Vinh danh nỗ lực bảo toàn hạt giống

Hai nhà khoa học Cary Fowler và Geoffrey Hawtin mới đây được trao Giải thưởng Lương thực thế giới năm 2024. Giải thưởng nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích gia tăng chất, số lượng hoặc tính sẵn có của lương thực trên toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Fowler tại Ngân hàng Dự trữ hạt giống toàn cầu. Ảnh: WOLRD FOOD PRIZE
Ông Fowler tại Ngân hàng Dự trữ hạt giống toàn cầu. Ảnh: WOLRD FOOD PRIZE

Ngày 9/5 vừa qua, Ban tổ chức Giải thưởng Lương thực thế giới công bố hai ông Fowler và Hawtin sẽ là chủ nhân tiếp theo của giải thưởng này năm 2024. Theo Time, Giải thưởng Lương thực thế giới được ông Norman Borlaug, người đã nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1970 sáng lập. Giải thưởng sẽ được trao tại Diễn đàn Đối thoại quốc tế Norman E.Borlaug hằng năm, được tổ chức từ ngày 29-31/10 tại Des Moines, bang Iowa (Mỹ) - nơi đặt trụ sở của tổ chức giải thưởng nói trên. Với chiến thắng này, hai nhà khoa học sẽ nhận được số tiền thưởng trị giá 500.000 USD.

Fowler và Hawtin là những người tiên phong trong việc thành lập Ngân hàng Hạt giống toàn cầu Svalbard, một kho dự trữ hạt giống được xây dựng trong lòng đất ở nhiệt độ âm 18oC trên quần đảo Svalbard (Na Uy) ở Bắc Cực. Nơi đây hiện lưu trữ 1,25 triệu mẫu hạt giống để bảo tồn trong các trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa toàn cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ca ngợi hai nhà khoa học đóng “vai trò quan trọng của họ trong việc bảo tồn sự đa dạng cây trồng”.

Ông Hawtin, 75 tuổi, là nhà nông học người Canada gốc Anh; còn ông Fowler, 74 tuổi, là chuyên gia về hạt giống người Mỹ và là Đặc phái viên về An ninh lương thực toàn cầu của Mỹ. Sự nghiệp của hai nhà khoa học bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ông Hawtin khởi đầu sự nghiệp ở Trung Đông, nơi ông thu thập hạt giống rau từ các nông dân địa phương. Trong khi đó, ông Fowler thúc đẩy việc sử dụng các loại cây trồng truyền thống ở châu Phi, những loại cây trồng này có tiềm năng dinh dưỡng cao và thích nghi tốt với môi trường.

Ban đầu, họ tập trung vào việc tăng sản lượng lúa mì, ngô và lúa gạo để giải quyết nạn đói hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sau đó họ nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các hệ thống nông nghiệp bền vững hơn và đa dạng hóa các loại cây trồng. Chia sẻ về kho dữ trự nguồn hạt giống thế giới, ông Hawtin cho biết, ngoài các giống cây trồng quen thuộc như lúa mì và lúa mạch, hiện kho dự trữ còn tiếp nhận thêm nhiều giống cây hoang dã có quan hệ ít nhiều với các cây trồng hiện nay.

Ông Hawtin tin tưởng khoa học kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn hạt giống. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo về những hạn chế của các công nghệ hiện đại. Theo ông Hawtin, có hàng chục nghìn gien ảnh hưởng đến khả năng thích nghi của cây trồng trước biến đổi khí hậu và do đó cần có sự hiểu biết đầy đủ về các gien này trước khi có thể chỉnh sửa gien các loài một cách hiệu quả.

Theo các nhà khoa học, có rất nhiều mối đe dọa cây trồng hiện nay như côn trùng, sâu bệnh và suy thoái đất đai, thậm chí cả những biến động địa-chính trị, đặc biệt là biến đổi khí hậu (BĐKH). Những nguy cơ này đã làm tăng nhu cầu về xây dựng phương án dự phòng, bảo đảm an toàn cho nguồn hạt giống. “BĐKH đang làm trầm trọng thêm những nguy cơ cho cây trồng, chẳng hạn như gây ra nguồn sâu bệnh mới trong các điều kiện khí hậu khác nhau”.

Mục tiêu chính của các nhà khoa học Hawtin và Fowler là bảo tồn càng nhiều hạt giống nông nghiệp càng tốt. Hai nhà khoa học tin rằng, sự đa dạng di truyền của cây trồng là chìa khóa để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các mối đe dọa khác. “Ý tưởng này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Đó là một nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị, do đó cần có sự bảo vệ mạnh mẽ cho nguồn hạt giống này”, ông Hawtin cho biết.

Hai nhà khoa học Fowler và Hawtin hy vọng việc đoạt Giải thưởng Lương thực thế giới sẽ giúp họ huy động được những nguồn kinh phí tài trợ bổ sung cho ngân hàng hạt giống trên toàn thế giới. Ông Hawtin khẳng định: “Đây thật sự là cơ hội để truyền tải thông điệp về bảo vệ nguồn hạt giống trên khắp thế giới. Việc dự trữ nguồn hạt giống giúp cung cấp lương thực cho thế giới sau 50 năm nữa”.