Theo đó lĩnh vực này sẽ có 16 môn trọng điểm, cụ thể là điền kinh, bắn súng, bơi, cử tạ, bắn cung, taekwondo, đấu kiếm, boxing, thể dục dụng cụ, xe đạp, judo, karatedo, cầu lông, cầu mây và đua thuyền. Nhìn vào danh sách này, có thể thấy đây gồm các nhóm môn Olympic và Asiad.
Để đầu tư trọng điểm, dĩ nhiên đó là câu chuyện về nguồn lực. Theo báo cáo dự toán ngân sách 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mục chi sự nghiệp thể dục, thể thao là 826 tỷ đồng, giảm nhiều so với con số 1.242 tỷ của năm 2022. Đây là số tiền đầu tư cho tất cả các môn chứ không phải là môn trọng điểm. Còn theo ước tính của giới chuyên môn, chỉ riêng đầu tư cho thể thao thành tích cao cũng đã cần chi phí khoảng 800-900 tỷ đồng/năm để tập trung vào tập huấn, thi đấu trong nước, quốc tế, chuẩn bị lực lượng cho những đại hội quan trọng. Những con số nói trên cho thấy, với số lượng 16 môn thể thao thành tích cao thì rõ ràng ngân sách không thể gánh nổi. Hay nói cách khác muốn cung cấp đầy đủ nguồn lực, ngành thể thao buộc phải tính tới việc huy động các nguồn xã hội hóa thông qua các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh các liên đoàn hay hiệp hội thể thao vẫn chưa hoạt động độc lập đúng với vai trò của một tổ chức xã hội nghề nghiệp thì việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, những hoạt động tài trợ còn nhỏ lẻ, manh mún. Nhưng cũng chính vì thế mà càng cần phải chắt chiu những nguồn lực có được.
Về định hướng lâu dài, thể thao Việt Nam vẫn cần hướng tới đấu trường quan trọng nhất là Olympic nên các nội dung của đấu trường này phải được ưu tiên. Cũng cần ưu tiên những môn thật sự là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Về lâu về dài, cần từ bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, chọn một số môn “dễ” để kiếm thành tích trước mắt dù đó không phải là môn quan trọng. Bởi nếu đầu tư sai, không có tầm nhìn thì đó cũng chính là làm lãng phí nguồn lực vốn không dồi dào dành cho ngành thể thao.