Vụ bê bối tài chính gây chấn động

Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) vừa qua công bố, gần 170 nhân viên các ngân hàng và công ty tài chính của nước này đã biển thủ khoảng 180 tỷ won (khoảng 129 triệu USD) trong 6 năm qua, nhưng lực lượng chức năng mới chỉ thu hồi được chưa đến 10%.
0:00 / 0:00
0:00
Người rút tiền từ máy ATM ở Seoul. Ảnh: YONHAP
Người rút tiền từ máy ATM ở Seoul. Ảnh: YONHAP

Yonhap dẫn số liệu của FSS cho thấy, số tiền bị biển thủ là 5,67 tỷ won vào năm 2018, sau đó tăng vọt lên 15,69 tỷ won vào năm 2021 và 82,76 tỷ won vào năm 2022, trước khi giảm nhẹ xuống còn 64,26 tỷ won vào năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ 17,45 tỷ trong số gần 180 tỷ won bị biển thủ, tương đương 9,8%, được thu hồi. Riêng trong năm nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ 11 quan chức, nhân viên ngành tài chính với cáo buộc biển thủ tổng cộng 1,51 tỷ won và chỉ thu hồi được 6,7% số tiền này.

Mới đầu tháng này, một nhân viên ngân hàng của Hàn Quốc vừa bị bắt với cáo buộc làm giả tài liệu để trục lợi lên đến hàng tỷ won. Vụ bê bối tài chính khác cũng đang nổi lên liên quan việc nhân viên của Ngân hàng Woori đã biển thủ khoảng 7,3 triệu USD để đầu tư vào tiền điện tử. Trước đó, một tòa án ở Seoul đã tuyên án 15 năm tù đối với bị cáo từng là nhân viên làm việc trong bộ phận cải tiến doanh nghiệp của Ngân hàng Woori. Y bị buộc tội rút trộm số tiền 61,4 tỷ won trong 3 lần, từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2018.

Điều tra cho thấy, biển thủ và sử dụng sai quỹ là những cách thức gian lận phổ biến trong các tổ chức tài chính và ngân hàng; một số dùng để thực hiện giao dịch chứng khoán hoặc mua tiền điện tử…, một số chuyển tiền ra tài khoản ở nước ngoài. Họ lập khống giao dịch ngân hàng và sử dụng số tiền trong tài khoản khách hàng để chuyển vào tài khoản của “công ty bình phong” thành lập ở nước ngoài như thể giao dịch hàng hóa. Chẳng hạn, một nhân viên ngân hàng đã giả mạo và sử dụng các tờ giấy đứng tên Tổng công ty quản lý tài sản Hàn Quốc để làm căn cứ “rút ruột” ngân hàng từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2018.

Trong vụ việc mua bán tiền điện tử đầu tháng 6 vừa qua, nhân viên đã tự nguyện thú nhận với cảnh sát, trong khi một số vụ bắt giữ trước đó là do hệ thống giám sát nội bộ của ngân hàng phát hiện ra sự khác biệt về tài chính, dẫn đến những cuộc điều tra sâu hơn. Theo thông báo của FSS, một số ngân hàng hiện hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để điều tra rộng hơn về vụ việc và đang được yêu cầu bồi thường cho những tổn thất tài chính phát sinh.

Những vụ biển thủ trót lọt với giá trị lớn từ trước đến nay đã nêu bật khoảng trống đáng kể về an ninh nội bộ tại ngân hàng, trong khi tỷ lệ thu hồi tài sản lại ở mức rất thấp. Luật sư Lee Keum Ho, chuyên gia cao cấp Công ty luật Kim & Chang cho rằng, bê bối tài chính do nhân viên ngân hàng thực hiện không chỉ cho thấy những rủi ro nội bộ tiềm ẩn, mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp an ninh và giám sát nhân viên.

Hành vi biển thủ đã gây thiệt hại lớn cho lợi nhuận của công ty và khách hàng ở "xứ kim chi". Điều tra rộng hơn, bê bối diễn ra trong suốt nhiều năm liền cho thấy cần các quy định và giám sát chặt chẽ hơn trong lĩnh vực đặc thù này. “Trọng tâm có thể chuyển sang việc thực hiện cơ chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn, phòng ngừa những sự cố như vậy trong tương lai. Ngoài ra, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt cũng đang đặt ra nhiều thách thức”, ông Lee Keum Ho cho biết.

Năm 2022, FSS đã công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát nội bộ tổ chức tài chính, nhưng nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp này chưa đủ mạnh. FSS đang xem xét việc đưa ra quy định mới nhằm buộc Tổng giám đốc điều hành (CEO) của các công ty tài chính phải chịu trách nhiệm về hành vi tham ô và những hành vi tương tự của nhân viên trong công ty.