Điều đó một mặt thể hiện sự tự tin của các đội tuyển này vào lứa kế cận, song mặt khác cũng cho thấy chất lượng chuyên môn của AFF Cup 2024 khó mà đạt tiêu chuẩn cao như những năm trước đó. Nói cách khác, sức hút của AFF Cup đã không còn như trước bởi các nền bóng đá khu vực giờ đây có xu hướng theo tiêu chuẩn FIFA.
Dễ nhận ra rằng một số đội có thực lực mạnh như Thailand, Indonesia hay Malaysia đều chỉ đưa đến giải đấu những cầu thủ trẻ ở lứa U20 đến U22, trong khi đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) chuẩn bị lực lượng mạnh nhất. Dù có lý do khách quan rằng AFF Cup không thuộc hệ thống giải đấu FIFA nên các CLB không nhả người khiến một số đội tuyển quốc gia lâm vào tình trạng không gọi được những cầu thủ tốt nhất, thì sự việc nói trên cũng cho thấy khác biệt lớn về sự quan tâm tới giải AFF Cup của các quốc gia Đông Nam Á.
Trở lại với ĐTVN, có lẽ chúng ta là đội tuyển duy nhất cố gắng có được đội hình mạnh nhất, thậm chí dừng cả giải vô địch quốc gia để gọi được các cầu thủ tốt nhất. Dù Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không tuyên bố cụ thể, song có thể lý giải sự sốt sắng của VFF với AFF Cup bằng 2 lý do, hoặc để lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ, hoặc để các cầu thủ lấy lại sự tự tin sau hơn một năm sa sút, hoặc là cả 2 lý do này.
Nhưng dù thế nào thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, AFF Cup đang dần trở thành sân chơi cho cầu thủ trẻ tích lũy kinh nghiệm. Điều đó có nghĩa là trong dài hạn chúng ta cần tập trung lực lượng tốt nhất cho những sân chơi cao hơn. Những đấu trường như AFF Cup và SEA Games nên là nơi rèn giũa kinh nghiệm trận mạc của các lứa kế cận và nếu làm được như vậy thì sẽ thật sự rất tốt cho các cầu thủ trẻ.