Vì tranh đấu là lẽ sống

"Chúng ta có một hệ thống giáo dục công mà người da trắng được ưu tiên khá nhiều. Khi phải chia sẻ hệ thống đó một cách bình đẳng thì bất đồng xảy ra", Sherrilyn Ifill (trong ảnh) nói, sau khi nhận Huân chương Radcliffe năm 2022 của Đại học Harvard (Mỹ). Đây là một trong rất nhiều giải thưởng được trao tặng Ifill, để ghi nhận nỗ lực tranh đấu vì bình đẳng cho người da đen của nữ luật sư 59 tuổi này.
0:00 / 0:00
0:00
Vì tranh đấu là lẽ sống

Trận chiến vì phẩm giá

Một buổi trưa tháng 1/2019, bốn nữ sinh da đen và gốc latin đang cười nói đi dọc hành lang của Trường trung học East Middle School ở Binghamton, New York (Mỹ) thì bị hiệu trưởng và hiệu phó chặn lại. Họ đưa những đứa trẻ 12 tuổi đến phòng y tế của trường, nơi từng em một được kiểm tra mức độ tỉnh táo và khám xét. Y tá tại đây thậm chí đã bắt các em cởi một số loại quần áo để lục soát.

Sự việc dẫn tới một cuộc chiến pháp lý khi cha mẹ các em nhỏ cậy nhờ Quỹ Giáo dục và Phòng vệ hợp pháp (NAACP LDF, hay còn được gọi tắt là LDF) thay mặt họ khởi kiện Trường East Middle School. Theo LDF, thành kiến về chủng tộc đã khiến các giới chức trường học xem hành vi nghịch ngợm của bốn cô bé 12 tuổi đáng ngờ đến mức phải tiến hành các biện pháp cực đoan là khám xét chúng. Trong vụ việc này, bốn học sinh là người da đen và gốc latin trong khi tất cả các giáo viên liên quan đều là người da trắng.

Đơn kiện trích dẫn một nghiên cứu cho thấy những định kiến thường khiến giáo viên (tại Mỹ) nhìn nhận các cô gái da đen và gốc latin là "đáng ngờ, trưởng thành, khiêu khích và hung hăng hơn so với các bạn da trắng". Các luật sư của LDF cho biết: Sau vụ việc, phía trường học vẫn không làm gì để khắc phục tình hình, thậm chí từ chối đưa ra lời xin lỗi về hành vi ngược đãi đối với các nữ sinh.

Sau khi cáo buộc phân biệt chủng tộc bị bác bỏ vì tòa án tin rằng cần có thêm dữ liệu mới để chứng minh, một đơn kiện khác được đệ trình vào tháng 1/2021, cung cấp số liệu thống kê gần đây cho thấy, những trẻ em da đen và latin ở học khu Binghamton thường chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn so với học sinh da trắng. Cho đến nay, cuộc chiến pháp lý vẫn chưa kết thúc, nhưng LDF đạt được một mục tiêu: Thu hút sự chú ý đến vấn đề thường bị bỏ qua là cách những cô gái da đen bị đối xử trong các trường công lập. Nó khiến báo giới Mỹ nhập cuộc mạnh mẽ, và tờ The New York Times thậm chí còn gọi đây là "trận chiến vì phẩm giá của những cô gái da đen".

Vụ kiện kể trên là một thí dụ tiêu biểu cho công việc của LDF dưới thời chủ tịch kiêm giám đốc-cố vấn Sherrilyn Ifill, người được xem như biểu tượng của phong trào đấu tranh cho bình đẳng giới và công bằng chủng tộc ở Mỹ. Trong suốt thời gian từ năm 2012 đến nay, Ifill đã lãnh đạo LDF tham gia rất nhiều vụ việc tương tự, với trọng tâm là đem lại công bằng cho nhóm yếu thế bậc nhất trong xã hội. "Hầu như tất cả công việc của chúng tôi đều hướng đến phụ nữ và các em gái da đen", Ifill nói.

Vì tranh đấu là lẽ sống ảnh 1
Tạp chí Glamour gọi Ifill là "siêu anh hùng của phong trào dân quyền".

Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn

Được thành lập năm 1940, LDF luôn xem "cuộc chiến bình đẳng giới là cuộc chiến của chúng tôi", như lời Ifill chia sẻ hồi tháng 8 năm nay, khi bà nhận giải thưởng "Thurgood Marshall 2022" của Hiệp hội Luật gia Hoa Kỳ (ABA). Dẫn dắt LDF từ năm 2013, "bông hồng thép" 59 tuổi này đã chứng minh lời nói ấy bằng những cuộc chiến pháp lý không ngừng nghỉ vì bình đẳng giới và dân quyền cho người da đen, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Trong năm 2014 và 2018, tổ chức của Ifill đã xuất bản những báo cáo về sự phát triển của các cô gái da đen trong suốt quá trình giáo dục trưởng thành, xem xét cách mà cả một hệ thống, từ trường học cho đến cả nhà tù, ảnh hưởng đến ý thức về giá trị bản thân và tham vọng của họ. LDF bảo vệ các nữ sinh bị trừng phạt không công bằng ở trường học, như vụ việc tại Binghamton. Họ bảo vệ những phụ nữ da đen bị đối xử bất công tại nơi làm việc, chẳng hạn như giúp một cô gái thắng kiện công ty chủ quản sau khi họ sa thải cô vì tội… để tóc tự nhiên theo kiểu người gốc Phi. Dưới thời Ifill, LDF cũng ủng hộ mạnh mẽ "Black Lives Matter", phong trào đấu tranh chống lại hành vi bạo lực của cảnh sát Mỹ đối với người da đen.

Nhờ sự dẫn dắt của Ifill, LDF đã mở rộng quy mô mạnh mẽ, tăng gần gấp ba lần số lượng nhân viên và có tiếng nói ngày càng nặng ký đối với chính quyền. Trong các cuộc vận động bầu cử, cải cách cảnh sát, tư pháp..., giới chức đều cần đến sự ủng hộ, và dĩ nhiên, phải lắng nghe ý kiến của LDF.

Những nỗ lực của Ifill không chỉ góp phần đánh thức công chúng Mỹ về bình đẳng giới và dân quyền cho người da đen, mà còn trở thành cảm hứng với nhiều phụ nữ khác. Năm 2021, tạp chí Time đã đưa Ifill vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Còn tạp chí Glamour trao cho Ifill giải thưởng "Người phụ nữ của năm 2020" và gọi bà là "siêu anh hùng của phong trào dân quyền". Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, bà Sally Yates thì mô tả: "Sherrilyn Ifill là người không chỉ lên tiếng và tìm kiếm sự thật, mà còn kiên quyết giữ cho đất nước này thực hiện đúng lời hứa về công lý và bình đẳng".

Hành trình của Ifill vẫn còn dài. Bởi công bằng cho người da đen vẫn là đề tài gây nhức nhối trong xã hội Mỹ, là nguồn cơn của nhiều làn sóng xuống đường. Nhưng theo Ifill, một thế hệ những nhà đấu tranh mới sẽ tiếp tục cuộc chiến mà bà theo đuổi.

Như một động thái khẳng định niềm tin ấy, Ifill đã rút lui khỏi vị trí lãnh đạo LDF để nhường chỗ cho Janai Nelson, nữ luật sư kém bà chín tuổi hồi tháng 4 năm qua. Phát biểu khi rời LDF, Ifill chia sẻ: "Tiếng nói của tôi với tư cách là một nhà lãnh đạo dân quyền của người da đen nói chung và của phụ nữ da đen nói riêng, được đưa ra bằng sức mạnh, thẩm quyền và kiến thức. Nó chứng tỏ rằng những phụ nữ chọn con đường phục vụ xã hội có thể vươn tới cấp độ cao nhất của công việc này".