Nằm bên bờ sông Ishim, thành phố Astana thu hút du khách bằng những công trình kiến trúc kỳ vĩ do các kiến trúc sư bậc thầy thế giới tạo nên, cùng những nét văn hóa đặc trưng khó lẫn của vùng Trung Á. Chị Malika, công tác tại Bộ Ngoại giao Kazakhstan, cho chúng tôi biết, 20 năm qua là khoảng thời gian quý báu để biến một thảo nguyên trống trải thành một thành phố tiện nghi và thân thiện với môi trường như Astana. Thành phố được thiết kế với tiêu chí con người phải được sống hài hòa với thiên nhiên. Do vậy, trong vòng 10 năm qua, chính quyền Astana đã lập ra một vành đai xanh bao quanh thành phố với hơn 65.000 ha rừng được trồng.
Biểu tượng của Astana là tòa tháp “Cây cuộc sống” (Baiterek). Tòa tháp này được xây dựng để kỷ niệm thời điểm Astana được chọn làm thủ đô mới. Từ trên đài quan sát của tháp ở độ cao 105 m, có thể chiêm ngưỡng toàn bộ các công trình kiến trúc của thủ đô. Tháp Baiterek lấy ý tưởng từ truyền thuyết cổ của Kazakhstan, mô phỏng một cây dương ôm trọn trong lòng một quả trứng vàng của chim thần Samruk. Cứ mùa đông đến, con rồng Aida Khar tượng trưng cho cái ác lại nuốt quả trứng này, nhưng đến mùa xuân, chim thần tượng trưng cho cái thiện lại đến đây đẻ trứng. Theo chị Malika, tháp Baiterek được coi là biểu tượng về hạnh phúc và sự hồi sinh của đất nước Kazakhstan. Trong lòng quả trứng vàng của tháp Baiterek có chiếc khuôn bàn tay phải đúc bằng vàng của Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan Nuxultan Nazarbaev, thể hiện sự đoàn kết và thống nhất của đất nước. Du khách nào ghé qua cũng đều đặt bàn tay mình vào đó để mong may mắn.
Chiếc khuôn bàn tay phải đúc bằng vàng của Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan. Ảnh: WORLDKINGS
Dù nhìn từ xa, kiến trúc của Astana có vẻ khá pha trộn nhưng trên thực tế, bản sắc văn hóa du mục Kazakh được thể hiện xuyên suốt trên toàn thành phố. Với những người muốn tìm hiểu về chiếc lều của người dân du mục trên thảo nguyên vùng Trung Á thì không thể bỏ qua Khan Shatyr - công trình mô phỏng một chiếc lều khổng lồ với diện tích lớn hơn 10 sân bóng đá, được kiến trúc sư Norman Foster thiết kế. Với tên gọi “Lều của lãnh chúa”, Khan Shatyr chứa bên trong một tổ hợp mua sắm, giải trí và cả một bãi biển nhân tạo. Chất liệu đặc biệt bao phủ bên ngoài giúp Khan Shatyr chống chọi được sự khắc nghiệt của thời tiết vùng thảo nguyên Kazakh, với giá rét âm 40 độ mùa đông hoặc hơn 30 độ mùa hè.
Là quốc gia với hơn 70% dân số theo đạo Hồi, nên các công trình kiến trúc mang dấu ấn Hồi giáo cũng hiện diện khắp nơi, với mái vòm nhà thờ hình củ hành đặc trưng, từ Sân bay quốc tế Astana đến dinh Tổng thống trong thành phố. Trong số những công trình kiến trúc kỳ vĩ ở Astana phải kể đến Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Trung Á Hazrat Sultan và Nhà thờ Hồi giáo Nur-Astana. Nur-Astana có chiều cao trung bình 40 m, với ngọn tháp chính cao 63 m, bằng đúng số tuổi của nhà tiên tri Mohammed khi qua đời. Phòng cầu nguyện chính của giáo đường có sức chứa tới 5.000 người. Đến Thủ đô Astana vào dịp “đêm trắng”, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi gần 10 giờ đêm thành phố mới bắt đầu tắt nắng. Trong ánh nắng muộn cuối ngày, mái vòm dát vàng của Nhà thờ Hồi giáo Nur-Astana sáng lấp lánh, nổi lên trên rừng táo đang vào mùa đậu quả.
Hai mươi năm trước, khi xây dựng Astana, Tổng thống Nazarbaev mong muốn đó phải là thủ đô của một đất nước phát triển và quy tụ văn hóa đặc sắc của châu Âu và châu Á. Đã 26 năm trôi qua kể từ khi Kazakhstan tuyên bố độc lập, đất nước Trung Á với diện tích lớn thứ chín thế giới đang ngày càng phát triển với GDP bình quân đầu người tính theo sức mua đạt gần 26.000 USD/năm. Chị Malika cho biết, người dân Kazakhstan đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Tổng thống Nazarbaev đặt ra là đưa đất nước trở thành một trong 30 nước phát triển hàng đầu thế giới từ nay tới năm 2050.