Vòng xoáy khốc liệt

Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, có thể nói, một cuộc khủng hoảng nợ công mới xem như đã hình thành, trên phạm vi toàn thế giới. Và dưới cái bóng u ám đầy hăm dọa của nó, những nước nghèo chính là cộng đồng phải đối diện với nhiều nguy cơ bị tổn thương nhất.
0:00 / 0:00
0:00

THEO dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), hơn 80% trong số 10 nghìn tỷ USD tăng thêm của khối nợ toàn cầu nửa đầu năm nay là nợ mới của các nền kinh tế phát triển. Với đà tăng ấy, tổng nợ toàn cầu đã lên tới con số kỷ lục 307 nghìn tỷ USD.

Một cách ngắn gọn, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển hàng đầu của phương Tây, việc các chính phủ càng ngày càng có nhu cầu ngân sách lớn, đối nghịch với chuyện các ngân hàng trung ương hạ thấp các biện pháp ưu đãi kích cầu (như giữ lãi suất ở mức cao, nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát) đã khiến môi trường kinh doanh trở nên khó khăn gấp bội, đối với các nhà đầu tư.

Đến cả nước Mỹ hiện cũng bị các chuyên gia xem là quốc gia có tình hình nợ công đáng lo ngại bậc nhất, khi quy trình phân bổ ngân sách bị ảnh hưởng bởi sự phân cực chính trị, cộng thêm mức thâm hụt khổng lồ.

TRONG dài hạn, "các xu hướng của nợ chính phủ đặt ra rủi ro lớn đối với ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô", ông Claudio Borio - Trưởng bộ phận tiền tệ và kinh tế của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) - nhận định. Mặc dù vậy, đối với các nước phát triển, khả năng vỡ nợ vẫn luôn là điều khá xa vời, khi tiềm lực kinh tế của họ luôn đủ dồi dào để tránh khả năng đó.

Những kịch bản tồi tệ nhất, thật ra, lại không đe dọa những nước có các khoản nợ lớn nhất. Hoàn toàn ngược lại, theo nhận định của giới chuyên môn, điều thật sự đáng sợ lại là chuyện một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới có thể phải cắt giảm chi tiêu công tới 220 tỷ USD (con số quá nhỏ bé, nếu đặt cạnh trần nợ 33 nghìn tỷ USD của riêng nước Mỹ) trong vòng 5 năm tới, trong bối cảnh các nền kinh tế ấy còn đang chưa hết tê liệt bởi đại dịch Covid-19 toàn cầu thì đã lại phải đón nhận hàng loạt hệ lụy của xung đột, chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng lương thực và năng lượng…

Những cộng đồng dễ bị tổn thương ở những quốc gia ấy sẽ càng khó được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi công hơn nữa, khi mọi nguồn thu nhập quốc gia đều sẽ phải mang đi… trả nợ. Ở nhóm các nước nghèo nhất thế giới, số tiền phải trả nợ đã cao gấp bốn lần ngân sách chăm sóc sức khỏe công dân. Trong khi đó, khoảng 15% số nước thu nhập thấp đã rơi vào tình trạng nợ nần. Nhóm các nước đang phát triển cũng đã có một số nước có mức nợ công cao kỷ lục, và cả nhóm cũng cần khoảng 2.400 tỷ USD/năm, trong khoảng 7 năm tới, để bù đắp cho các tổn thất bởi biến đổi khí hậu, xung đột hay dịch bệnh.

MỘT vòng luẩn quẩn vẫn đang hiện hữu: Nghèo thì phải đi vay nợ, nhưng càng nợ thì các quốc gia đó lại càng nghèo, đó là thực trạng đã được khẳng định tại hội nghị mùa thu hằng năm của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa tổ chức hồi đầu tháng 10. Thí dụ, theo nhận định của IMF, mức nợ công của Lebanon - quốc gia đã vỡ nợ từ năm 2020 - có thể lên tới 547% GDP vào năm 2027.

Điều đáng lo ngại là quy mô của hệ thống xử lý nợ toàn cầu hiện nay vẫn còn quá nhỏ bé, so những thách thức mà nó phải đối mặt. Và hơn thế, khi chính các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng đang "quay cuồng" với những vấn đề của mình, thì sự hỗ trợ dành cho phần còn lại, nhất là những phần khó khăn nhất trên bản đồ thế giới, chắc chắn cũng không thể được thực hiện tích cực (và "hào phóng").

Nếu không nhanh chóng tìm được lối thoát hiểm, vòng xoáy nghiệt ngã này có khả năng nhấn chìm hầu như toàn bộ guồng máy kinh tế, và cao hơn là rất nhiều cấu trúc xã hội toàn cầu.