Để đi tới thắng lợi cuối cùng, có thể tóm tắt ở mấy nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Một là tất cả các đội (trừ ĐTVN) đều cử đến AFF Cup hoặc đội trẻ, hoặc đội hình thiếu vắng ngôi sao (do đây là giải đấu không thuộc hệ thống FIFA nên một số ngôi sao bị CLB chủ quản giữ lại). Hai là ở giai đoạn sau, ĐTVN được bổ sung một cầu thủ cực kỳ chất lượng là Nguyễn Xuân Son. Cầu thủ này ghi dấu giày ở phần lớn số bàn thắng của ĐTVN từ vòng bảng đến bán kết và chung kết lượt đi, góp công rất lớn để ĐTVN có mặt ở trận chung kết. Ba là khi giải càng vào sâu, đặc biệt ở bán kết và chung kết, các cầu thủ của ĐTVN lấy lại được một phần phong độ và hưng phấn. Ở nguyên nhân này, một lần nữa phải nhắc tới Xuân Son bởi chính anh là người truyền động lực và thắp lại lửa thi đấu cho các cầu thủ trụ cột của ĐTVN bằng lối chơi cơ động, thông minh và nhiệt tình. Chính nhờ sự hưng phấn cần thiết mà ĐTVN đã đứng vững trước áp lực dữ dội của Thailand trong trận chung kết lượt về để sau đó tung đòn kết liễu đối thủ. Sau chiến thắng vừa qua, một số ý kiến cho rằng đã đến lúc bóng đá Việt Nam (một lần nữa) nghĩ tới việc vươn tầm ra châu lục. Thế nhưng đó không phải là chuyện đơn giản.
Cần nhớ ngoài Xuân Son, ĐTVN trên thực tế không thể hiện được gì nhiều ở AFF Cup vừa qua về lối chơi và cách vận hành. Nếu không có Xuân Son, thứ mà thầy trò HLV Kim Sang Sik thể hiện nổi bật nhất là tinh thần thi đấu nỗ lực và nếu chỉ có vậy là chưa đủ. Hay nói cách khác, chúng ta hiện tại chưa có lực lượng đủ tầm với chướng ngại lớn hơn. Để chuẩn bị cho mục tiêu ấy, việc bổ sung lực lượng từ quá trình đào tạo trẻ là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, có thể suy nghĩ tới phương án cầu thủ nhập tịch từ thành công vượt mong đợi của cầu thủ Xuân Son, nhưng phải có lộ trình và cân nhắc kỹ về số lượng, chất lượng cùng những vấn đề liên quan, bởi đã có nhiều bài học về câu chuyện này, mới nhất là bài học từ bóng đá Indonesia.