Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Vượt khó giữ bản sắc

Những ngày qua, các hoạt động của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 tổ chức tại Lạng Sơn đã tạo ra không gian ý nghĩa để các nghệ nhân, bà con dân tộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Đây là dịp để chính quyền các cấp cũng như ngành văn hóa rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức đối với văn hóa dân tộc, có những chính sách, hành động kịp thời với các chủ thể văn hóa đang ngày đêm vượt khó gìn giữ bản sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân dân tộc Sán Chỉ ở Sơn Động, Bắc Giang vui điệu nhảy tắc xình.
Các nghệ nhân dân tộc Sán Chỉ ở Sơn Động, Bắc Giang vui điệu nhảy tắc xình.

Giữ gìn bản sắc văn hóa từ tín ngưỡng dân gian

Với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 tại tỉnh Lạng Sơn có nhiều chương trình hấp dẫn.

Bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc được thể hiện rõ nét nhất ở các phần thi nghi thức, lễ hội. Đông đảo người dân và du khách được thưởng thức trích đoạn, tái hiện các nghi lễ đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Lô Lô, Sán Dìu, Sán Chỉ… như: Nghệ thuật múa, cắt dán giấy, trang trí đàn lễ, hệ thống tranh thờ dân gian. Ông Đinh Xuân Thắng, Vụ phó Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) thành viên ban giám khảo cho biết, tại ngày hội này, nhiều dân tộc đã mang được những đạo cụ, trang phục gốc, nguyên bản, không bị pha tạp, biến tấu hay cách tân. Các đoàn rất đồng đều, có điểm mạnh và đặc sắc riêng. Còn PGS, TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập tạp chí Dân tộc và Thời đại vui mừng nhận xét, sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân thể hiện ý thức, tình yêu đối với văn hóa dân tộc, với cộng đồng. Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa chúng ta vẫn được chứng kiến bản sắc văn hóa nguyên sơ như vậy là điều rất đáng quý.

Về tham dự ngày hội, Nghệ nhân Đàm Thị Hoa, dân tộc Sán Chỉ thôn Thia Tu Nim, xã Lệ Viễn (Sơn Động, Bắc Giang) hồ hởi bởi được mang điệu múa tắc xình đến giao lưu. “Điệu nhảy này có từ lâu đời, gợi những hình ảnh sinh hoạt, sản xuất hằng ngày. Mỗi dịp lễ hội, chúng tôi lại tổ chức nhảy điệu tắc xình. Rất mừng là các cháu rất thích, từ các bé học vỡ lòng cho đến thanh niên. Bây giờ ở các thôn, xã mình, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều đã biết nhảy điệu vũ của dân tộc Sán Chỉ một cách thuần thục”, bà Hoa nói. Tuy còn trăn trở việc thiếu các nhạc cụ biểu diễn dẫn đến nhiều lần các lớp truyền dạy phải hoãn lại nhưng bà Hoa và các thành viên đội văn nghệ thôn Thia Tu Nim vẫn quyết tâm, dù có khó khăn đến mấy sẽ vẫn cố gắng đưa điệu múa tắc xình lan tỏa đi khắp nơi.

Vượt khó giữ bản sắc ảnh 1

Chị Hà Thị Thơm, người dân tộc Nùng Phàn Slình (Lạng Sơn) trình diễn dệt vải thổ cẩm.

Còn đó những điều đáng lo

Ngồi trình diễn dệt vải tại gian trưng bày trong ngày hội, chị Hà Thị Thơm, dân tộc Nùng Phàn Slình ở xã Gia Cát (Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết, mình dệt cho mọi người xem thôi chứ bây giờ ở địa phương mình không còn dệt trang phục nữa. Chị kể, làm một bộ trang phục Nùng Phàn Slình rất kỳ công và mất gần một năm mới xong. Trước đây, phụ nữ Nùng Phàn Slình đều tự dệt, nhuộm, thêu các bộ trang phục, nhưng giờ vùng mình không trồng bông để dệt, trồng chàm để nhuộm nữa, muốn có trang phục thì ra chợ mua vải chàm làm thôi.

Chỉ cho chúng tôi xem hai chất liệu vải tự dệt và nhuộm chàm do bà con làm trước đây với vải mua ngoài chợ, chị Thơ cho biết: Vải chàm của chúng tôi làm trước đây thoáng, mặc rất mát, sợi và mầu rất bền còn vải ngoài chợ pha nhiều nylon dày, nhuộm thuốc chàm công nghiệp nên mặc nhanh hỏng và rất bí. Giờ giống cây chàm cũng đã không còn, chính quyền cùng ngành văn hóa đã có định hướng khôi phục lại các công đoạn làm trang phục Nùng Phàn Slình quê mình nhưng vẫn chưa thấy triển khai gì cả.

Cũng ở tình trạng đó, nhóm dân tộc Cao Lan ở Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) cũng đang thiếu các nguyên liệu để giữ gìn các trang phục truyền thống. Chị Tống Thị Cấp ở thôn Vịnh Ninh cho biết, khi không có đất trồng bông dệt vải nữa, bà con phải bỏ tiền đi mua sợi để dệt vải. Trong khi cuộc sống tự cấp, nhiều hộ còn khó khăn.

Dẫn đoàn về Lạng Sơn tham dự ngày hội, chị Lê Thị Dung công tác tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Giang cho biết, hiện thông tư về chế độ bồi dưỡng nghệ nhân đã bãi bỏ, nên chúng tôi rất khó khăn để chi trả cho các nghệ nhân khi tổ chức, tham gia các hoạt động.

Hiện, du lịch cộng đồng đều do bà con tự thân phát triển với sự hỗ trợ phần nào của chính quyền và ngành văn hóa, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao. Cần đào tạo đội ngũ cán bộ làm văn hóa dân tộc có chuyên môn, nghiệp vụ tốt làm công tác đánh thức những “vỉa quặng quý” đó thì mới có thể phát huy được các giá trị của nó.

PGS, TS Lê Ngọc Thắng cho rằng, việc đầu tư cho văn hóa vẫn chưa đủ mạnh để văn hóa đánh thức tiềm năng toàn dân tộc giúp chính trị ổn định và kinh tế phát triển. Theo QĐ 1719 của Thủ tướng Chính phủ gắn văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng, ngành văn hóa cần rà soát lại toàn bộ các giá trị văn hóa nằm trong cộng đồng các dân tộc. Cần sự đầu tư và có chế độ chính sách cho các nghệ nhân.