Nghệ sĩ Minh Hải:

Vinh dự và hạnh phúc khi được hóa thân vào vai Bác Hồ

Trong thời gian gần đây, nghệ sĩ Minh Hải (Nhà hát Kịch Việt Nam) được nhiều đạo diễn chương trình nghệ thuật tin tưởng giao thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Áp lực của vai diễn mơ ước này với bất kỳ diễn viên nào cũng đều là vô cùng lớn, phần bởi trước đó, trên sân khấu kịch lịch sử, đã có những diễn viên hóa thân rất thành công. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng anh.
0:00 / 0:00
0:00
Vinh dự và hạnh phúc khi được hóa thân vào vai Bác Hồ

Những xúc cảm đặc biệt và sâu sắc

- Thưa anh, cơ duyên nào đưa anh đến với vai diễn đặc biệt: Chủ tịch Hồ Chí Minh?

- Năm 2009, tôi là người giúp đạo diễn Phạm Hà Bảo tìm diễn viên vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, trong vở sân khấu truyền hình VTV Bác Hồ ra trận. Tôi đã giới thiệu tới đạo diễn một số gương mặt, nhưng chị ấy không đồng ý. Gần đến ngày ghi hình, một diễn viên trong đoàn đã nói, có khi tôi chính là người phù hợp nhất. Không ngờ, sau một lúc cân nhắc, đạo diễn đã đồng ý phương án này. Trong một vài ngày, tôi cùng lúc phải hoàn thành rất nhiều sự chuẩn bị để vào vai sao cho ổn. Vô cùng áp lực nhưng hạnh phúc khôn tả. Quả thật đến nay, đó vẫn là cơ duyên mà chính tôi cũng khó tưởng tượng ra.

- Anh thấy bản thân có lợi thế nào để vượt qua áp lực trong thời gian ngắn như vậy, chỉ chừng ba ngày trước khi chính thức ghi hình?

- Tôi có lợi thế là người Nghệ An nên việc thể hiện âm sắc của giọng nói miền trung không quá khó khăn. Nhưng để thể hiện thành công giọng nói của Bác, tôi đã nghe nhiều lần Bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác đọc trước quốc dân đồng bào, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Nghe đi nghe lại thành ra quen và tôi đã "vào thoại" khá ổn. Về hình thể, tôi gầy gò, gương mặt nhỏ và dài, cộng với hóa trang tốt là có tạo hình phù hợp. Riêng về cử chỉ, điệu bộ của Bác, nhờ kinh nghiệm hơn 20 năm diễn xuất nên không phải là thử thách quá lớn với tôi.

Đạo diễn Hà Bảo chia sẻ là chị đã mất ngủ hai đêm liền trước khi chương trình bấm máy, chỉ vì vai diễn của tôi. Chị ấy lo lắng là phải, việc giống về giọng nói là chưa đủ mà cần phải làm sao để toát lên thần thái của Người. Thật may, mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ.

- Những lần thể hiện hình tượng Bác sau đó đã tiếp tục được anh bồi đắp và bổ sung những gì để có được thành công như hôm nay?

- Càng tìm hiểu về cuộc đời của Bác, tôi càng hiểu ra rằng, sự giản dị trong lối sống, sự hy sinh và cống hiến của Người cho dân tộc Việt Nam quá lớn lao, vĩ đại. Vì "cảm" được vai diễn của mình nên càng về sau, tôi diễn càng nhuần nhuyễn, tự tin. Âm sắc trong từng lời nói, cử chỉ, điệu bộ được nhiều người nhận xét là đạt tự nhiên, không gượng gạo, khiên cưỡng. Nhưng mỗi lần lên sân khấu lại là một cảm xúc khác nhau. Vai diễn Bác Hồ với lực lượng Công an nhân dân khác với vai diễn Bác với đồng bào dân tộc... Để có thần thái giống Bác, tôi không chỉ cố gắng về hình thức thể hiện mà còn phải đọc và nghiên cứu về Bác qua nhiều dạng tài liệu khác nhau: sách, báo chí, xem phim tài liệu...

- Có những kỷ niệm nào đáng nhớ về vai diễn Bác Hồ của anh?

- Nhiều lắm. Có diễn viên quần chúng đã khóc thật khi tham gia vở diễn, cứ ngỡ như Bác Hồ bằng xương bằng thịt đang hiện diện ở đây. Còn khán giả thì cứ đứng mãi không chịu ra về ngay cả khi vở đã kết thúc. Mắt ai cũng đỏ hoe, ngấn lệ.

Gần đây nhất, trong chương trình mang nghệ thuật kịch nói đến những vùng khó khăn, tôi đã được chứng kiến tình yêu với nghệ thuật của người dân tỉnh Điện Biên, đặc biệt là tình cảm của đồng bào với Bác. Dù vở diễn kết thúc đã lâu nhưng vẫn có rất đông khán giả nán lại để chờ đến lượt "chụp ảnh cùng Bác". Tôi đứng đến chùn chân, mỏi gối nhưng trong lòng rất vui… Đây là một chất xúc tác quan trọng khiến diễn viên như tôi thăng hoa hơn trên sàn diễn và thêm quyết tâm gắn bó với nghề.

Tôi thấy mình là người hạnh phúc khi được vào vai Bác Hồ không chỉ một lần, hai lần mà từ năm này qua năm khác, từ chương trình này đến chương trình khác.

Vinh dự và hạnh phúc khi được hóa thân vào vai Bác Hồ ảnh 1

Nghệ sĩ Minh Hải thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở kịch Đoàn kết là sức mạnh (Nhà hát Kịch Việt Nam). Ảnh: Hoài Anh

Tìm lối đi riêng để vượt qua mọi áp lực

- Trước anh đã có nghệ sĩ Tiến Hợi hóa thân thành công hình tượng Bác Hồ, đó liệu có thể là một sức ép tâm lý với anh mỗi khi bước ra ánh đèn sân khấu?

- Rất khó để có diễn viên nào vượt qua anh Tiến Hợi trong các vai diễn về Bác Hồ. Chắc chắn, tôi cũng bị áp lực. Nhưng nếu cứ để sức ép ấy bám đuổi lấy mình thì lại càng khó hơn để vào vai một cách tự nhiên. Vì vậy, tôi tập trung cho vai diễn của mình một cách tốt nhất, sau đó, sẽ ghi nhận mọi phản hồi của anh chị em đồng nghiệp và khán giả để tiếp tục hoàn thiện.

- Vai diễn đặc biệt này có làm thay đổi điều gì đáng kể trong cuộc sống của một diễn viên như anh?

- Thú thật, khi đã nhận vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi không chỉ bị áp lực trên sân khấu mà ngay trong đời thường, bản thân tôi cũng tự tạo ra những áp lực nhất định. Tôi cần giữ gìn hình ảnh cá nhân, lời ăn tiếng nói tiết chế, tôi học theo Bác lối sống, đạo đức của Người. Vai diễn không còn chỉ ở sân khấu mà đã ít nhiều đi vào đời sống cá nhân của tôi.

Tôi là người thận trọng nên mỗi khi được giao thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi sẵn sàng hy sinh mái tóc của mình để bộ phận hóa trang dễ làm việc hơn. Các con chỉ cần nhìn vào mái tóc mới của tôi là đoán được: Tôi lại sắp vào vai Bác Hồ (cười). Nhà tôi ở khá xa trụ sở Nhà hát. Thường, tôi sẽ tự chạy xe máy đi làm nhưng trong cả quá trình dựng vở và trình diễn, tôi đi lại bằng taxi để tránh những va chạm không đáng có, ảnh hưởng tới hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam trên sân khấu. Thù lao một đêm diễn có khi chỉ đủ để trả cho chi phí đi lại nhưng tôi đặt sự thành công và an toàn của vai diễn lên hàng đầu.

- Anh có chia sẻ rằng, chỉ đến khi vào vai diễn về Bác Hồ, sự nghiệp diễn xuất của anh mới thật sự thăng hạng. Có thể hiểu về sự thăng hạng này theo nghĩa nào, thưa anh?

- Tức là diễn xuất của tôi có chiều sâu hơn. Trước đây, các vai diễn của tôi tuy đa dạng nhưng nhiều phần còn chưa ổn, trong nghề hay nói là "non". Thực tế trên sân khấu, ảnh hưởng diễn xuất của diễn viên thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các vai diễn khác là rất lớn. Người diễn viên cần đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật để cảm được nỗi đau, tâm trạng của nhân vật. Chính vì vậy, tôi bắt buộc phải tự rèn luyện nhiều. Có nền tảng đó, khi vào các vai diễn khác, tôi cũng đã bớt "non" đi.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Minh Hải về cuộc trò chuyện!

Nghệ sĩ Minh Hải sinh năm 1979, là diễn viên Đoàn Kịch cổ điển (Nhà hát Kịch Việt Nam). Anh đã đảm nhận vai diễn Bác Hồ trong nhiều vở diễn sân khấu, phim truyện điện ảnh và truyền hình. Có thể kể đến các vai Nguyễn Ái Quốc (phim Vượt qua bến Thượng Hải, đạo diễn: Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ, năm 2010); vai Bác Hồ, phim truyền hình Ý chí độc lập (19 tập, đạo diễn NSƯT Bùi Cường, năm 2016); vai Bác Hồ trong vở kịch Đêm trắng (Nhà hát Kịch Việt Nam, giải Diễn viên xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2020)...