Sóng nhiệt bao phủ Nam Á

Các quốc gia khu vực Nam Á như Ấn Độ hay Pakistan đang phải vật lộn với những đợt nắng nóng khắc nghiệt. Sóng nhiệt kéo dài kéo theo nguy cơ về sức khỏe, thiếu nước sạch, khiến trường học phải đóng cửa và gây áp lực lên lưới điện.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Thủ đô New Delhi xếp hàng chờ lấy nước. Ảnh: GETTY IMAGES
Người dân Thủ đô New Delhi xếp hàng chờ lấy nước. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo AFP, hàng triệu người dân trên khắp khu vực Nam Á đang phải đối mặt nhiệt độ cao. Thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài nhiều ngày qua đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng. Cơ sở y tế ở nhiều quốc gia đã tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân có triệu chứng kiệt sức do nắng nóng gay gắt.

Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã ghi nhận ca tử vong liên quan đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay, khi một công nhân 40 tuổi chết vì say nắng hôm 30/5. Ấn Độ cũng vừa tuyên bố đợt nắng nóng nghiêm trọng ở New Delhi do nhiệt độ liên tiếp nhiều ngày đạt mức cao kỷ lục hơn 50OC. Giới chức thành phố đã yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ người lao động, bao gồm cung cấp nước và các khu vực có bóng râm, cũng như cho họ nghỉ phép có lương từ trưa đến 3 giờ chiều.

Nhiệt độ mùa hè ở Ấn Độ thường lên đến mức cao nhất vào tháng 5, nhưng các nhà khoa học dự đoán năm nay sẽ có nhiều ngày nắng nóng hơn bình thường, phần lớn là do ít mưa dông và gia tăng hiện tượng thời tiết El Nino. Những đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên đang tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Ấn Độ, do họ không có điều kiện sử dụng máy làm mát hoặc thậm chí thiếu nước uống, đồng thời ảnh hưởng sức khỏe của những người lao động ngoài trời.

Tình trạng tương tự diễn ra ở Pakistan. Bệnh viện ở thành phố Jacobabad, miền nam nước này đã phải tăng cường thêm bác sĩ để cấp cứu trong bối cảnh ngày càng nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt. Trung bình mỗi ngày, một bệnh viện có thể tiếp nhận từ 10-12 trường hợp nhập viện vì say nắng. Cũng do nền nhiệt độ lên cao kéo dài nhiều ngày liên tục tại vùng Punjab của Pakistan, hàng loạt trường học đã phải đóng cửa. Một số trường điều chỉnh giờ học để tránh cái nóng oi bức giữa trưa, chẳng hạn như vào học từ sáng sớm khi mặt trời chưa lên và tan học trước 9 giờ sáng.

Tờ Al Jazeera dẫn cảnh báo của ông Jagan Chapagain, Tổng Thư ký Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, thời tiết oi bức còn dẫn đến lo ngại về tình trạng thiếu nước, mất điện và thiệt hại mùa màng. Nhiệt độ cao dẫn tới rủi ro lớn hơn bao gồm tử vong và bệnh tật gia tăng, các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và tác động lâu dài đến tăng trưởng kinh tế. Nhiều nước Nam Á và châu Phi đã trải qua đợt đóng cửa trường học chưa từng có, nguyên nhân không phải do xung đột hay khủng hoảng kinh tế mà là do nhiệt độ tăng đột biến.

Báo cáo của tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) cho thấy, những đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn và nóng hơn nhiều do sự ấm lên toàn cầu. Khu vực Nam Mỹ và Australia vừa trải qua hai mùa hè nóng nhất từ ​​trước đến nay. Trên toàn thế giới, năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận. Một nửa dân số thế giới, tương đương khoảng 3,8 tỷ người, đã phải chịu đựng cái nóng cực độ trong ít nhất một ngày vào năm ngoái.

Theo tạp chí y khoa The Lancet, hằng năm, sóng nhiệt cướp đi sinh mạng của trẻ sơ sinh, người già và những người mắc bệnh mãn tính trên khắp thế giới. Người dân sống ở các đô thị có xu hướng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì khu vực thành thị với nhiều bê-tông và nhà phủ kính thường nóng hơn các vùng nông thôn. Trong năm 2022, các đợt nắng nóng khắp châu Âu khiến hơn 60.000 người thiệt mạng. Nắng nóng cực độ khiến nhiều người thiệt mạng hơn cả lũ lụt và lốc xoáy cộng lại.

Trước tình trạng đáng lo ngại, IFRC đã chọn ngày 2/6 là “Ngày hành động chống nóng” toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro do sóng nhiệt. IFRC kêu gọi những hành động đơn giản có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và những người chung quanh, như uống nước, nghỉ ngơi trong bóng râm và tránh hoạt động ngoài trời vào thời điểm nóng nhất trong ngày.