Hợp tác để nâng cao khả năng phòng vệ

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, chỉ tính riêng trong quý I/2024 vừa qua, số lượng các vụ lừa đảo và tấn công mạng tại Việt Nam đã lên tới hơn 30 nghìn vụ so với tổng số 13 nghìn vụ chỉ cách đây 2 năm (năm 2022). Số lượng các vụ lừa đảo diễn ra thời gian qua cho thấy nguy cơ đe dọa từ tội phạm công nghệ đã và đang gia tăng một cách chóng mặt, cùng với đó là hậu quả cũng ngày càng lớn hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Cơ quan công an ngay ở cấp cơ sở đã thường xuyên phát đi cảnh báo về một số thủ đoạn mà tội phạm công nghệ thường sử dụng. Tuy nhiên, có vẻ như những nạn nhân của loại hình tội phạm này vẫn chưa thuyên giảm. Theo lực lượng an ninh mạng, trong thời điểm hiện tại, mối đe dọa từ phía tội phạm công nghệ chủ yếu xuất hiện bên ngoài biên giới, với phương thức, thủ đoạn biến hóa liên tục, thay đổi theo chu kỳ, trong khoảng thời gian ngày càng được rút ngắn.

Tội phạm công nghệ được tổ chức thành nhiều loại đối tượng có nhiệm vụ khác nhau và thực hiện liên hoàn. Loại câu móc, làm quen. Loại tạo niềm tin. Loại đe dọa. Loại sử dụng thủ đoạn để đe dọa xâm hại nạn nhân, từ đó khiến nhiều người lâm cảnh tiền mất tật mang chỉ là loại cuối cùng trong chuỗi hành vi lừa đảo, tấn công qua mạng…

Có thể thấy rằng, sự cảnh báo từ phía cơ quan chức năng đã phần nào hạn chế số lượng nạn nhân của tội phạm công nghệ. Thái độ hợp tác từ phía các nạn nhân với cơ quan chức năng cũng giúp họ có khả năng tự vệ tốt hơn trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của loại tội phạm vô hình nhưng luôn hiện diện trong thực tế.

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra một vụ án hình sự khiến cơ quan chức năng gặp khó vì sự bất hợp tác từ phía nạn nhân. Cụ thể, khi nhận thấy dấu hiệu phạm tội từ một số đối tượng trong “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội, cơ quan công an đã có cảnh báo tới người có nguy cơ bị hại. Tuy nhiên, chính nạn nhân lại… cảnh giác tới mức không hợp tác, dù rằng cơ quan công an đã làm đầy đủ các bước cần thiết để thông báo tới nạn nhân. Vụ việc chỉ được giải quyết khi các đối tượng thực hiện hành vi cướp của ngay tại nhà của nạn nhân, thông qua các công tác nghiệp vụ của cơ quan chức năng.

Từ đó, có thể thấy một thực tế rằng, cùng với sự đề cao cảnh giác đối với tội phạm công nghệ, việc sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng cũng là điều cực kỳ cần thiết. Giữ mối liên hệ thường xuyên với cơ quan chức năng để được hướng dẫn trong mỗi hoàn cảnh cụ thể chính là cách để nâng cao khả năng phòng vệ của công dân trước những mối đe dọa của tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ.