Theo đó SEA Games 33 sẽ diễn ra từ ngày 9/12 đến ngày 20/12/2025 tại Thailand với 50 môn thi đấu chính thức, 569 nội dung thi đấu. Việc công bố sớm các môn thi đấu như vậy sẽ giúp các quốc gia chủ động hơn trong việc chuẩn bị lực lượng, đặt trọng tâm vào những môn sở trường và cân đối thời gian tính toán điểm rơi phong độ cho các VĐV.
Như ở mọi kỳ SEA Games khác, thể thao Việt Nam sẽ lại đặt ra mục tiêu phấn đấu về thành tích và nếu tính ở vài kỳ SEA Games gần đây nhất, chúng ta luôn đạt được mục tiêu, cụ thể là nằm trong tốp 3 toàn đoàn, thậm chí còn phá kỷ lục huy chương (ở SEA Games 31, khi Việt Nam là nước chủ nhà). Vấn đề nằm ở việc tuy thể thao Việt Nam đã chú trọng hơn để đầu tư cho các môn Olympic nhưng chừng ấy là chưa đủ. Việc đặt ra mục tiêu có vị trí cao ở SEA Games khiến đầu tư bị dàn trải do phải phân bổ nguồn lực vào những môn “dễ ăn huy chương” dù đó không phải là môn Olympic. Sau năm 2010, từng có ý kiến cho rằng, chỉ nên cử VĐV hạng 2 dự SEA Games, còn các VĐV chủ lực cần tập trung tập luyện chuyên biệt để hướng tới Asiad và Olympic. Tuy đây là ý kiến có phần cực đoan nhưng phản ánh luồng tư tưởng về tầm quan trọng giữa các giải đấu khu vực, châu lục và Olympic. Trên thực tế, việc quan trọng là cách đặt vấn đề khi lựa chọn mục tiêu, đơn cử như các môn thế mạnh của thể thao Việt Nam như bắn súng, cử tạ, điền kinh và một số môn võ cần phải phấn đấu tiệm cận thành tích của châu lục và Olympic thay vì lấy chuẩn là thành tích SEA Games. Và muốn vậy thì cần bỏ đi một số môn không quan trọng để tập trung nguồn lực, bất kể điều đó có thể làm ảnh hưởng tới thành tích toàn đoàn của thể thao Việt Nam tại SEA Games.
SEA Games là sân chơi thú vị, thích hợp cho các VĐV trẻ nhưng để nền thể thao có bước tiến vững chắc thì cần đạt được thành tích ở các đấu trường lớn như Asiad và Olympic. Đó dĩ nhiên là việc khó khăn nhưng là mục tiêu phải đạt được của thể thao nước nhà.