Theo AP, Women Prize dành cho sách phi hư cấu là giải thưởng sách mới nhằm tôn vinh những tác phẩm đặc biệt của các nữ tác giả. Tác phẩm “Doppelganger” hay còn gọi là “Chuyến đi vào thế giới gương”, kết hợp giữa hồi ký và phóng sự, đi sâu vào trải nghiệm của tác giả Klein khi bà điều tra những góc cạnh của thế giới trực tuyến đã bóp méo thực tế và làm sai lệch nhiều thông tin quan trọng. Nhà sử học người Anh Suzannah Lipscomb, Chủ tịch Hội đồng giám khảo sách phi hư cấu, đã ca ngợi cuốn sách của Klein như “một lời kêu gọi dũng cảm, nhân đạo và lạc quan giúp đưa chúng ta vượt ra khỏi ranh giới trắng-đen”.
Naomi Klein hiện là Phó Giáo sư tại Trường đại học British Columbia (Canada) và Giám đốc Trung tâm Công lý khí hậu của trường. Các cuốn sách trước đây của bà xoay quanh đề tài về ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản, nhìn nhận các khía cạnh của thỏa thuận xanh đang diễn ra trên thế giới. Phát biểu ý kiến khi nhận giải, bà cảm ơn ban tổ chức đã “không né tránh những vấn đề gây tranh cãi”. Nhân dịp này, tác giả cũng kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều nguồn lực hơn, giúp các tổ chức văn hóa và ngành xuất bản có thể hoạt động khách quan, không bị những nguồn tiền tài trợ chi phối.
Một giải thưởng khác là Women Prize dành cho truyện hư cấu, đã thuộc về nữ nhà văn Mỹ Ganeshananthan, với cuốn tiểu thuyết “Brotherless Night” (tạm dịch là “Đêm không anh em”). Đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ganeshananthan, kể về một gia đình trong cuộc nội chiến kéo dài ở Sri Lanka. "Cuốn sách như một biên niên sử chiến tranh, đã mất gần 20 năm mới hoàn thành", nhà văn tiết lộ.
Nữ văn sĩ Ganeshananthan cho biết, bà đã trải qua rất nhiều thử thách khi cố gắng viết tiểu thuyết lịch sử “một cách cẩn thận và chu đáo” về cuộc xung đột đau thương, đúng với trải nghiệm của người trong cuộc. Bà chia sẻ: “Đối mặt với xung đột, chiến tranh, người viết có thể làm được gì? Tôi hy vọng những tác phẩm có thể thúc đẩy mọi người cùng nhau hành động trên thực tế”. Tiểu thuyết gia Monica Ali, Chủ tịch Hội đồng giám khảo tiểu thuyết nhận xét: “Brotherless Night là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc, hấp dẫn và cảm động sâu sắc, làm bằng chứng cho những bi kịch sâu sắc và sự mất mát của cuộc nội chiến Sri Lanka”.
Cả hai giải thưởng cho tiểu thuyết và sách phi hư cấu đều được trao hằng năm, hướng tới tất cả các nhà văn nữ trên toàn cầu có tác phẩm xuất bản ở Anh và viết bằng tiếng Anh, với số tiền thưởng 38.000 USD cho mỗi giải. Giải thưởng cho tiểu thuyết của các nữ văn sĩ đã được thành lập từ năm 1996, ghi nhận đóng góp không thể thay thế của những nữ tác gia trên văn đàn thế giới. Các tác giả được vinh danh là những người giành được trái tim của cả giới chuyên môn và sự yêu thích từ độc giả. Trong khi đó, dòng sách phi hư cấu suốt nhiều năm qua vẫn được xem là “sân chơi của cánh mày râu”.
Sách phi hư cấu có nội dung dựa trên những sự kiện, câu chuyện, nhân vật có thật, những nghiên cứu khoa học có thể xác thực và thường được xem là dòng sách kén người đọc hơn so nội dung là sản phẩm của tưởng tượng. Ban tổ chức cho biết, năm 2022, chỉ có 26,5% số sách phi hư cấu được đánh giá trên các tờ báo ở Anh là do cây viết nữ thực hiện. Sử gia Suzannah Lipscomb nhận định: “Giải thưởng phi hư cấu được đưa ra trong năm nay nhằm giúp khắc phục sự mất cân bằng giới tính trong thế giới xuất bản”.
Năm nay, lần đầu ban tổ chức trao giải thưởng dành cho sách phi hư cấu, thông qua đó hướng đến thúc đẩy, khuyến khích những tác phẩm thật sự xuất sắc, những nghiên cứu mạnh mẽ, giọng kể và khả năng tiếp cận độc đáo, thể hiện kiến thức chuyên môn của các tác giả nữ trên nhiều lĩnh vực.