Nguyễn Cẩm Ly (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)
Nhiều trang mạng xã hội vừa đồng loạt đăng tải thông tin về nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Người này không may bị một lái xe điều khiển ô-tô trong tình trạng say xỉn va chạm gây tai nạn tử vong trên đường.
Theo các quy định của pháp luật, hành vi tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng; hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Những quy định trên chỉ được miễn trừ khi hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc được sử dụng từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, rõ ràng việc đăng tải hình ảnh rõ mặt nạn nhân các vụ tai nạn giao thông là hoàn toàn sai trái. Chưa kể đến những vấn đề liên quan đến pháp luật, hành vi này rõ ràng còn gây tổn hại về mặt tinh thần, để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người thân của nạn nhân. Tôi cũng từng có người thân gặp tai nạn giao thông và không may đã mất trên đường đi cấp cứu nên hiểu rõ những tổn thương đó nặng nề tới mức nào.
Ngoài ra, liên quan tới tình trạng đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, cần đăng ảnh người gây tai nạn chứ không phải người bị nạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hành vi sai trái sẽ phải được đánh giá, xử lý bởi pháp luật thay vì cổ súy, cố tình “bêu” mặt người gây tai nạn lên một cách hả hê. Bởi dù có làm như vậy thì người đã mất cũng không bao giờ quay lại được.