Người tiên phong
Sinh ra và lớn lên trong gia đình ngư dân nghèo tại thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý, bà Dương Thị Hưng sớm quen với những chuyến đi biển sớm tối, với mùi vị biển cả và những tiếng cười lao động nơi làng chài. Từ nhỏ, bà đã chứng kiến cảnh người dân chật vật với công việc đánh bắt cá. Bà trăn trở tìm cách biến những sản vật biển khơi thành nguồn sinh kế bền vững hơn.
Những năm đầu khởi nghiệp, nghề làm chả cá hố còn khá mới mẻ và chưa được người dân chú trọng. Nhưng dưới bàn tay khéo léo của bà Hưng, những con cá hố tươi ngon được chế biến thành món chả cá hấp dẫn với hương vị đặc trưng: Mềm, thơm và đậm đà vị biển. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và biến nó thành đặc sản địa phương là cả một hành trình đầy gian khó.
Thời điểm bà Hưng bắt đầu làm chả cá hố, điều kiện sản xuất còn hạn chế. Thiếu vốn, bà phải tận dụng mọi thứ có sẵn, từ chiếc chậu làm khuôn đến chiếc bếp lò đơn giản để chiên chả. Những người biết bà thường nhắc đến hình ảnh người phụ nữ cần mẫn bên bếp lửa, đôi tay thoăn thoắt làm việc, bất chấp những vất vả mà nghề đòi hỏi. Mỗi ngày, bà Hưng đều bắt đầu công việc từ lúc 23 giờ đêm cho đến khi mặt trời lên cao. Phải làm như vậy mới kịp chuẩn bị chả cá cho phiên chợ sáng hôm sau. Vì thế, bà thường chỉ có vài giờ nghỉ ngơi trước khi lại bắt tay vào một ngày lao động mới.
“Có những đêm tôi vừa làm vừa buồn ngủ, tay gần như rụng rời, nhưng nếu ngơi tay thì nhiều miệng ăn trong gia đình sẽ đói, nên tôi lại cố gắng”, bà Hưng trải lòng. Trong căn bếp đơn sơ, ánh đèn dầu leo lét như đồng hành cùng bà suốt đêm dài. Công việc bắt đầu từ việc làm sạch cá hố tươi vừa được đánh bắt, lọc bỏ xương, rồi giã nhuyễn bằng tay để thịt cá đạt độ dai tự nhiên. Những công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Giờ đây, với đôi tay đã chai sạn qua năm tháng, bà Hưng đã tìm được bí quyết tạo nên hương vị chả cá đạt chất lượng trọn vẹn nhất.
Dẫu vậy, một trong những thách thức lớn nhất mà bà gặp phải là sự thiếu ổn định của nguồn nguyên liệu. Cá hố - loại cá được xem là “nguyên liệu vàng” cho món chả cá - phụ thuộc vào mùa vụ và điều kiện thời tiết. Khi biển không có cá, bà phải xoay xở tìm kiếm nguồn cá thay thế hoặc tạm ngừng sản xuất, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Nhắc đến những điều này, bà không ngại bộc bạch: “Làm chả cá không đơn giản. Có những mùa biển lặng, cá không có nên nguyên liệu khan hiếm. Những lúc ấy, tôi cũng buồn nhưng không bao giờ từ bỏ”.
Kiên trì và học hỏi, bà Hưng không ngừng cải tiến công thức, thay đổi phương pháp chế biến để giữ được hương vị thơm ngon và bảo đảm chất lượng. “Cá hố sau khi được làm sạch sẽ được xay nhuyễn cùng các loại gia vị như tiêu, hành, tỏi, sả, ớt, đường, muối… để tạo độ kết dính. Hỗn hợp này sau đó được nặn thành từng miếng vừa ăn rồi đem chiên vàng hoặc hấp chín. Chả cá hố phải có độ dai, thơm và đặc biệt là giữ được vị ngọt tự nhiên của cá”, bà Hưng chia sẻ. Những điều này giúp sản phẩm của bà chinh phục khẩu vị của cả những khách hàng khó tính. Thương hiệu “chả cá Năm Hưng” đã không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà còn được phân phối đến các khu vực lân cận, thậm chí xa hơn ở các tỉnh khác và ra nước ngoài.
![]() |
Khát vọng phát triển nghề
Kể về nghề làm chả cá hố, ánh mắt bà Hưng sáng lên đầy tự hào nhưng cũng phảng phất nét trầm tư. Với bà, nghề không chỉ là kế sinh nhai mà còn là cuộc đời mà bà đã dành trọn tâm huyết để gắn bó. Mỗi bước đường bà đi qua đều in dấu mồ hôi, công sức và cả những giấc mơ lớn lao mà bà ấp ủ cho quê hương Nhơn Lý.
Hiểu được tâm tư của mẹ, chị Nguyễn Thị Nữ, người con gái thứ sáu trong gia đình, được bà lựa chọn và tận tâm truyền lại những kinh nghiệm quý báu trong nghề, luôn cố gắng học hỏi. Chị Nữ từ nhỏ đã quen với hình ảnh mẹ cần mẫn làm chả cá, lọc từng con cá hố, nêm gia vị hay chiên chả trên bếp lửa đỏ rực. Chính những điều giản dị ấy đã giúp chị thấm nhuần giá trị lao động cũng như niềm đam mê với nghề truyền thống. Trong việc truyền nghề, bà Hưng luôn kiên nhẫn hướng dẫn từng chi tiết, chỉ dạy con gái từng công đoạn chế biến chả cá hố, đặc biệt là bí quyết quan trọng để giữ trọn hương vị đặc trưng. Từ việc chọn lựa cá hố tươi ngon nhất sau mỗi chuyến thuyền cập bến đến cách nêm gia vị chuẩn xác sao cho từng miếng chả giữ được độ dai, thơm và ngọt tự nhiên.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, bà Hưng còn truyền đạt cho chị Nữ những giá trị đạo đức nghề nghiệp như giữ chữ tín, đạo đức nghề nghiệp, phải bảo đảm chất lượng sản phẩm và không chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng danh tiếng của gia đình. Nhận được sự chỉ bảo tận tình từ mẹ, chị Nguyễn Thị Nữ đã dần tiếp quản công việc và không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề. Chị hiểu rằng, gìn giữ nghề truyền thống không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một món ăn, mà còn là duy trì một phần bản sắc văn hóa của quê hương. Với sự dìu dắt của bà Hưng, chị Nữ đang từng bước kế thừa và phát triển nghề làm chả cá hố, mang sản phẩm gia đình đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.
Mong thương hiệu Việt đi xa
Hiện nay, cơ sở sản xuất chả cá Năm Hưng tại thôn Lý Hòa đã trở thành một điểm sáng trong việc phát triển kinh tế ở làng chài Nhơn Lý. Không chỉ tạo ra một thương hiệu chả cá độc đáo, bà còn giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ. Mỗi miếng chả cá đều mang dấu ấn tâm huyết của bà khi chứa đựng cả câu chuyện về tinh thần lao động bền bỉ, ý chí vượt khó và tình yêu quê hương. Hơn thế, bà Hưng cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết với những người muốn theo nghề làm chả cá. Bà coi đó là cách để giúp đỡ cộng đồng và là cách tốt nhất để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống cho thế hệ mai sau. “Tôi chỉ mong nghề này không mai một, để mai sau khi nhắc đến Nhơn Lý, người ta sẽ nhớ đến món chả cá hố và tự hào rằng nó gắn liền với quê hương mình”, bà Hưng tâm sự.
Đánh giá về chất lượng chả cá Năm Hưng, anh Nguyễn Hữu Đảo, chủ nhà hàng du lịch Khánh An (thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý) cho biết: “Nghề làm chả cá hố tại Nhơn Lý đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân địa phương và góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng miền đến với du khách. Đây là món ăn truyền thống lâu đời, đặc biệt được ưa chuộng trong mùa mưa bão, thời điểm ngư dân Nhơn Lý đánh bắt cá hố nhiều nhất. Tôi nhận thấy việc phát triển món chả cá hố thành đặc sản du lịch có thể khai thác lợi thế địa phương và tạo điểm nhấn độc đáo, thu hút du khách, đặc biệt trong những giai đoạn mùa du lịch thấp điểm do ảnh hưởng thời tiết”.
Ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý thông tin: “Để phát triển kinh tế địa phương, chúng tôi đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch khác nhau, trong đó có đặc sản truyền thống của địa phương. Tại đây, chả cá hố là một trong những sản phẩm nổi bật, đặc trưng của vùng biển xã Nhơn Lý do được các cơ sở chế biến hoàn toàn thủ công và không sử dụng chất bảo quản. Thời gian tới, để phát triển sản phẩm này, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu, cải tiến chất lượng, đóng bao bì và dán nhãn mác để thị trường tiếp nhận, không chỉ trong tỉnh mà còn có thể tiêu thụ trên thị trường cả nước”.
Dù chả cá hố rất ngon và được nhiều người ưa chuộng, nhưng do nguồn nguyên liệu không ổn định, cộng với việc sản xuất thủ công còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa thể mở rộng được thị trường. Do vậy, để tạo ra một sản phẩm truyền thống có thể đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn, cần có sự đầu tư hơn nữa từ các cơ sở sản xuất, đồng thời cần sự hỗ trợ của chính quyền để nâng tầm đặc sản địa phương. Qua đó, có thể tạo ra những chuỗi sản phẩm du lịch kết hợp với món ăn truyền thống, thu hút du khách trong và ngoài nước.