Lỗ hổng an ninh của mật vụ Mỹ

Ngày 13/7 vừa qua, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã bị ám sát hụt. Dù nghi phạm đã bị tiêu diệt ngay sau đó, nhưng vụ việc cho thấy, những kẽ hở an ninh của đội ngũ mật vụ Mỹ khi để tay súng có thời gian bắn nhiều phát đạn khiến một người tử vong và hai người khác bị thương nặng.
0:00 / 0:00
0:00
Mật vụ Mỹ đưa ông Trump rời khỏi hiện trường vụ ám sát. Ảnh: GETTY
Mật vụ Mỹ đưa ông Trump rời khỏi hiện trường vụ ám sát. Ảnh: GETTY

Theo CNN, kẻ chủ mưu được xác định là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, cư dân quận Bethel Park, bang Pennsylvania, cách nơi ông Trump tổ chức buổi vận động tranh cử khoảng hơn 50 km. Khi thông tin về Crooks được công bố, hàng xóm tỏ ra bất ngờ vì không có chút ấn tượng nào về y. Crooks cũng được bạn cùng trường trung học mô tả là trầm lặng, khó gần, cô độc, nhưng không ai ngờ y có thể nổ súng vào người khác. Trước vụ việc, nghi phạm không nằm trong danh sách những mối đe dọa tiềm tàng của FBI và cũng không có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần.

Sau khi kẻ xả súng bị tiêu diệt, lục soát thi thể, lực lượng chức năng không tìm thấy giấy tờ tùy thân. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sau đó đã phải lần theo khẩu súng trường kiểu AR-15 mà Crooks sử dụng để xác định danh tính nghi phạm. Theo đó, khẩu súng này thuộc sở hữu của ông Matthew Crooks, bố của thủ phạm. Khẩu súng được ông Matthew mua hợp pháp. Cung cấp thông tin cho cảnh sát, ông Matthew chia sẻ, ông đã cho rằng con trai mang súng đến trường bắn để luyện tập vào ngày xảy ra vụ việc, song bắt đầu lo lắng khi không thể liên lạc được với Crooks.

Nhà chức trách đã tìm thấy hai thiết bị nổ, áo vest chống đạn có chứa ba băng đạn cỡ 30 viên - dấu hiệu cho thấy nghi phạm có thể muốn gây ra một cuộc tấn công lớn hơn. Ngoài ra, Crooks cũng giấu một quả bom khác trong phòng ngủ ở nhà. Dù vậy, cảnh sát không tìm thấy bất kỳ loại văn bản hay bản tuyên ngôn nào cho thấy lập trường tư tưởng hay khuynh hướng chính trị của Crooks. Ngay cả khi bẻ khóa điện thoại của y, cảnh sát cũng không phát hiện thông tin về động cơ hay có người nào khác tham gia âm mưu ám sát ông Donald Trump. "Chúng tôi đang tiếp tục xem xét tất cả tài khoản mạng xã hội của anh ta và tìm kiếm mọi phát ngôn mang tính đe dọa, nhưng tới hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm thấy gì", một quan chức FBI cho biết.

Theo CNN, dù Thomas Matthew Crooks đã bị tiêu diệt khoảng 20 giây sau khi y nổ súng, vụ việc nghiêm trọng vừa qua vẫn cho thấy những lỗ hổng an ninh cũng như phản ứng chậm trễ của mật vụ Mỹ. Nhân chứng Greg, sống ở hạt Butler, kể rằng, đã phát hiện một người đàn ông mang súng bò trên mái nhà, ngay trước khi cựu Tổng thống Mỹ bị bắn. Greg và các nhân chứng khác đã cố gắng cảnh báo lực lượng an ninh nhưng mật vụ đã không có bất kỳ phản ứng nào. Không chỉ vậy, nhiều người có mặt tại hiện trường cũng cho rằng, một tay súng bắn tỉa của mật vụ Mỹ được bố trí trên nóc nhà kho gần nơi Crooks ngắm bắn, nhưng đã không phát hiện được y. Ngay cả đặc vụ FBI Rojeck cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghi phạm có thể bắn 4-5 phát súng liên tiếp về phía ông Trump trước khi lực lượng mật vụ tại hiện trường kịp hành động.

Sau vụ việc, Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ yêu cầu Giám đốc Sở Mật vụ ra điều trần. "Tôi đã liên hệ với Sở Mật vụ để tổ chức cuộc họp nhanh và cũng đang kêu gọi Giám đốc Sở Mật vụ Kimberly Cheatle ra điều trần. Ủy ban Giám sát Hạ viện sẽ sớm gửi đề nghị", Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ James Comer nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu tiến hành một cuộc "xem xét độc lập" với Sở Mật vụ Mỹ, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các Tổng thống Mỹ và các nhân vật chính trị cấp cao. Theo yêu cầu của ông Biden, việc "xem xét độc lập" cần được thực hiện với các biện pháp an ninh trước và sau vụ nổ súng. Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu mật vụ Mỹ xem xét lại tất cả các biện pháp an ninh trước thềm Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa diễn ra trong tuần này.