Kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng việt Nam (21/6/1925-21/6/2024)

Một giai đoạn kỳ vĩ và đáng tự hào

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Lời xướng ngắn gọn, đầy đủ, thiêng liêng ấy đã đánh dấu thời khắc lên sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, thông báo với thế giới về sự hiện diện bình đẳng của một nước Việt Nam tự do, độc lập. Bình thường, lời xướng quen thuộc đó vẫn vang lên từ Hà Nội. Song cũng có bất thường, khi lời xướng có thời điểm chỉ có thể vang lên gần Hà Nội…
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Nhất (tức Nguyễn Văn Thân) và bà Dương Thị Ngân (tức Thanh Ngân) - nam - nữ phát thanh viên tiếng Việt đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Nguyễn Văn Nhất (tức Nguyễn Văn Thân) và bà Dương Thị Ngân (tức Thanh Ngân) - nam - nữ phát thanh viên tiếng Việt đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bước vào cuộc trường chinh

Những ngày cuối tháng 12/1946, Hà Nội căng như dây đàn. Thực dân Pháp liên tục gây hấn, tàn sát đồng bào, bộ đội, công an của ta. Đỉnh điểm sáng 19/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi quyền giữ trật tự trong thành phố. Đây là giới hạn cuối cùng của mọi sự nhân nhượng.

Đúng quy ước 20 giờ đêm 19/12/1946, điện thành phố phụt tắt, tiếng đại bác vang rền từ pháo đài Láng, mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến khẩn cấp trên đài phát thanh: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Tiếng súng đại bác đã nổ ở Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu…”. Sau bản tin cuối cùng tại Hà Nội, Điện đài Bạch Mai - nơi phát sóng thường nhật của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng hỏa thiêu để tiêu thổ kháng chiến. Kẻ thù thực dân Pháp, ngay sau bản tin cuối cùng đã cho máy bay ném bom hủy diệt những gì còn sót lại của Điện đài Bạch Mai, với huyễn vọng Tiếng nói Việt Nam phải im tiếng.

Thế nhưng, như thường lệ, bản tin 6 giờ sáng hôm sau 20/12/1946, giọng phát thanh viên Dương Thị Ngân - Nguyễn Văn Nhất, phát thanh viên nam - nữ tiếng Việt đầu tiên, duy nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó và cũng là những người vừa phát bản tin công bố mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến đêm trước, vẫn vang lên đĩnh đạc: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa…”. Nghe được tiếng nói này trong thời khắc rối ren vận nước, khỏi phải nói nhân dân, chiến sĩ quyết tử Thủ đô cùng đồng bào cả nước đã thở phào, yên tâm, mừng vui cỡ nào, còn kẻ thù thì nhận lấy biết bao ngạc nhiên và tức tối.

Bản tin ngày đầu kháng chiến phát đi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp theo, là phát mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Võ Nguyên Giáp. Bản tin lịch sử ấy đã trở thành dấu mốc đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam trong cuộc trường chinh của dân tộc.

Chiến thuật vừa đi vừa phát sóng

Suốt 9 năm kháng chiến, vừa đi vừa phát sóng là “đặc sản chiến thuật” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Một bên, Đài phải hoàn thành nhiệm vụ: Đối nội - làm cầu nối giữa nhân dân với Chính phủ, đối ngoại - làm tấm hộ chiếu không biên giới xé toang bức màn bưng bít của thực dân để thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng ta. Bên kia, Đài phải đối mặt với sự săn đuổi bằng mọi giá và không ngừng nghỉ của kẻ thù. Vậy, làm cách nào Đài có thể duy trì được làn sóng phát thanh liên tục trong mọi tình huống, như lời Bác Hồ đã căn dặn từ những ngày chuẩn bị thành lập?

Lúc 6 giờ sáng 20/12/1946, đồng bào, chiến sĩ cả nước vui mừng, xúc động lắng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn hoàn thành bản tin như thường lệ, trong bối cảnh mà Đài phát sóng quốc gia vừa bị hỏa thiêu, ném bom còn đang rợp trời khói lửa và một số bộ phận của Đài vẫn đang trên đường hành quân tập kết. Để đạt được kết quả lên sóng như thường lệ đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị chủ động, công phu nhiều tháng ngày trước đó.

Ông Lê Hồng Giang (tức Phạm Đình Lương), một trong những biên tập viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau này là Vụ trưởng Kế hoạch Ủy ban Phát thanh truyền hình hồi ký, tóm tắt đại ý như sau: Nói cho đúng, ngay từ khi Chính phủ ta ký Tạm ước 6/3/1946, tinh thần tiêu thổ kháng chiến đã được chuẩn bị. Thời điểm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho một bộ phận cán bộ biên tập và phục vụ sơ tán thời gian ngắn vào làng Chuông, thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) để phòng ngừa tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Song hoạt động tiêu thổ kháng chiến thật sự khẩn trương thì phải bắt đầu từ sau Hiệp định sơ bộ 14/9/1946. “Khoảng hạ tuần tháng 9/1946, tôi được phân công xuống Đài Phát thanh Bạch Mai giám sát việc tháo dỡ các thiết bị phát sóng đi tản cư và bố trí bom phá hủy phần nhà máy còn lại sau khi đã vận chuyển thiết bị cần thiết đi khỏi thủ đô Hà Nội”, ông Lê Hồng Giang viết.

Thiết bị sau tháo dỡ được xếp lên xe tải do ông Nguyễn Như Kim, người của Nha Thông tin phụ trách. Đi cùng có ông Lê Hồng Giang và một số cán bộ kỹ thuật vô tuyến điện. Xe di chuyển về hướng dốc Cun, Hòa Bình. Khi đến Mai Châu, đoàn nghỉ đêm tại nhà một cơ sở Việt Minh, sáng hôm sau lại ngược đường về chùa Trầm (tức chùa Long Tiên), thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông - cách nội thành Hà Nội chừng 30 km.

Nhà báo Vĩnh Trà (tức Trần Đức Nuôi) - được mệnh danh là “sử gia” của Đài Tiếng nói Việt Nam còn kể thêm rằng, tuần cuối tháng 11/1946, có một nhóm khác do ông Nguyễn Cung phụ trách, gồm các ông Nguyễn Cung, Nguyễn Văn Nhất, Lê Quý (tức Lê Văn Trọng) tiếp tục được cử mang thiết bị phát sóng di chuyển từ Hà Nội vào Bái Thượng, Thanh Hóa. Gần đến Bái Thượng, một lần nữa nhóm nhận lệnh ngược về hội quân tại chùa Trầm.

Như vậy, tính đến trung tuần tháng 12/1946, các thiết bị phục vụ phát sóng đã tập kết đầy đủ tại chùa Trầm, trong đó có ba máy phát sóng, gồm một máy 1,5 kW, một máy 1 kW và một máy 500 W. Máy móc được bố trí ở trong hang núi Trầm. Ăng-ten chính đặt trên đỉnh núi “thiềm thừ vọng nguyệt”, hình con cóc ngắm trăng cao 114 m. Ăng-ten phụ đặt trên ngọn cây trước hang núi. Studio có vách ken bằng ruột chăn bông, đặt tại một lô cốt của quân Pháp bỏ lại. Khu làm việc của bộ phận biên tập trải trên khoảng đất rộng trước cửa hang và tam quan nhà chùa. Đến ngày 15/12/1946, toàn bộ trang thiết bị đã được hiệu chỉnh, bảo đảm sẵn sàng phát sóng. Đài được cấp 200 đồng bạc Đông Dương chi phí cho đợt tạm cư ở chùa Trầm. Số tiền được đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người giữ chức Bộ trưởng Tài chính lúc bấy giờ trao tận tay cho ông Lê Hồng Giang vài ngày sau chuyến vận chuyển máy móc từ Mai Châu về chùa Trầm.

Tiến trình vừa đi vừa phát sóng trong chặng hành quân kháng chiến đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam là vậy. Nguyên tắc người đi cứ đi, người phát cứ phát. Công việc tìm kiếm địa điểm, di chuyển thiết bị được bảo mật thực hiện hàng tháng trước đó. Kịch bản rút lui được chuẩn bị kỹ càng. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, các bộ phận lần lượt rút theo kế hoạch. Việc phát sóng hầu như không bị gián đoạn quá lâu giữa các nơi tạm cư cũ và mới.

Nhà báo Vĩnh Trà cho biết, sau này, càng đi sâu vào kháng chiến và để chủ động hơn trong “chiến thuật” vừa đi vừa phát sóng, rút kinh nghiệm sau các lần di chuyển từ chùa Trầm lên Ao Cá, xã Phú Hộ, thuộc tỉnh Phú Thọ, lên Đa Năng, Tuyên Quang, rồi lên thị xã Bắc Kạn, Đài Tiếng nói Việt Nam gần như chia lực lượng thành hai nửa. Trong đó, khối kỹ thuật chia thành hai đoàn, mỗi đoàn có hai sóng phát thanh, có đủ máy thu tin, máy nổ, bá âm. Khối biên tập, văn nghệ vẫn là một đoàn, nhưng trước khi di chuyển thì tách một nhóm đi trước đến địa điểm mới, sau khi lên xong chương trình phát thanh nhóm sau mới xuất phát. Tính toán, tổ chức mọi mặt kỹ lưỡng như vậy, nhưng cũng có lúc Đài suýt không thể hoàn thành nhiệm vụ phát sóng liên tục.

Đó là quãng thời gian từ ngày 7/10/1947, giặc Pháp huy động 12.000 quân khóa chặt biên giới Việt - Trung, liên tục nhảy dù tấn công thị xã Bắc Kạn, Chợ Rã hòng tiêu diệt quân chủ lực và các cơ quan đầu não của ta tại chiến khu Việt Bắc. Lúc đó, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa thoát vòng vây địch ở thị xã Bắc Kạn rút lên bản Vài. Phát sóng ở bản Vài 10 ngày lại phải di chuyển, có lúc lọt sâu vào không gian mênh mông của hồ Ba Bể. Trong tác phẩm bút ký “Dòng sông trên cao”, nhà báo Vĩnh Trà từng ví von, vũ khí trong các đợt dịch chuyển không ngừng nghỉ của nhà đài “chỉ có quang gánh, đòn khiêng và đôi vai thị thành nay đã chai sạn mầu sương nắng của thủ đô gió ngàn”.

Một năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến, quân Pháp rút khỏi Việt Bắc, gánh chịu thất bại chiến lược đầu tiên. Lúc này, Đài Tiếng nói Việt Nam đang “dựng trại” ở một địa điểm cạnh hồ Ba Bể, chuẩn bị phát sóng trở lại. Suốt quãng thời gian “tạm vắng”, Đài Tiếng nói Nam Bộ đã thay Đài Tiếng nói Việt Nam giữ sóng thành công với lời xướng ngắn gọn: “Đây là Tiếng nói Việt Nam”. Đài Tiếng nói Nam Bộ phát sóng chính thức vào hạ tuần tháng 7/1946 ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Cho nên, có thể coi đây là giai đoạn Tiếng nói Việt Nam đứng giữa, chia lửa, chia sóng cho ba miền Nam - Trung - Bắc và làm cả nhiệm vụ đối ngoại bên ngoài biên giới. Năm 1945, trên đường từ Tân Trào về Hà Nội, Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và tiếp theo là Đài Tiếng nói Nam Bộ. Chỉ hai năm sau, tầm nhìn chiến lược đó đã phát huy giá trị không gì đong đếm được, đó là giữ vững được làn sóng phát thanh quốc gia, giữ vững được định hướng và niềm tin kháng chiến ngay trong tình huống và chặng đi ngặt nghèo nhất. Ngày 31/1/1948, Đài Tiếng nói Nam Bộ chấm dứt phát sóng thay Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ ngày 1/2/1948, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng trở lại tại một địa điểm có mật danh CAT, thuộc huyện Yên Sơn, Tuyên Quang - tiếp tục hành trình vừa đi vừa phát sóng cực nhọc nhưng giàu cảm xúc.

Một giai đoạn kỳ vĩ và đáng tự hào ảnh 1

Hang Trầm, nơi tập kết thiết bị phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam sau ngày toàn quốc kháng chiến. Ảnh: PHẠM ĐẮC

Thế nào là phát thanh gần Hà Nội?

Trước khi bắt tay vào thực hiện bài viết này, tôi vốn không nghĩ câu hỏi lại mang đến nhiều rắc rối đến thế! Những tưởng chỉ cần đến Đài Tiếng nói Việt Nam nêu câu hỏi với một người phụ trách nào đó là xong. Tuy nhiên, đến khi bước vào thực hiện, các đầu mối đều đứt đoạn.

Đầu tiên, các nhân chứng trực tiếp không ai còn sống để tìm manh mối từ những cuộc phỏng vấn. Tiếp đến, các hiện vật lưu trữ cũng không còn lại gì. Trung tâm Thông tin và Lưu trữ của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng không có tư liệu về thời kỳ này. Một kênh nữa là các cuốn biên niên sử và hồi ký, mới đọc thấy không vấn đề gì, nhưng đọc hết cuốn này sang cuốn khác lại thấy xuất hiện một số thông tin có mâu thuẫn. Tôi đặt câu hỏi với nhà báo Vĩnh Trà, năm nay 78 tuổi, một người biên sử đáng kính của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng tiếc rằng, ông không có chứng cứ bằng văn bản hay hiện vật xác nhận nào cả.

Cuối cùng, nhờ chị Hương Ly ở Thư viện Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi hẹn gặp được các ông Nguyễn Việt Phương, Nguyễn Việt Trung, Nguyễn Hồng Nam, Nguyễn Hồng Dương là bốn trong số năm người con trai của hai ông bà Dương Thị Ngân (tức Thanh Ngân) - Nguyễn Văn Nhất (tức Nguyễn Văn Thân), nam - nữ phát thanh viên tiếng Việt đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, bà Dương Thị Ngân là nữ phát thanh viên tiếng Việt duy nhất của Đài cho đến tháng 4/1949. Bà cũng là nữ phát thanh viên đọc lời xướng trước mỗi buổi phát thanh, từ những ngày mới giành chính quyền tại Hà Nội, suốt thời gian kháng chiến xa Hà Nội và cả trong ngày toàn thắng trở về tiếp quản Hà Nội.

Những người con bà Ngân - ông Nhất tặng tôi một tập tài liệu gồm những bản photo viết tay, đánh máy chữ, vi tính của hai ông bà. Trong đó, tôi tìm được một bài viết của bà Ngân ghi ngày 16/9/1997, chỉ hai năm trước khi bà mất, có tựa đề “Dạt dào tình cảm Tuyên Quang” kể về chuyến thăm lại Tuyên Quang sau 44 năm. Bài viết có đoạn: “Từ Hà Nội ra đi, mỗi lần ngồi trước máy, tôi vẫn luôn xướng là “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, nhưng từ Đa Năng trở đi theo đúng chỉ dẫn, tôi bắt đầu xướng là “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Chỉ đổi một chữ trong lời xướng thôi nhưng tôi hiểu từ nay sẽ đi sâu mãi vào núi rừng Việt Bắc, thực sự sống đời sống chiến khu”.

Như vậy, theo tài liệu và nhân chứng đáng tin cậy, lời xướng “phát thanh gần Hà Nội” được bắt đầu từ địa điểm phát sóng Đa Năng, Tuyên Quang ngày 18/4/1947. Trong suốt kháng chiến 9 năm, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ gián đoạn lời xướng này duy nhất một lần khi Pháp tấn công lên Việt Bắc và Đài Tiếng nói Nam Bộ phải thay Đài Tiếng nói Việt Nam giữ sóng. Có điều kỳ lạ, lời xướng “phát thanh gần Hà Nội” không làm con người trong kháng chiến có cảm xúc ủy mị mà trái lại nó chỉ làm cho người ta thêm rắn rỏi, bền bỉ, mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, khi trở về Hà Nội ngày 10/10/1954, được nghe lại lời xướng “phát thanh từ Hà Nội” vang lên từ Hát Môn, Mê Linh, nhiều người đã xúc động không cầm được nước mắt. Ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từng chia sẻ với ông Trần Lâm về một cảm xúc giống như rất nhiều người tại thời điểm đó.

Có thể nói, giai đoạn thay đổi lời xướng “phát thanh gần Hà Nội” cũng chính là giai đoạn cuộc kháng chiến đi vào khốc liệt hơn. Sự đối mặt với những khó khăn của hoàn cảnh tích lũy đôi khi còn khốc liệt hơn sự đối mặt với bom đạn của kẻ thù. Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu rời xa khu vực đô thị. Không còn các món quà sáng như ở chùa Trầm, chỗ ở không còn các căn biệt thự kiểu Pháp như ở thị xã Tuyên Quang, thay vào đó là cuộc sống dưới các lùm cây, với cơm gạo hẩm, măng rừng, rau tàu bay. Mọi người bắt đầu được nếm mùi vị của sốt rét rừng. Ăn uống thiếu thốn, sốt rét trầm trọng, trông ai cũng xanh xao, gầy guộc. Trong một bài viết, bà Ngân kể: Bước sang năm 1949 rất gay go, gian khổ. Kháng chiến sang năm thứ ba, mọi thứ đem theo được đã hết, tiếp tế thì khó khăn. Nhiều người sốt rét, ghẻ lở, quần áo rách bươm. Mỗi lần đi ra ngoài mượn đến ba người mới đủ một bộ quần áo. Thời gian này có chuyện ông Billy Chương, biên tập và phát thanh viên tiếng Anh ra suối tắm. Ông chỉ có một chiếc quần đùi và một may ô. Tắm xong, giặt quần áo phơi lên cành cây nằm chờ cho khô. Không ngờ chợp mắt một lúc tỉnh dậy thì không thấy quần đâu nữa. Gió đã thổi quần xuống suối theo dòng nước trôi đi mất. Sợ nhỡ giờ phát thanh, ông vội lấy may ô mặc thay quần chạy về cơ quan khiến mọi người phá lên cười. Chuyện lên báo tường rồi đến tai Bác Hồ. Ít ngày sau Bác gửi cho mấy mét vải, một số gạo và thuốc men.

Giai đoạn này hoạt động sản xuất chương trình phát thanh cũng khá thú vị. Số là hồi Bác Hồ đi Pháp ký Hiệp định 14/9, kiều bào tặng một chiếc máy ghi âm ghi đĩa nhựa. Bác mang về tặng lại cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc chưa sơ tán khỏi Hà Nội, việc thu âm và phát sóng các tiết mục văn nghệ hay phần nhạc hiệu khá thuận lợi. Nhưng khi Đài di chuyển đến Tuyên Quang thì máy ghi âm bị hỏng, các đĩa nhựa cũng thất thoát hết. Vậy là, mất của để dành, mỗi khi làm bản tin, tiết mục hay nhạc hiệu, đều phải làm theo cách trực tiếp, phát thanh viên đọc hay ca sĩ hát đến đâu là cứ thế phát thẳng một mạch đến tai người nghe. Không còn công đoạn gọi là lưu trữ hay hậu kỳ gì cả. Chính vì vậy, khi cần huy động lực lượng, dàn đồng ca chẳng chừa một ai, có mặt đầy đủ từ lãnh đạo, đến cả nhà bếp. Đó là một kiểu sản xuất chương trình phát thanh thô sơ nhất có thể tưởng tượng được.

Công tác biên tập và khai thác nguồn tin lại càng hạn chế hơn. Tin tức chủ yếu thu thập từ các hãng tin quốc tế, rồi về “chế biến” lại. Cách làm tin chay này đã có lần gây hậu quả bị đồng chí Trường Chinh phê bình gay gắt, nên về sau đã được khắc phục. Nhất là từ sau chiến dịch thu đông năm 1947, ta tăng cường thêm nguồn tin là một số phóng viên chiến trường, nên các tin tức, phóng sự, bình luận đã kịp thời, chính xác hơn. Lúc cao điểm nhất, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bảy chương trình thời sự một ngày, gồm các bản tin tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Bắc Kinh, tiếng Quảng Đông, tiếng Lào và tiếng Khmer.

Trong các lần di chuyển của Đài Tiếng nói Việt Nam thì lần di chuyển thứ 12, thời gian đứng chân ở bản Đung, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang là lâu nhất (từ tháng 4/1949 đến tháng 5/1953). Vì lúc này biên giới đã được giải phóng nên các cơ quan của chúng ta không phải thường xuyên di chuyển, có thể trụ lại lâu hơn. Bản Đung đất đai tươi tốt, công cuộc tăng gia phát triển, giúp cải thiện đời sống vật chất vượt bậc. Bà Dương Thị Ngân viết: “Bữa cơm đã có gạo, muối vừng, bí đỏ, bắp cải và thỉnh thoảng có cả thịt cá. Hằng tháng có bữa chè “bà cốt”. Tối tối có sắn lùi. Anh chị em lại tự làm kẹo mạch nha, làm dấm để ăn cơm…”. Đặc biệt, quãng thời gian ở Đung, lực lượng của Đài Tiếng nói Việt Nam được tăng cường từ 20 người lúc đầu lên 70 người. Về bộ máy tổ chức, Đài đã phát triển thành một tổ chức độc lập, không còn là một cấp phòng, ban trực thuộc Nha Thông tin. Ông Trần Lâm đã trở thành Giám đốc Đài, không còn là người phụ trách như trước. Các chương trình của Đài đã có thêm các chuyên mục nhiều mầu sắc và được thính giả đón nhận nhiệt liệt hơn như chuyên mục “Câu chuyện văn hóa”, “Tiếng thơ” do nhà thơ Xuân Diệu phụ trách. Đến tháng 5/1953, Đài Tiếng nói Việt Nam di chuyển về hồ Ba Bể, Bắc Kạn một lần nữa và ở đây cho đến khi về Hát Môn, Mê Linh chờ tiếp quản Thủ đô.

Như vậy, có thể nói, trải qua 9 năm kháng chiến với 14 lần di chuyển địa điểm, Đài Tiếng nói Việt Nam dù phải giãn sóng một số chương trình nhưng chưa từng đứt sóng ngày nào. Ngay cả trong những cuộc vây ráp ác liệt của giặc Pháp tại chùa Trầm hay thị xã Bắc Kạn, thì chỉ vài giờ sau khi địch tuyên bố xóa sổ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài đã lại đáp trả bằng một bản tin đanh thép.

Có lẽ lịch sử phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và cả lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam nói chung nên ghi nhận rằng, đây là một giai đoạn mà lịch sử sẽ không còn lặp lại. Bởi vì chính những con người từng góp phần làm nên một giai đoạn kỳ vĩ và đáng tự hào nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam, của báo chí cách mạng Việt Nam, họ đã đến với cuộc đời này, tạo nên thành tựu, làm cuộc sống tốt đẹp hơn và rồi đã lặng lẽ ra đi như thể họ không từng vướng bận với cuộc đời này vậy. Tôi chỉ thấy đáng tiếc khi họ là tác giả của âm thanh, những âm thanh cần thiết nhất, gần gũi nhất đối với mọi người, nhưng họ lại không thể để lại một âm thanh gợi nhớ cho riêng mình. Tất cả đã khuất vào lịch sử.