“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa (Kỳ 5)

Kỳ 5: Gắn kết chủ trương và thực tiễn
0:00 / 0:00
0:00
Chi hội phụ nữ và tiểu đội dân quân tại các xã đảo thuộc huyện Trường Sa có nhiều quần chúng ưu tú tích cực phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Chi hội phụ nữ và tiểu đội dân quân tại các xã đảo thuộc huyện Trường Sa có nhiều quần chúng ưu tú tích cực phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân, đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở là cầu nối quan trọng gắn kết “ý Đảng” với “lòng Dân”. Chính vì vậy việc đẩy mạnh chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ cơ sở ở những xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới, hải đảo đang là câu chuyện cần rốt ráo giải quyết.

Câu chuyện ở Trường Sa

Có thể nói không ở đâu dễ tìm quần chúng ưu tú để phát triển đảng viên mới như ở Trường Sa. Hai xã đảo chúng tôi đến và có dịp tìm hiểu đều có hệ thống chính trị cơ sở chặt chẽ. Mỗi người dân đều tự nguyện và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của tổ chức. Công chức xã và giáo viên các trường mầm non, tiểu học đều đã là đảng viên hoặc quần chúng ưu tú từ trước khi ra công tác tại đảo. Tuy vậy, trước kia việc kết nạp đảng cho các quần chúng ưu tú không phải là quân nhân phục vụ trong quân đội lại không dễ. Trường hợp của đồng chí Cao Văn Giáp là một thí dụ. Năm 2008, đồng chí công tác tại đảo Sinh Tồn, giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND xã. Trong thời gian này đồng chí có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, được tổ chức và quần chúng đánh giá cao. Tuy nhiên chi bộ theo dõi, dìu dắt đồng chí lại không thể kết nạp. Lý do đây là chi bộ quân sự, không có nhiệm vụ phát triển đảng viên đối với người ngoài quân đội. Về cơ cấu, đảng bộ đảo có nhiều chi bộ. Đồng chí Chính trị viên của đảo kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy xã, đồng thời là Bí thư của chi bộ Đảo bộ. Các đảng viên không phải là quân nhân được sắp xếp sinh hoạt đảng tại Chi bộ Đảo bộ. Việc kết nạp quần chúng ưu tú không phải là quân nhân vào Đảng do chưa có quy định nên không thể thực hiện. Cuối cùng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa phải đặc cách đứng ra giới thiệu, kết nạp đảng và chỉ định đảng viên Cao Văn Giáp sinh hoạt tại Chi bộ Đảo bộ.

Hiện nay, ở xã Song Tử Tây có 5 đảng viên, xã Sinh Tồn có 7 đảng viên, đều đang sinh hoạt ghép tại các Chi bộ Đảo bộ. Theo Thượng tá Trần Văn Tình, Chính trị viên kiêm Bí thư Đảng ủy xã Sinh Tồn giai đoạn 2022-2023, các đảng viên của xã khi tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Đảo bộ tích cực đề xuất, tham mưu xây dựng nghị quyết có chất lượng. Nhiều ý kiến nêu “trúng” vấn đề mà đảng viên là quân nhân khó nhận ra, như việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ trên đảo, hỗ trợ ngư cụ cho ngư dân, xây dựng đường hoa làm đẹp cảnh quan trước các gia đình… Đảo có nhiều quần chúng ưu tú đã được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, song để kết nạp những đối tượng này là rất khó, do Chi bộ không thể phân công các quân nhân giúp đỡ và giới thiệu quần chúng không phải là quân nhân.

Vậy là, đang có nhiều quần chúng ưu tú trên các xã đảo mong muốn có giải pháp từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, để họ có thể sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Linh hoạt, tạo điều kiện cho đảng viên

Cuối năm 2022, Ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập. Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai Đàm Hữu Hồng thông tin: Khi triển khai mô hình này Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng vì ngoài Điều lệ Đảng còn liên quan đến cả vấn đề chế độ phụ cấp, kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Chi bộ này có 100% đảng viên là thành viên của Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập. Do tính chất công việc, đảng viên thường sinh hoạt dài ngày trên biển, không có điều kiện sinh hoạt đảng định kỳ cùng với các chi bộ trong đất liền. Bí thư Chi bộ Hội Nghề cá Quỳnh Lập Phan Văn Hải hồ hởi: Chi bộ đã nhiều lần tổ chức sinh hoạt đảng trên biển thông qua sóng radio. Cái hay là đảng viên thường xuyên cập nhật những tình huống xảy ra trên biển. Nói một cách khác đó chính là nghị quyết đã bám sát thực tiễn. Thí dụ việc thuyền nọ thuyền kia chưa làm tốt chủ trương về đánh bắt cá trong ngư trường, diễn biến tình hình của một số tàu thuyền nước bạn…

Trường hợp đảng viên đi làm xa cũng tạo ra tình trạng thiết hụt cán bộ, đảng viên tại cơ sở. Những năm qua nhiều cấp ủy đảng đã vận dụng các biện pháp linh hoạt hỗ trợ đảng viên trong sinh hoạt đảng. Một mặt củng cố hệ thống chính trị tại địa phương có đảng viên tham gia sinh hoạt, mặt khác giữ mối liên hệ để theo dõi, bám nắm hoạt động của đảng viên. Trong thực tế đã có nhiều đảng viên từ địa phương này phát triển thành bí thư chi bộ của địa phương, đơn vị khác, bảo đảm quyền lợi chính trị của đảng viên cũng như tạo nguồn hỗ trợ chi bộ bạn. Thí dụ như hoạt động của Đảng bộ Tập đoàn khách sạn Mường Thanh có nhiều hỗ trợ cho đảng viên mới khi phải luân chuyển vị trí công tác. Theo Bí thư chi bộ Khách sạn Mường Thanh (Hoàng Mai) Bùi Thị Kim Thương, nhờ có chủ trương linh hoạt của Đảng ủy Tập đoàn đã tạo điều kiện để đồng chí tham gia sinh hoạt đảng liên tục từ ngày rời ghế nhà trường đến nay. Sự gắn kết với tổ chức đảng đã “giữ chân” được nhiều cán bộ, nhân viên trong Tập đoàn.

Đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy của đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là có nhiệm vụ tương đối đa dạng và phức tạp. Họ hằng ngày phải trực tiếp giải quyết các vấn đề của người dân, không phân biệt nhu cầu, hoàn cảnh, lợi ích khác nhau, so với các cấp quản lý khác (Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị xã) và cấp cơ sở ở thành thị, nông thôn đồng bằng. Không còn xa lạ chuyện bí thư đảng ủy ở các xã miền núi nửa đêm chạy xe máy đưa người dân lên trung tâm y tế cấp cứu. Hay cán bộ ở xã miền núi phân công nhau xuống gặt lúa giúp dân kịp chạy mưa lũ. Những địa phương nơi miền núi, biên giới, hải đảo thường có quy mô dân số không đông và đã là cán bộ thì mặc nhiên phải giải quyết những việc người dân cần. Thế nên, trong nhiều tình huống, trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở không còn quan trọng bằng sự am hiểu thực tế tình hình địa phương, dân tộc và sự nhiệt tình, tận tâm cùng kinh nghiệm giải quyết những tình huống khác nhau. Những bài học dành cho cán bộ ở cơ sở chỉ có trong thực tiễn, từ những việc hằng ngày phải chung tay lo cho dân, lo cùng dân.

Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước soi rọi vào thực tiễn từng thôn, bản, chính là đội ngũ cán bộ ở cơ sở góp phần tạo hiệu quả trong định hình chiến lược và triển khai chính sách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội có dấu ấn của từng cán bộ ở cơ sở. Đó là dấu ấn của bản lĩnh vượt khó, tận tâm, tận tụy, linh hoạt, sáng tạo để “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa khái quát, giản dị và dễ hiểu.

Theo đánh giá của Thị ủy Hoàng Mai, từ ngày có chi bộ bám biển, đã hạn chế được tình trạng ngư dân có các hành vi đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo.