“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 4)

Kỳ 4: Lan tỏa nhiệt huyết sáng tạo
0:00 / 0:00
0:00
Đại tá Mê Văn Đạt (thứ 2, bên trái) nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, người đã có nhiều đóng góp giúp địa phương xây dựng nông thôn mới.
Đại tá Mê Văn Đạt (thứ 2, bên trái) nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, người đã có nhiều đóng góp giúp địa phương xây dựng nông thôn mới.

Chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng đến các xã biên giới khó khăn, đồng hành, chia sẻ cùng hệ thống chính trị cơ sở đã tạo chuyển biến rõ nét. Năng lực, kỷ cương, sâu sát thực tiễn, các anh đã lan tỏa nguồn cảm hứng và nhiệt huyết sáng tạo, ghi dấu ấn với địa phương, phong trào.

Có năng lực, nhưng vẫn cần uy tín

Tôi may mắn quen nhiều bộ đội biên phòng. Là bởi tôi thích “chất lính” và say mê những vùng quê biên giới. Nhớ nhất là những lần mắc võng trò chuyện thâu đêm cùng lính trẻ về tình yêu và cuộc sống. Tôi quen Lê Bá Khánh Trình từ hồi anh là đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Bản Máy (tỉnh Hà Giang). Mới đây, Trình gọi điện mời tôi lên xã Bạch Đích (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) để như lời anh nói là “xem thằng em đã về xã, công việc mới”. “Đi ngay” - tôi nói. Vậy là tối hôm sau hai anh em có dịp ôn chuyện cũ. Trình đã được phong quân hàm trung tá, biên chế về Đồn Biên phòng Bạch Đích là được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang điều động tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích. Tôi hỏi vui: “Nhận nhiệm vụ mấy tháng rồi, đồng chí đã quen việc chưa?”. Trình hồ hởi: “Ban đầu cũng gặp khó khăn do tính chất công việc khá mới lạ so với công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội nhưng em may mắn có đồng chí Bí thư Đảng ủy xã giúp đỡ tận tình, nên đến nay công việc đã tạm ổn, anh ạ”.

Tôi đề nghị xã được đến một vài chi bộ điển hình trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích Phạm Xuân Phương bảo Trình đưa tôi đến thôn Đoàn Kết. Trời mưa nhẹ, hai anh em oằn lưng leo qua mấy con dốc, đến nhà Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết Phàn Tờ Mìn. Anh là người vừa đoạt giải đặc biệt phần thi Xử lý tình huống trong cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi huyện Yên Minh. Căn nhà mái bằng tự xây của Phàn Tờ Mìn chênh vênh trên sườn dốc, nhìn xuống ta-luy âm sâu hun hút, tôi thoáng giật mình. Nhưng nhìn ra xa, cả một thung lũng rộng, lúa đã uốn cần, tích sữa. Mùi thơm ngan ngát. Phàn Tờ Mìn thẳng cánh tay chỉ cho chúng tôi những công trình mới hoàn thành trên địa bàn thôn. Đây là tuyến đường Ná Pu nối vào xóm 10 hộ, kia là tuyến đường ra đồng người dân mới đắp, đằng kia là mấy hộ nghèo cần chỉnh trang nhà cửa… “Nhiều việc lắm” - Phàn Tờ Mìn hồ hởi - “Chi bộ họp với dân suốt, ý kiến cũng lắm. Như cái đợt đắp đường vào xóm Bên Suối, có hộ dân không đồng thuận vì mất ruộng, mất nương. Tôi nói thôn mình tên là Đoàn Kết kia mà, tại sao anh lại không giúp các hộ dân phía trong phát triển. Mà tôi nhìn cái thửa ruộng này dường như là mới khai hoang, có cần tôi phải mời đồng chí địa chính xã tra bản đồ không? Như vậy anh ạ, đôi khi phải dứt khoát mới được việc”.

Ở xã Bạch Đích mấy năm qua phủ sóng internet, người dân xem thông tin trên mạng xã hội, cái hay nhiều mà cái dở cũng lắm. Luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch có lúc khiến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng cán bộ, chùng chừng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như việc mở đường liên xóm, người dân cùng họp, bàn bạc và đồng thuận tự đóng góp để làm, Nhà nước có hỗ trợ phần nào quý phần đó. Nhưng rồi vẫn có người yêu cầu phải đền bù giải phóng mặt bằng. Lại họp dân để cán bộ giải thích, động viên. Mỗi người nhường nhau một chút, có lợi cho cộng đồng. Những tình huống như vậy, người dân đều đợi ý kiến của Bí thư Chi bộ. Bởi Phàn Tờ Mìn có uy tín với người dân trong thôn. Là anh cùng Chi bộ thôn lập tổ xây dựng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho dân. Anh là y sĩ mà người dân cần khi ốm đau, lại là công an viên luôn có mặt khi các hộ có mâu thuẫn, khúc mắc. Việc nào người dân cũng gọi Phàn Tờ Mìn, Bí thư Chi bộ.

Nhắc đến người có uy tín, Lê Bá Khánh Trình kể chuyện vận động người dân bỏ hủ tục tang ma, cưới xin dài ngày. Tại thôn Bản Muồng có gia đình dự định để người chết trong nhà bảy ngày theo phong tục. Cán bộ xã và bộ đội biên phòng đến vận động, gia đình chỉ ậm ừ. Rồi cán bộ, bộ đội biên phòng phải tìm đến ông thầy cúng trong thôn, vận động, thuyết phục ông chủ động bớt thời gian các nghi lễ. Kiên trì thuyết phục cả buổi, ông thầy cúng thông suốt, trao đổi với tang chủ để làm lễ, đưa ma trong 48 giờ.

Hệ thống chính trị thêm vững vàng

Các sĩ quan biên phòng khi được tăng cường xuống các xã, thôn phải thông thạo địa bàn, vững quy trình dân vận từ những việc nhỏ. Có thể kể hàng trăm câu chuyện như ở Bạch Đích, chuyện của Lê Bá Khánh Trình và Phàn Tờ Mìn.

Đại tá Mê Văn Đạt, là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy nhiều nhiệm kỳ, mới nghỉ hưu năm 2023. Anh là người có nhiều đóng góp làm thay đổi diện mạo của Đàm Thủy. Địa phương này vốn là một xã yếu kém của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng sau nhiều năm đã đạt 18/19 chỉ tiêu nông thôn mới.

Anh Đạt vẫn nhắc chuyện khi vừa được tăng cường về xã, bao khó khăn bủa vây. Là trình độ cán bộ yếu, nội bộ không đoàn kết; nhiều thôn trắng đảng viên, hệ thống chính trị cơ sở lỏng lẻo. Trên địa bàn xã có hiện tượng khai thác quặng trái phép, một bộ phận nhân dân có biểu hiện chống đối chính quyền. Nhiều ngày bám nắm cơ sở, phân tích tình hình, Bí thư Mê Văn Đạt chọn đột phá hai việc. Đó là củng cố hệ thống chính trị và nâng cao trình độ cán bộ. Đồng chí kiên trì, nhẫn nại đến từng nhà, vận động người dân để tạo nền nếp công tác cho cán bộ xã. Có lần, anh đã đánh cược với nông dân về hiệu quả của một giống cây trồng mới. Kết quả vụ đó được mùa lớn. Người dân dần tin tưởng cán bộ, từ bỏ khai thác quặng trái phép, trở lại làm nông nghiệp, kinh tế dần vững vàng. Như mưa dầm, qua ngày tháng, có thêm những quần chúng phấn đấu vào Đảng, xóa tình trạng trắng chi bộ thôn. Các đoàn thể có thêm nhiều hội viên, phong trào địa phương dần khởi sắc.

Đảng ủy xã mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, cử cán bộ đi học nâng cao nghiệp vụ, luân chuyển công chức xã vào vị trí phù hợp. Chỉ trong 3 năm, hệ thống chính trị xã được củng cố, người dân tin tưởng ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những năm gần đây, Đàm Thủy là một trong những địa phương tiêu biểu của Cao Bằng trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đàm Thủy cũng luôn là đơn vị đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, hiến đất làm đường, tự nguyện thực hiện khu chăn nuôi tập trung, thành lập liên gia giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự, an ninh an toàn xã hội.

Đến nay, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã cử hơn một nghìn lượt cán bộ tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới đặc biệt khó khăn. Các anh kịp thời bổ sung nguồn cán bộ còn thiếu của các địa phương, chung sức củng cố, xây dựng gần 1.200 tổ chức đảng, gần 6.000 chi đoàn thanh niên và chi hội phụ nữ, hơn 7.000 tổ an ninh, tổ tự quản, tổ đoàn kết ở các thôn, bản. Với cách làm bài bản của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biên giới, sự nỗ lực vượt khó, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, những chiến sĩ quân hàm xanh làm cán bộ xã thiết thực góp sức củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, với hơn 100 xã từ yếu, kém lên trung bình, gần 200 xã từ trung bình lên khá.

Quân và dân cùng chung ý chí, khắc phục sự thiếu và yếu của cán bộ cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn. Nguồn cảm hứng và nhiệt huyết sáng tạo từ các chiến sĩ quân hàm xanh lan tỏa, là điểm sáng trong công tác cán bộ nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trước đây Đàm Thủy là nơi có nhiều người vượt biên trái phép, nay thì mỗi người dân có ý thức là “cột mốc sống”, là điển hình về ngoại giao nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị.

(Còn nữa)

“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 1)

“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 2)

“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 3)