Giải bài toán "khát" nhân lực
Dựa theo nhu cầu thực tế của xã hội, Trường đại học (ĐH) Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thông báo sẽ mở thêm 5 ngành và chuyên ngành đào tạo mới trong kỳ tuyển sinh năm nay. Theo đó, ngành Công nghệ tài chính và Trí tuệ nhân tạo (thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin) được nhiều thí sinh quan tâm. Với chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, sinh viên sẽ học kiến thức nền tảng gồm toán học, lập trình, khoa học máy tính cùng các lĩnh vực cốt lõi như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, robot học…
Năm 2025, Trường ĐH Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng lần đầu đưa ngành Trí tuệ nhân tạo vào tuyển sinh với tối đa 80 chỉ tiêu. Đại diện nhà trường cho biết, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình cho ngành học này đã được chuẩn bị từ nhiều năm qua. Hiện tại, trường có 36 GS, PGS, TS về công nghệ thông tin, giáo trình “nhập” trực tiếp từ ĐH Quốc gia Singapore cùng hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu được đầu tư bài bản.
Bên cạnh chuẩn bị đội ngũ chuyên gia, giảng viên, nhiều trường còn bổ sung máy móc hiện đại, giáo trình đạt chuẩn để sinh viên có thể cập nhật tốt kiến thức ngành trí tuệ nhân tạo. TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh-Truyền thông Trường ĐH Gia Định cho biết: Nhà trường đã hoàn tất nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, nghiên cứu và liên tục cập nhật giáo trình, công nghệ đào tạo. Bên cạnh môi trường học tập và thực hành tại chỗ, trường còn kết nối với các doanh nghiệp để đưa sinh viên đến trải nghiệm thực tế.
Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế vi mạch, Công nghệ tài chính, Công nghệ truyền thông và Khoa học dữ liệu đang là các ngành được nhiều trường ĐH lớn đầu tư kỹ lưỡng. Điểm chung là chuẩn đầu vào cho nhóm ngành này khá cao, nhiều trường còn bổ sung tiêu chí phụ để tuyển được những sinh viên xuất sắc. Năm 2024, để trúng tuyển ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), thí sinh phải đạt mức đầu vào 28,3 điểm, tương đương trung bình mỗi môn gần 9,5 điểm. Điểm chuẩn ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật hay Trường ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng thuộc nhóm cao, yêu cầu thí sinh có sự đầu tư nghiêm túc về kiến thức, kỹ năng mới có thể trúng tuyển và theo kịp chương trình.
Xu hướng hợp tác đào tạo
Là đơn vị đóng góp hơn 50% kỹ sư vi mạch đang làm việc tại thành phố, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong ngành bán dẫn từ sớm. Năm 2024, trường thành lập hai ngành đào tạo chuyên sâu là Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn, từ bậc kỹ sư đến thạc sĩ. Dự kiến mỗi năm, hệ thống các trường thành viên của ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đào tạo khoảng 300 kỹ sư, 90 thạc sĩ và 10 tiến sĩ trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn. Ngành Trí tuệ nhân tạo trong bán dẫn dự kiến mỗi năm đào tạo khoảng 60 kỹ sư, 40 thạc sĩ và 10 tiến sĩ.
Mới đây, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Tập đoàn CT Group và ĐH Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan, Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn. Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group cho biết, ngay trong năm 2025 sẽ khánh thành nhà máy gần khu đô thị ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo cơ hội cho sinh viên, giảng viên thực hành nghiên cứu. Tập đoàn này hiện triển khai các nhà máy chuyên về lắp ráp (assembly), kiểm thử (test) và đóng gói (packaging) sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam.
Việt Nam đang sở hữu lợi thế về chính sách ưu đãi cùng nguồn nhân lực trẻ trong việc xây dựng và phát triển công nghệ chip bán dẫn. Theo nhiều chuyên gia, nếu chú trọng các nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trong tương lai gần, Việt Nam có thể tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Theo GS, TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dựa vào điều kiện thực tế, một trường ĐH khó đảm trách tốt nhiệm vụ đào tạo nhóm ngành công nghệ, mà cần phối hợp nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, viện nghiên cứu. Vài năm gần đây, thông qua chuỗi ký kết hợp tác, nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã tiến hành chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyên môn, đặt hàng nghiên cứu. Các tập đoàn cũng giúp nhà trường thiết kế, cập nhật giáo trình đào tạo bám sát thực tế, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị tối tân. Nhiều doanh nghiệp còn trực tiếp hỗ trợ nhà trường đào tạo và sàng lọc những nhân tố xuất sắc cho các chương trình đầu tư sâu hơn.