Ý tưởng của “gã gàn”
9 năm trước, một lần chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Chí Long ở vùng biên giới huyện Sông Mã (Sơn La). Lần ấy, trong câu chuyện của mình, ông cứ thao thao ý tưởng sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh về trồng ở những ngọn núi cao vùng biên giới này. Theo lời ông Long, nếu sâm Ngọc Linh sống được ở đất Sơn La, thì ngoài việc khơi dậy tiềm năng đất đai, người dân địa phương sẽ có thêm cơ hội làm giàu trên mảnh đất của mình.
Khi đó, chúng tôi chưa ai tin, vì cây sâm Ngọc Linh kén thổ nhưỡng, khí hậu và còn cả cái duyên, không đơn giản. Nói đến cây sâm Ngọc Linh, dường như người ta luôn nghĩ về một thứ “xa xỉ”. Điều kiện đủ với cây sâm Ngọc Linh còn là quy trình kỹ thuật, vốn đầu tư, triển khai trong điều kiện môi trường khắc nghiệt trên núi cao, toàn những điều không dễ.
Mấy năm sau, chúng tôi gặp lại ông Long ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Vẫn chủ đề cây sâm Ngọc Linh, nhưng lần này câu chuyện trở nên cuốn hút. Ông kể: “Ban đầu mang trồng thử sâm Ngọc Linh dưới tán rừng hai điểm tại huyện Sông Mã và huyện Mai Sơn. Cây giống mang về chỉ hơn 10 phân, sau sáu tháng trồng, đã cao hơn gang tay, thân mập, lá bóng nhẫy, tưởng như thắng to đến nơi rồi…! Lần sau lên kiểm tra, sâm không còn một cây, bởi không có người bảo vệ, bị nhổ trộm, thế là “đổ sông, đổ biển”.
Dù mất tiền, nhưng điều quan trọng khẳng định là điều kiện khí hậu, đất đai ở những vùng núi cao của Sơn La có thể trồng được cây sâm Ngọc Linh. Mất cây mất của nhưng hé lộ thành công, ông lại âm thầm lang thang khắp rừng tìm địa điểm mới. Hễ nghe người dân bảo nơi nào núi cao, đất tốt, khí hậu trong lành là tìm đến. Thấy ông Long bị cây sâm “mê hoặc”, mấy người bạn khuyên: Chưa ai đi trước, chưa có kinh nghiệm, đầu tư lớn, tiền mất tật mang, mịt mù lắm! Nhưng hình như càng nghe lời can ngăn, người được khuyên lại càng có động lực để nuôi mơ ước. Lần thứ hai, ông quyết định đưa cây sâm Ngọc Linh tận Tây Nguyên về với Tây Bắc.
Trồng dược liệu gắn bảo vệ rừng
Để đầu tư bài bản, ông Long xin chủ trương lãnh đạo địa phương, phác thảo dự án trồng cây sâm Ngọc Linh. Nhờ kết quả đã trồng thử nghiệm, đồng thời phù hợp chủ trương trồng cây dược liệu của tỉnh, nên ngày 2-10-2019 UBND tỉnh Sơn La ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại bản Sam Ta, bản Ít Hò, thuộc xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây là khu vực có địa hình phù hợp, độ cao của dãy núi người dân vẫn gọi là Sam Ta cao trên dưới 2.000 m so mực nước biển, quanh năm mây mù, tầng đất màu mỡ, thích hợp với cây sâm Ngọc Linh.
Lần này, ông Long mời chuyên gia về sâm Ngọc Linh tư vấn, thực hiện ươm giống bằng hạt, đồng thời mua cây giống đủ các loại tuổi về trồng. Thậm chí còn “ném” xuống đất cả những củ sâm từ 7 - 10 năm tuổi, có giá không hề rẻ để trồng. Lúc gieo hạt, ông Long chỉ tay vào mấy luống đất vừa gieo xong nói chắc như đinh đóng cột: “Hôm nay là 30-11-2019, bốn tháng nữa, số hạt giống trị giá gần ba tỷ đồng này sẽ nảy mầm, tươi tốt và sẽ lớn như thổi trên đất này”. Chúng tôi chỉ gật đầu cười, có ý chờ đợi xem sao!
Bữa cơm trưa hôm ấy, trước mặt mấy chục công nhân, ông Long lấy máy nói: “Chỗ mình đang ngồi ăn cơm đây có độ cao 1.630 m so mặt nước biển, còn đỉnh cao nhất trên đỉnh Sam Ta cao hơn 2.000 m. Dự án này ngoài việc tạo công ăn việc làm cho đồng bào nơi đây, gắn trồng sâm, trồng dược liệu gắn với bảo vệ rừng thì mục tiêu hướng tới là tạo ra được những sản phẩm sâm quý với giá thành bình dân”.
Mầm giống sâm Ngọc Linh đang sinh trưởng tốt.
Chờ đợi sâm Ngọc Linh Sơn La
Giữa tháng 2 vừa qua, tôi khá bất ngờ khi nhận được thông tin về khu trồng thử nghiệm hạt giống sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sam Ta đã đâm chồi và phát triển rất tốt. Trao đổi với giám đốc Nguyễn Chí Long, ông cười, bảo: “Tôi cũng không nghĩ tỷ lệ cây nảy mầm cao như vậy. Quãng thời gian chờ hạt nảy mầm cũng mất ăn, mất ngủ với nó nhiều lắm. Cây phát triển rất tốt, ngoài mong đợi, ông trời đã không phụ lòng người”.
Gặp ông “gàn” trên đỉnh Sam Ta, nơi mà những luống đất đầu tiên gieo hạt đã được phủ mầu xanh của những cây sâm Ngọc Linh cao chừng gang tay với thân mập, lá xanh mướt. Trong khu trồng thử nghiệm, tôi thấy đã được đầu tư thêm cả hệ thống tưới ẩm tự động, đồng hồ đo nhiệt độ, độ ẩm cùng những thiết bị khác. Chỉ tay vào những cây sâm Ngọc Linh, giám đốc Nguyễn Chí Long, bảo: “Đây là thành công bước đầu và cũng là cơ sở để tiếp tục đánh giá về hiệu quả của cây sâm Ngọc Linh trồng ở vùng đất Sơn La.
Nói về kế hoạch dài hơi trong thời gian tới, ông Long chia sẻ thêm: “Để trồng và giữ được cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh, cần phải giữ được rừng. Bởi sâm là loại cây đặc hữu, đời sống của nó không thể tách rời khỏi được rừng. Do vậy, thực tế cho thấy phải biết kết hợp giữa việc giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, với việc trồng sâm dưới tán rừng. Để làm tốt việc giữ rừng và trồng sâm, cần phải tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ việc phá rừng làm nương rẫy, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó cây sâm Ngọc Linh là hướng đi rất có triển vọng”.
Trong câu chuyện bàn về cây sâm Ngọc Linh, ông Long giãi bày một điều đáng chú ý. Đó là, để triển khai mở rộng sản xuất, công ty không làm kiểu “độc quyền” mà sẽ kêu gọi người dân địa phương tham gia vào dự án. Cây sâm trồng trên mảnh đất rừng của họ thì cần tạo một liên kết sản xuất, cùng để chia lợi nhuận. Phương thức tổ chức sản xuất thế nào còn phải bàn tính, trên nguyên tắc doanh nghiệp có lợi, dân có lợi và cộng đồng xã hội có lợi. Giám đốc Nguyễn Chí Long bộc bạch, mong ước đưa được thứ cây sâm quý giá phát triển bền vững trên vùng đất Sơn La. Cây sâm Ngọc Linh sẽ giúp cho đồng bào nghèo vùng cao ở Sơn La làm giàu. Sâm Ngọc Linh quý thật, giá đắt, nhưng mục tiêu lâu dài của ông là làm sao để hạ giá thành để người dân ai cũng có thể bỏ tiền mua được sản phẩm sâm Ngọc Linh để bồi bổ sức khỏe.