Chữ “hiếu” giữa hai lằn ranh
Năm ngoái, chồng chị Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) được cơ quan cử đi học nước ngoài. Dù có giúp việc nhưng chị cũng không xoay xở hết từ công việc, con cái đến chăm sóc mẹ già gần 80 tuổi. Một hôm, bà ở nhà bị tăng huyết áp, giúp việc luống cuống không biết xử lý sao. Đắn đo tìm hiểu, tham khảo mãi, chị ngỏ ý muốn đưa mẹ vào chăm sóc ở viện dưỡng lão. Bà đồng ý, rồi “nhập học”...
Những ngày đầu nhớ nhà, nhớ cháu rồi cũng qua mau, bà dần quen với các bạn già, với không gian sống mới có sự chăm sóc của điều dưỡng, y tá. Mỗi sáng thứ bảy, chị Hương lại đón mẹ từ viện dưỡng lão về nhà. Vừa bước vào cổng, hai đứa trẻ đã ùa ra đón bà nội, tíu tít khoe những chuyện trường lớp, học hành. Còn bà cụ thì kể về các bạn già, về những buổi tập dưỡng sinh, văn nghệ ở viện. Chị Hương chia sẻ: Thấy mẹ vui khỏe hơn, mình cũng yên tâm…
Tuy vậy, từ khi đưa mẹ vào trung tâm dưỡng lão, vợ chồng chị Hương bị hàng xóm nhìn với ánh mắt khác. Nhiều người bàn tán, xì xào: “Con cái làm ra tiền mà để mẹ ở viện dưỡng lão, có khác gì bỏ rơi bà cụ đâu?”.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt, chăm sóc cha mẹ già không đơn thuần là trách nhiệm, mà còn là thước đo đạo đức và tình cảm gia đình. TS Đỗ Thanh Phương, chuyên gia cao cấp Viện Tâm lý học ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực nhìn nhận: Tác động của nhịp sống hiện đại đã làm thay đổi cấu trúc, quy mô gia đình Việt Nam. Trước kia là đời sống làng xã với những gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường. Nhưng hiện nay, đa số gia đình có quy mô nhỏ, ít thành viên, lại bận rộn suốt ngày nên không thể thay nhau ở bên, chăm sóc cha mẹ lớn tuổi... Nhiều cụ rơi vào cảnh cả ngày quẩn quanh trong bốn bức tường.
"Trung tâm dưỡng lão được coi là một giải pháp để chăm sóc người cao tuổi trong xã hội hiện đại. Dù vậy cũng không nên ỷ lại, mỗi gia đình cần có nguyên tắc cho việc thăm nom hoặc định kỳ đón cha mẹ về với con cháu", TS Thanh Phương bày tỏ quan điểm.
“Nhà” mới của người cao tuổi
Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đáp ứng nhu cầu của xã hội, những năm qua, số viện dưỡng lão trong nước tăng đáng kể, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo khảo sát và thống kê chưa đầy đủ, hiện nước ta có khoảng hơn 100 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Chi phí tại một số trung tâm dưỡng lão tư nhân khoảng 10-18 triệu đồng/tháng, tùy thuộc loại phòng ở và tình trạng sức khỏe của các cụ.
Nếu trước đây, mô hình này thường chỉ dành cho những người già neo đơn, không nơi nương tựa, thì hiện nay, các trung tâm dưỡng lão ngoài công lập đã trở thành nơi gửi gắm chăm sóc cha mẹ của nhiều gia đình. Bà Nguyễn Thị Mai (Hà Nội) cho biết: “Tôi năm nay hơn 70 tuổi, có tiền sử tai biến, sức khỏe kém. Ngày trước ở nhà thì ra vào viện mãi, rất mệt mỏi. Vào viện dưỡng lão, có các điều dưỡng, y tá nên tình hình sức khỏe của tôi được chăm sóc tốt hơn”.
Một đơn cử như Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội). Năm 2023 trung tâm này có 5 cơ sở, tiếp nhận 439 lượt người cao tuổi. Đến năm 2024, trung tâm mở rộng lên 8 cơ sở, đón 589 lượt người cao tuổi. Ông Đào Quang Đức, Giám đốc Trung tâm tại cơ sở 2 (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Việc chăm sóc người già, nhất là người có nhiều bệnh nền không hề đơn giản, đòi hỏi kiến thức, chuyên môn y tế và quá trình theo dõi sức khỏe. Vì vậy, nhiều người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để cha mẹ được chăm sóc tốt hơn”.
Mô hình trung tâm dưỡng lão bán trú cũng đang thịnh hành vài năm trở lại đây. Mô hình này linh hoạt ở chỗ, buổi sáng các cụ đến trung tâm sinh hoạt, buổi tối lại có thể về sum vầy cùng con cháu. Ngoài chăm lo thể chất, các trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, đưa các cụ đi dã ngoại hay tham vấn tâm lý, giúp người cao tuổi được chia sẻ tâm tư, tình cảm, tránh tích tụ muộn phiền.
Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, quan niệm về chữ hiếu cần được nhìn nhận theo hướng linh hoạt hơn. Thay vì tuổi già buồn tẻ, cô đơn trong nhà, ngày càng nhiều người cao tuổi được các con động viên vào các trung tâm dưỡng lão nội trú hoặc bán trú để được giao lưu, tập luyện. Đó cũng là sự hiếu thuận của con dành cho các bậc sinh thành trong bối cảnh mới.
Bà Nguyễn Thị Biển (86 tuổi) ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ: “Tôi sinh được ba người con, hai người định cư nước ngoài, còn con trai út bận công tác liên miên. Các cháu đều đi học, đi làm suốt ngày. Có những tuần không nhìn thấy mặt đứa nào. Tôi quyết định vào sống ở viện dưỡng lão. Khi còn đủ minh mẫn, tôi muốn tự quyết định cách sống cho mình”.