“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 2)

Kỳ 2: Có dân mới có cán bộ
0:00 / 0:00
0:00
Đồn Biên phòng Chi Lăng, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn thực hiện mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới”.
Đồn Biên phòng Chi Lăng, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn thực hiện mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới”.

Gần dân, sát dân, sống đời sống của nhân dân, cùng nhân dân là những cán bộ ở thôn, bản. Năng lực, nhiệt huyết của cán bộ cơ sở sẽ rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương, đường lối, chính sách với thực tiễn sinh động.

Gần dân, sát cánh cùng dân

Xem một số kênh Vlog trên YouTube thấy các bạn trẻ Việt Nam giúp đỡ người dân ở một nước châu Phi phát triển kinh tế, nhiều người không khỏi nhớ lại hoàn cảnh của nông thôn Việt Nam 20, 30 năm về trước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Vòng luẩn quẩn từ nghèo đói, lạc hậu rồi trì trệ cảm giác cứ kéo dài mãi. Người dân vẫn cần cù nhưng không no đủ. Tôi nhớ những chuyến công tác tới các xã nghèo, các phóng viên lần nào cũng hỏi: Mùa giáp hạt có đủ ăn không? Bây giờ mà hỏi thế nhiều thanh niên lạ lắm, bởi không hiểu khái niệm “mùa giáp hạt”. Tại sao nước ta vượt qua được những ngày nghèo đói đó? Cùng với chủ trương đúng đắn của Đảng thì hệ thống chính trị cơ sở ở nước ta hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nói về hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở, mọi người hay dùng từ ngữ to tát. Nhưng thực tế có khi là những việc làm kể ra chẳng có gì to tát. “Hội nghị đầu bờ” là từ ngữ quen thuộc với nông dân vào những thập niên cuối của thế kỷ trước. Gọi là hội nghị nhưng chính xác là mấy buổi tập huấn ngoài đồng ruộng, là “cầm tay chỉ việc”. Hội nghị không có những từ ngữ chuyên môn, chỉ là việc cụ thể, cách làm chi tiết. Anh/chị nuôi, trồng giống cây này thì ủ hạt bao nhiêu ngày? Sau bao lâu thì cây ra hoa? Bón phân lần 1 ngày nào, lần 2 ngày nào? Sau “hội nghị”, cán bộ thôn xuống từng nhà cùng theo dõi, nhắc nhở người dân làm theo đúng quy trình. Cứ thế, người dân làm theo cán bộ thì cây trồng ít sâu bệnh, năng suất cao. Dân tin cán bộ, cán bộ lại hào hứng, nỗ lực hơn vì dân. Cán bộ ở thôn, trước khi là cán bộ đều là người dân theo đúng nghĩa. Là bởi từng cán bộ cũng phải cày cấy, gặt hái trên mảnh ruộng của chính gia đình mình. Cán bộ bón phân gì trên ruộng nhà mình thì người dân sẽ dùng loại phân bón đó…

Mấy năm gần đây các huyện, xã vùng sâu, vùng xa có hiện tượng thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm xa. Ở nhiều vùng con số này lên đến hơn 50%. Thí dụ ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn), xã Tam Thái, xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) của tỉnh Nghệ An có quy mô dân số hơn bốn nghìn người thì có gần hai nghìn người đi làm xa. Nhiều xã, huyện vùng miền núi phía bắc và cả các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có hiện tượng tương tự. Thiếu người trong độ tuổi lao động tại địa phương tạo áp lực với hệ thống chính trị cơ sở. Theo anh Lô Văn Thuyết, Bí thư Chi bộ bản Khổi (xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), hiện ở địa phương đang rất thiếu người trong độ tuổi lao động. Chi bộ thường xuyên chỉ đạo và hỗ trợ các chi hội trưởng vận động người dân tham gia hoạt động của tổ chức. Nguồn đã “vét” từ học sinh cấp 3, bộ đội xuất ngũ và các lao động thời vụ tại địa phương. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Thái Lang Văn Hiển cho hay: Những năm qua, Chi bộ bản Khổi thực hiện hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, nhờ vậy đã động viên được nhiều người tham gia các tổ chức đoàn thể. Xã đang tính cách để nhân rộng mô hình này.

Đồng chí Hoàng Đình Phới, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Quản Bạ (nay là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang) thông tin thêm về hiện tượng người dân đi làm xa và chia sẻ: Đây cũng là hoạt động tích cực nếu người dân biết tranh thủ học thêm kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi từ địa phương khác. Thực tế ở huyện Quản Bạ, người đi làm xa trở về địa phương đều có thêm kiến thức, phương thức sản xuất mới. Nhiều người mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế gia đình. Bản Nặm Đăm ở xã Quản Bạ là thí dụ điển hình. Đời sống khá lên, người dân tích cực tham gia các tổ chức chính trị-xã hội, hỗ trợ cán bộ thôn, bản đưa đường lối của Đảng đến với từng người dân.

Lo cho dân mới có phong trào

Huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là nơi khởi phát phong trào “Lũy tre biên giới Việt”. Mô hình này đã được biểu dương, nhân rộng. Chiều chiều, bên những hàng rào tre biên giới, chúng tôi đã được nghe câu chuyện thú vị về dân vận.

Đồn Biên phòng Ba Sơn phụ trách địa bàn các xã Cao Lâu, Mẫu Sơn, Xuất Lễ, quản lý, bảo vệ 41,2 km đường biên giới (gần 2/3 tuyến biên giới của huyện Cao Lộc) và 57 cột mốc quốc giới. Địa bàn biên giới các xã này có địa hình chủ yếu là các dãy núi cao; dọc tuyến biên giới còn nhiều diện tích đất trống đồi trọc. Nguồn thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào việc khai thác lâm sản. Những năm trước, người dân thường lên các cánh rừng giáp biên giới thu hoạch lâm sản tự phát, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng. Cán bộ thôn, xã khó kiểm soát.

Gần dân, sát dân, chung nỗi lo mưu sinh của người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Sơn có sáng kiến “Lũy tre biên giới Việt”. Bộ đội trồng những cây tre đầu tiên, rồi cán bộ thôn, bản, nhân dân cùng chung tay. Những tuyến đường lên các cột mốc và đường tuần tra biên giới ở Cao Lâu, Mẫu Sơn, Xuất Lễ giờ đã rợp bóng tre xanh. Dọc theo “Lũy tre biên giới Việt”, phạm vi khai thác lâm sản được “định vị” rõ ràng. Tre Bát độ lớn nhanh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Lạng Sơn. Mỗi khóm tre được trồng cách nhau khoảng hai mét, sau khoảng hai năm thành những bụi tre lớn đan xen, phủ xanh đường tuần tra biên giới.

Bí thư Chi bộ thôn Còn Nàn, anh Phương Văn Cung tâm sự: Trước đây, cán bộ thôn vận động người dân từ bỏ khai thác lâm sản trái phép rất khó khăn vì không có sinh kế thay thế. Khi có phong trào “Lũy tre biên giới Việt”, người dân được giao bảo vệ, giữ gìn và khai khác lâm sản theo từng đoạn đường nên dần dần đã nhiệt tình tham gia. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Lâu Hoàng Văn Điều thông tin: Những con đường lên các cột mốc cùng với đường tuần tra “Lũy tre biên giới Việt” đã giúp xã quy hoạch thêm khoảng 300 ha đất rừng. Trên tuyến đường biên giới dài 12,7 km người dân đã trồng được hơn 2.000 bụi tre Bát độ, đến năm 2025 sẽ được khai thác măng tre. Măng Bát độ có giá thành cao. Người dân cũng được hướng dẫn trồng nhiều loại rau rừng, cho thu nhập ổn định.

Thành quả ở Cao Lầu hôm nay là những ngày tháng cả hệ thống chính trị từ bộ đội biên phòng đến cán bộ xã, thôn, bản miệt mài tìm tòi, xoay xở cả cách nghĩ, cách làm. Xã Cao Lầu vốn là cửa ngõ để hàng lậu, hàng cấm từ bên kia biên giới tràn vào Việt Nam. Nhiều tệ nạn xã hội, hệ thống chính trị có thời điểm hoạt động kém hiệu quả vì người dân che giấu các đối tượng phạm tội.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Đồn Biên phòng Ba Sơn phối hợp chính quyền các xã dồn sức củng cố hệ thống chính trị. Hàng chục lượt đảng viên được cử về thôn, bản sinh hoạt cùng chi bộ, vận động nhân dân, khoanh vùng các đối tượng. Qua thời gian kiên trì bám nắm, đổi mới phương pháp lãnh đạo từ vận động chung chung sang thu hút người dân tham gia các phong trào cụ thể. Cùng người dân chăm lo phát triển kinh tế, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, tình hình địa phương dần khởi sắc.

Trung tá Đặng Hùng Cường, Đồn trưởng Biên phòng Ba Sơn kể: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn phân công cán bộ, đảng viên tới 25 thôn, bản ở ba xã giáp biên tham gia sinh hoạt cùng cấp ủy các chi bộ thôn, bản. Lực lượng này thường xuyên đề xuất, tham mưu cho đảng ủy, chính quyền xã, chi bộ thôn giúp đỡ từng gia đình, đồng thời giám sát những đối tượng có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự”.

Nghĩ đến dân, lo cho dân, những cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng và cán bộ xã, thôn, bản nơi vùng xa biên giới đã tạo ra phong trào, là nền tảng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và thực tế vẫn là: “Cán bộ nào, phong trào đó”.

Bài học kinh nghiệm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Sơn là phải quy tụ được nhân dân trong các phong trào lao động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Quá trình vận động phải giải quyết được mối quan hệ giữa lợi ích và nghĩa vụ, kịp thời giải tỏa “điểm nghẽn” ngay trong tư tưởng của người dân.

(Còn nữa)

“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 1)