Càng tránh xa, càng kỳ thị
Dù là ngày cuối tuần, 12 giờ trưa, đồng nghiệp í ới gọi đi ăn nhưng tập hồ sơ khám bệnh trên bàn làm việc của Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Tâm thần (Khoa A6), Bệnh viện (BV) Quân y 103 vẫn chưa giảm. Ngoài hành lang, bệnh nhân và người nhà vẫn lặng lẽ, kiên nhẫn ngồi đợi. Họ là những người dân bình thường, từ khắp nơi theo “tiếng lành đồn xa” đến đây thăm khám. “Mời bệnh nhân tiếp theo vào!”. Lần này, là một cậu bé đang độ tuổi đi học. Cháu có ý định tử tự và đã cắt cổ tay mình tới 3 lần. Cháu được xác định bị trầm cảm từ 3 năm nay nhưng gia đình không hay biết. Lần này, mẹ cháu mới để ý đến hành động nguy hiểm của con và đưa đến đây.
“Nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, có những điều đơn giản mà chúng ta có thể nhận biết được ngay trong sinh hoạt hằng ngày như: Con có mất ngủ không; có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sút cân không; dễ nổi cáu không… Hay những biểu hiện kín đáo hơn như: Sống thu hẹp mình, không giao lưu với ai, về nhà chui ngay vào phòng, chỉ sống với thế giới ảo… Đó là những dấu hiệu dễ nhận ra và hầu như các bệnh tâm thần đều khởi đầu bằng những dấu hiệu đó!”, bác sĩ Huy khuyến cáo.
Tuy nhiên, chính cha mẹ lại không chấp nhận hai chữ “tâm thần”, không đối diện vào sự thật rằng con mình mắc bệnh mà hay đổ lỗi cho hoàn cảnh như con đang độ tuổi “nổi loạn”. Nhiều trường hợp được bác sĩ chẩn đoán mắc tâm thần lại vội vàng đưa con “trốn” ngay. Sau đó, tìm đến thầy bói, thầy cúng. “Sự kỳ thị với bệnh tâm thần, sự thiếu hiểu biết về căn bệnh này của các bậc cha mẹ đã làm hại chính con mình, lấy đi cơ hội vàng điều trị. Bởi với bệnh tâm thần phân liệt thì có 10% bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn trong tuần đầu phát bệnh”, bác sĩ Huy phân tích.
Với kinh nghiệm 36 năm trong nghề, bác sĩ Huy chia sẻ, các bệnh tâm thần (lo âu, trầm cảm, phân liệt…) chủ yếu là do gene di truyền gây ra. Khi đi khám, bác sĩ thường chẩn đoán thông qua các chức năng như: Chú ý, trí nhớ, cảm xúc của người bệnh. Nếu trong giới hạn bình thường, thì bệnh nhân chỉ gặp các vấn đề tâm lý tức thời. Nhưng nếu vượt quá giới hạn, tức là yếu tố gene bệnh đã được đánh thức và bệnh nhân đã mắc tâm thần. Lúc này, buộc phải đi điều trị.
“Việc khám và điều trị sớm rất quan trọng. Thí dụ, với bệnh trầm cảm, nếu 3 ngày mất ngủ liên tiếp là báo hiệu phát bệnh. Khi đó, bệnh nhân đi khám ngay, được chữa trị kịp thời, phục hồi sớm. Nhưng đến khi xuất hiện 7-8 triệu chứng rầm rộ thì bệnh đã nặng lên. 1 lần trầm cảm phải điều trị 1 năm, 5 lần phải điều trị cả đời. Chúng ta hãy nhìn nhận người mắc bệnh tâm thần giống như mắc các bệnh lý khác. Nếu bệnh nhân đi khám nhiều, có nghĩa là đã không còn kỳ thị nó nữa. Nếu càng tránh xa thì sự kỳ thị càng tăng lên”, Trung tá, TS, bác sĩ Đinh Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết.
Từ lâu, nói đến bệnh nhân tâm thần, nhiều người thường gắn với định kiến, ác cảm là “người điên”. Chính vì thế, số lượng bác sĩ theo học chuyên ngành này rất ít. Hiện cả nước có khoảng 1.000 bác sĩ tâm thần/100 triệu dân, so sánh với Australia, họ có tới 8.000 bác sĩ tâm thần/40 triệu dân. “Thời gian ngồi trên ghế giảng đường, khi điểm danh, tôi xưng là bác sĩ tâm thần. Vậy là, cả hội trường với hàng trăm sinh viên y khoa quay về phía tôi và cười ồ lên(!). Đó là đồng nghiệp, là người trong ngành còn kỳ thị với chuyên khoa tâm thần, chứ chưa nói đến ngoài xã hội”, bác sĩ Hùng kể lại.
![]() |
Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 hướng dẫn sinh viên tại buồng bệnh. |
Tái sinh lại một con người
Câu chuyện xóa bỏ rào cản kỳ thị với bệnh nhân tâm thần chính thức được Bộ môn - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 tiên phong trong cả nước thông qua việc áp dụng hệ thống cửa mở điều trị cho các bệnh nhân tâm thần ở Việt Nam. “Trước đây, nơi điều trị bệnh nhân tâm thần được xây như nhà tù, đều ở xa các khu đô thị. Phòng bệnh cũng không khác phòng biệt giam với giường bê-tông, toa-lét tại chỗ, bệnh nhân nặng còn bị xích. Mỗi phòng bệnh bị khóa bởi then cửa to bằng cổ tay”, bác sĩ Huy nhớ lại.
Nhờ áp dụng phương pháp điều trị bằng loại thuốc mới hiệu quả, sức khỏe bệnh nhân ổn định, lãnh đạo Bộ môn - Khoa Tâm thần đã chính thức đề xuất Bệnh viện Quân y 103 xây dựng mới Khoa A6 là cơ sở khám, chữa bệnh thân mật, gần gũi giống với các khoa tim mạch, hô hấp… Ý tưởng đó đã được chấp thuận và BV điều trị bệnh nhân tâm thần cởi mở với khuôn viên vườn hoa, cây cảnh, sân chơi thể thao, xưởng làm việc, rạp chiếu bóng... được ra đời. Đây là mô hình đầu tiên trên cả nước và sau này đã được các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần học tập, triển khai. “Phương pháp này đã giảm đáng kể sự kỳ thị đối với bệnh nhân. Làm cho việc nằm viện của bệnh nhân không quá nặng nề. Do đó, bệnh nhân sẽ đến chữa trị, không giấu bệnh như ngày xưa nữa. Quan trọng nhất là khi được phân công về đây làm việc, nhân viên cũng không bỏ nghề nữa!”, bác sĩ Huy phân tích.
Vừa tròn 65 năm thành lập (31/3/1960 - 31/3/2025), tập thể cán bộ, nhân viên Bộ môn - Khoa Tâm thần của Bệnh viện Quân y 103 đã không ngừng học tập để cập nhật các thuốc điều trị mới, các kỹ thuật hiện đại để điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần. Tính đến nay, Khoa A6 đã xây dựng được hàng chục phác đồ điều trị cho các rối loạn tâm thần phổ biến, hoàn chỉnh các quy trình kỹ thuật chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, đây là nơi duy nhất trên cả nước triển khai được kỹ thuật sốc điện có gây mê tĩnh mạch bằng propofol để điều trị những trường hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt thể nặng, như những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt kháng thuốc, trầm cảm có hành vi tự sát, trầm cảm có loạn thần...
Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tất Định, Khoa A6 chia sẻ về 1 ca bệnh: “Đây là trường hợp bệnh nhân có ý định tự sát và thực hiện tự sát đến 10 lần. Bệnh nhân từng dí điện vào cơ thể rồi đổ nước sôi bỏng hết cả người. Thậm chí, còn mỗi cái tay lành lặn, bệnh nhân dùng đũa xỉa vào mũi… Khi người nhà đưa bệnh nhân vào, các cơ sở điều trị khác đã từ chối điều trị. Đến đây, được chỉ định sốc điện, sau khi làm 5-6 lần, bệnh nhân cải thiện rõ rệt, sau 8-10 lần bệnh nhân trở lại bình thường hoàn toàn”. Hằng năm, tại Khoa A6 đã thực hiện hàng nghìn lượt sốc điện điều trị các rối loạn tâm thần cho bệnh nhân với tỷ lệ điều trị thành công lên đến 100%. Hiện nay, thời gian điều trị trung bình của bệnh nhân đã rút ngắn còn 2 tuần chứ không phải vài tháng như trước kia. “Hiệu quả điều trị của phương pháp sốc điện giúp bệnh nhân mau hồi phục, thời gian nằm viện ít, không còn là gánh nặng kinh tế cho gia đình và bệnh nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng, khả năng sinh hoạt, lao động được phục hồi”, bác sĩ Định cho biết.
Ngoài nâng cao chuyên môn điều trị, Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Tâm thần vẫn luôn dạy các thế hệ bác sĩ trẻ bài học làm nghề: “Phải đối xử với bệnh nhân như người nhà của mình và khi người nhà của mình khỏi được bệnh thì mới gọi là thành công!”. “Trong quan hệ với người bệnh, thầy của chúng em thường đóng “vai” nghiêm khắc nhưng luôn nhắc chúng em phải thương yêu người bệnh. Nghiêm khắc để bệnh nhân chấp hành uống thuốc. Nếu bệnh nhân bỏ thuốc 1 ngày thì bằng uống thuốc bù 1 năm. Như vậy đã bỏ lỡ cơ hội điều trị, lại tốn tiền cho gia đình!”, nữ điều dưỡng Trần Thị Thanh Phương tâm sự.
Với bệnh nhân tâm thần, tức là những người bị mất năng lực hành vi dân sự (Theo Bộ luật Dân sự). Còn Luật Hôn nhân và Gia đình, cũng có quy định, người bị mất năng lực hành vi dân sự không được phép kết hôn. “Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi phải cung cấp kiến thức về căn bệnh. Bị bệnh vào đây rồi phải mau chữa khỏi cho họ. Nếu bệnh nhân tâm thần được chữa khỏi bệnh, họ được trở lại là một công dân bình thường. Đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi. Với các bệnh nhân khác, việc điều trị khỏi bệnh mang lại một cơ thể khỏe khoắn. Nhưng với chúng tôi, chữa khỏi bệnh cho một bệnh nhân tâm thần là tái sinh lại cuộc sống cho họ!”, Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Bùi Quang Huy chân tình chia sẻ.