“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 3)

Kỳ 3: Cán bộ phải tận tâm gấp bội
0:00 / 0:00
0:00
Xã Mỹ Bình huy động hệ thống chính trị cơ sở chung tay xây dựng nông thôn mới.
Xã Mỹ Bình huy động hệ thống chính trị cơ sở chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ở những miền quê vùng sâu, vùng xa, hệ thống chính trị cơ sở luôn thiếu cán bộ. Câu chuyện của những cán bộ tiên phong nơi biên giới, thấm đẫm nỗ lực vượt khó, vượt khổ bằng sự tận tâm, tận tuỵ phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước, quê hương.

Khó, khổ vì thiếu cán bộ

Xã biên giới Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, được thành lập năm 2003. Xã có diện tích 41,5 km2, dân số dưới bốn nghìn người và có 12,5 km đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Từ đường tuần tra biên giới phóng tầm mắt sang nước bạn là một trảng trống mênh mông. Mùa này trảng không ngập nước, có thể thấy đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ. Xã Mỹ Bình có hai món đặc sản trên bàn ăn đó là mắm cá thia lia và rong nước. Hơn chục năm về trước, hai món này thường trực trong bữa cơm của người dân, nay ít người dùng lại thành đặc sản để nhớ về một thời khốn khó.

Nói vậy nhưng thực ra Mỹ Bình vẫn là một xã nghèo. Cái khổ mới vơi bớt gần đây sau khi các con đường từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã được nâng cấp và làm mới. Cách trung tâm tỉnh chỉ sáu mươi cây số nhưng trước đây huyện Đức Huệ luôn được ấn định là “vùng sâu, vùng xa”. Mỗi lần lên công tác ở Đức Huệ, cán bộ tỉnh thường mất một tuần vì phải đi lại bằng ghe, xuồng.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình Huỳnh Thị Thái Lan kể lại thời gian mới làm công chức xã. Không điện, không nước, không đường đi. Giấy mời họp gửi từ huyện được viết tay, cán bộ xã nhận được thì đã qua ngày họp. Cán bộ xã trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức. Số lượng cán bộ ít, một người kiêm nhiều chức vụ, vị trí, căng sức mà làm. Lúc đó, cán bộ có nỗ lực là do có chi bộ động viên, tuy là sinh hoạt ghép, nhưng là có đảng viên tăng cường từ Đồn Biên phòng Đức Huệ cùng chia sẻ, hỗ trợ.

Cái khổ do thiếu cán bộ bày ra ngay. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời đến với người dân. Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người dân phải rời quê đi kiếm sống. Đất thiếu người lại càng thêm vắng vẻ, hoang sơ. Chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới ở xã biên giới có nguy cơ khó đạt mục tiêu đề ra nếu không có tư duy mới từ Đảng bộ tỉnh. Ấy là “lộ thông, tài thông” - đường mở trước, kinh tế phát triển theo. Bây giờ, từ thành phố Tân An ngược theo hướng tây bắc lên Đức Huệ là tuyến đường huyết mạch nối miền đông với miền tây mà người dân Long An gọi vui là “xa lộ Đồng Tháp Mười” - Tỉnh lộ 816. Con đường này mới được thông tuyến khoảng bốn năm, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân sinh sống quanh “vựa lúa” Đồng Tháp Mười và các xã biên giới.

Chị Huỳnh Thị Thái Lan vốn là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, có thời gian gắn bó với Mỹ Bình từ những ngày đầu mới thành lập. Chị Thái Lan chia sẻ: Cái khó của xã trong thời điểm này vẫn là thiếu cán bộ. Nhiều vị trí cán bộ kiêm nhiệm gây ra những vướng mắc. Các công việc yêu cầu phải có chuyên môn như thống kê, văn hóa, tư pháp, địa chính… không thể giao các cán bộ đoàn thể và ngược lại. Giải pháp tạm thời của Đảng ủy xã là phân công các công việc không cần nhiều kiến thức chuyên môn sâu cho các chi bộ. Nhưng thực tế không dễ. Đảng viên làm các công việc của cán bộ thôn, chẳng có chế độ, phụ cấp gì, không lẽ cứ mãi “ăn cơm nhà” làm việc chung…

Chúng tôi đến chốt dân quân trên đường tuần tra biên giới. Mấy năm nay cùng với sự hỗ trợ của các huyện kinh tế khá trong tỉnh Long An và sự đầu tư của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, xã Mỹ Bình đang xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Trung đội dân quân được gửi gắm kỳ vọng là nguồn cán bộ dồi dào cho xã. Nguyễn Văn Sớm là bộ đội xuất ngũ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, Trung đội trưởng phụ trách dân quân. Anh Sớm có thuận lợi là đảng viên, lại là người địa phương, nên phù hợp vị trí này. Nhưng thời gian đầu Nguyễn Văn Sớm cũng không có ý định ra xã làm việc. Bởi phụ cấp thấp và tương lai công việc mông lung. Anh giãi bày: Nói chung anh em dân quân đều vì trách nhiệm với quê hương, không nghĩ nhiều về phụ cấp.

Hạ tầng yếu kém, cán bộ càng phải nỗ lực

Những cán bộ của hệ thống chính trị ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương Tổ quốc đang sống và làm việc với tinh thần vượt khó, không sợ khổ. Nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hạ tầng yếu kém là khó khăn kể mãi không hết. Lại thêm thu nhập thấp, nếu không có nỗ lực vượt khó, sự tận tâm, tận tụy lớn hơn gấp bội, cán bộ ở đó sẽ chẳng thể nào yên tâm làm việc, cống hiến.

Năm 2009, lần đầu chúng tôi lên A Pa Chải - điểm cực tây Tổ quốc. Con đường từ trung tâm huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) lên xã Xín Thầu mới được hoàn thành. Lời của Bí thư Đảng ủy xã Xín Thầu lúc đó là ông Pờ Dần Sinh khiến chúng tôi rưng rưng: “Chỉ cần con đường này thôi là chúng tôi đã biết ơn Đảng, Chính phủ lắm lắm rồi. Tôi bảo họ hàng, người dân đừng bao giờ quên công ơn đấy!”. Có đường, rồi có điện, giờ đây cuộc sống của người dân cải thiện từng ngày. Đồng bào dân tộc Hà Nhì vùng Xín Thầu đã mấy lần tổ chức lễ hội Hồ Sự Chà, để khoe với các dân tộc anh em bản sắc văn hóa đẹp đẽ của dân tộc mình, nhân lên niềm tin yêu của người dân với cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Người dân trân trọng sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, nhưng cán bộ cơ sở phải biết cách truyền đạt ngắn gọn, giản dị, rồi phải có minh họa dẫn chứng cụ thể. Mấy năm trước, cây chanh leo chưa được phổ biến ở miền tây Nghệ An. Cán bộ giải thích mà nhiều người dân vẫn không muốn làm theo. Bởi theo những gì người dân vẫn thấy hằng ngày, chanh leo là giống cây dại, mọc ở bờ rào, ăn nhiều không được. Khi hệ thống đường giao thông miền tây Nghệ An khá hơn, các thương lái tìm đến từng thôn, bản thu mua, “mắt thấy, tai nghe”, người dân hồ hởi trồng.

Trở lại với xã biên giới Mỹ Bình, huyện Đức Huệ. Như mô tả của Phó Bí thư Huyện ủy Đức Huệ Hồ Minh Phương, đất ở đây cỏ lác không mọc nổi, dưới nước chỉ có cá thia lia sống được. Khi thành lập xã Mỹ Bình, chính quyền huyện huy động người dân ra lập vùng kinh tế mới nhưng chỉ có một phần mười bám trụ được. Sau này, khi đường tuần tra biên giới thông tuyến, có sự hỗ trợ rất lớn từ nhân dân các huyện kết nghĩa trong việc xây nhà, làm đường, kéo điện, dẫn nước, các hộ dân mới quay lại lập nghiệp. Nhưng dân cư vẫn thưa thớt, nên cả xã toàn người trẻ, nặng tình và trách nhiệm với quê hương. Nhiều người như anh Sớm, chị Lan làm cán bộ với phụ cấp rất thấp, mà chẳng bao giờ kêu than. Mỗi khi có chủ trương của huyện cần vận động là cán bộ xã, thôn lại lặn lội đến từng hộ dân, tâm tình, giải thích. Trình độ dân trí chưa cao, nhưng những lời nói từ tâm, hiểu dân nên dân nghe và làm theo. Đó là những người đầu tiên đặt nền móng cho hệ thống chính trị cơ sở trên mấy ấp của xã Mỹ Bình.

Đến nay, các tỉnh lộ 816, 839 được nâng cấp, rút ngắn thời gian di chuyển từ xã đến thành phố. Có thêm nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, Mỹ Bình ngày càng khởi sắc. Từ một chi bộ ghép giờ xã đã có Đảng bộ với hơn 40 đảng viên. Đường lớn đã mở, đội ngũ cán bộ cơ sở nơi đây càng thêm nỗ lực, tận tâm hiện thực hóa ước mơ, kỳ vọng của nhiều thế hệ đi trước.

Thời điểm chúng tôi đến bản Huổi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An, người dân đang làm đường bê tông rộng 5 m từ dưới chân núi lên giữa bản. Đây là bản đầu tiên trồng cây chanh leo của cả vùng, nên được giá. Người dân có thu nhập, đóng góp cùng xã, huyện làm đường. Từng chi bộ tiên phong, cả hệ thống chính trị tích cực tham gia, phát triển giao thông ở miền tây Nghệ An là con đường lớn để “nghị quyết đi vào cuộc sống”.

(Còn nữa)

“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 1)

“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 2)