Báo chí trong bối cảnh mới

Trong những ngày tháng 6 này, đội ngũ những người làm báo đang hướng tới những hoạt động thiết thực kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) với rất nhiều kỳ vọng và mong muốn về một môi trường tác nghiệp sôi động, nơi thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và vai trò, vị trí của các nhà báo trong định hướng dư luận xã hội cũng như cách thức tác nghiệp để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của bạn đọc trong bối cảnh mới.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể thấy rằng, báo chí đang ngày càng phát triển, mới mẻ trong đời sống hiện đại, biến đổi thường xuyên, nảy sinh nhiều vấn đề mới. Thực tiễn mở ra cho người làm báo và các nhà quản lý, đào tạo trong lĩnh vực báo chí thật nhiều câu hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; phương pháp tác nghiệp trong môi trường số, không gian mạng, với điều kiện công nghệ hiện đại; về đạo đức nghề báo trong bối cảnh mới nhiều áp lực…

Có thể thấy thực tại đang vừa đặt ra đòi hỏi, vừa chỉ ra cơ hội bổ sung các quy chế, quy định để các cơ quan báo chí tiếp tục có những bước phát triển mới, đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn, bứt phá lên phía trước. Rất nhiều thách thức ngổn ngang trước mặt người làm báo như: thách thức của thị trường báo chí; thách thức về sự biến đổi đa dạng trong tâm lý, thị hiếu, thái độ bạn đọc, công chúng, xã hội đối với báo chí, người làm báo; thách thức trong đổi mới, sáng tạo, mở rộng quy mô, mô hình đơn vị báo chí, phát huy các hoạt động “phi truyền thống” so cách làm báo phổ biến trước kia…

Những thách thức đó đang đón cơ hội thiết thực. Đó là Luật Báo chí năm 2016 đang được nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi cho cập nhật, thích ứng thực tế. Đảng, Nhà nước quan tâm đến công việc này, và cùng với nhân dân kỳ vọng vào sự đổi mới, phát huy mạnh mẽ vai trò, tiếng nói báo chí vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước vốn giàu tiềm năng, vận hội và còn cả những bất cập, hạn chế. Tự thân đội ngũ làm báo cũng nhận thấy: cùng với đạo đức, tâm huyết, sự tinh nhuệ của lực lượng và kinh nghiệm dày dặn của nhiều thế hệ, thì hôm nay, việc phát triển hoạt động báo chí, duy trì cơ quan báo chí và chăm lo cho người làm báo cũng đang yêu cầu rất nhiều nét mới khác.

Chính vì vậy, chính sách giúp báo chí phát triển được mong mỏi sẽ có hướng mở tích cực cho hoạt động kinh tế báo chí để đơn vị báo chí tạo nhiều nguồn thu hợp pháp, minh bạch và chính đáng. Hướng mở trong sự thúc đẩy mối liên kết, hợp tác thông tin, tuyên truyền giữa báo chí với các bộ, ngành, địa phương, xã hội nhằm phản ánh sâu rộng hơn về các lĩnh vực, đối tượng đó, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.

Và nữa, hướng mở còn được kỳ vọng ở những quy định có hiệu lực điều chỉnh hành vi các đối tượng liên quan đến hoạt động báo chí chứ không chỉ cơ quan báo và người làm báo. Thí dụ, với mọi công dân, thành viên xã hội có hoạt động làm báo, cộng tác báo chí; với các cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc đáp ứng đề nghị chính đáng, hợp pháp của báo chí nhằm tiếp cận, khai thác thông tin; với cả bạn đọc trong bối cảnh báo chí thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, loại hình và hình thức bán-mua báo giấy, cung cấp dịch vụ và trả phí báo mạng, báo hình, báo nói…

Những vấn đề-câu hỏi đó vừa mới mẻ, cập nhật, vừa như sự khơi gợi cảm hứng, lòng quyết tâm làm nghề, đổi mới nghề của người làm báo trước và trong dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Mong mỏi nữa về việc điều đó sẽ trở nên cảm hứng, quyết tâm của các nhà quản lý, các nhà xây dựng và quyết định chính sách cho sự phát triển, lớn mạnh của báo chí nước nhà.