu có mặt cầu thủ nước ngoài.