Cả hai đội bóng vừa thi đấu với ĐTVN đều là các đội vừa sức (Ulsan Citizen ở giải hạng 3, Daegu FC ở tốp dưới giải ngoại hạng) trong bối cảnh không thể đưa vào sân đội hình mạnh nhất do những đội này đang phải tập trung thi đấu trụ hạng. Thử thách lớn nhất với thầy và trò HLV Kim Sang-sik sẽ là trận cuối cùng gặp Jeonbuk Hyundai Motors FC, đội bóng từng 9 lần vô địch Hàn Quốc và 2 lần vô địch AFC Champions League.
Thông tin từ chuyến tập huấn cho biết, ĐTVN chủ yếu rèn thể lực, tăng sức bền, đồng thời tiếp tục thử nghiệm các vị trí ở hàng thủ và hàng tiền vệ. Ở hàng công, thông tin về việc FIFA cho phép cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son thi đấu ở AFF Cup mang lại không khí lạc quan. Dĩ nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc HLV Kim Sang-sik có gọi Xuân Son vào ĐTVN hay không. Một thông tin có lợi khác là việc Indonesia và Thailand không thể gọi những cầu thủ tốt nhất cho AFF Cup do đây là giải đấu không thuộc hệ thống FIFA nên các CLB không “nhả” người cho đội tuyển. Tại AFF Cup, ĐTVN chung bảng với Indonesia và nếu vượt qua vòng bảng, ĐTVN nhiều khả năng sẽ gặp Thailand sớm nếu không thắng được Indonesia để chiếm ngôi đầu bảng. Về lực lượng, trên thực tế ĐTVN là một đội khá hoàn hảo nếu tính về độ tuổi, với các cầu thủ trụ cột đang ở lứa tuổi sung sức nhất (26-27 tuổi) và những cầu thủ trẻ đang trong độ "chín" (21-22 tuổi). Tuy nhiên, vấn đề của ĐTVN là việc xuống phong độ đồng loạt của nhóm cầu thủ trụ cột. Chưa rõ kết quả của chuyến tập huấn Hàn Quốc ra sao nhưng nếu HLV Kim Sang-sik và các cộng sự có giải pháp tâm lý để kích thích sự hưng phấn của các cầu thủ thì mục tiêu lọt vào trận chung kết AFF Cup cũng không phải là quá khó khăn.
Nhìn dưới góc độ lâu dài, chuyến tập huấn Hàn Quốc là một phần của quá trình chỉnh sửa, phục hồi lại đội tuyển. Và cũng chính vì vậy, nên coi thành tích ở AFF Cup cũng nằm trong quá trình nói trên thay vì nhầm tưởng chúng ta có bước phát triển nếu đạt thành tích tốt ở giải đấu này.