"Tâm chấn" không còn xa

Năm 2011, động đất và sóng thần khu vực đông bắc Nhật Bản gây nên một thảm họa nhân đạo. Thiên tai đã cướp đi 20.000 nhân mạng cùng với sự cố hạt nhân nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Việt Nam nằm trong khu vực địa chất ổn định. Động đất chưa bao giờ khiến chúng ta phải bận tâm, cho đến tận khi…
0:00 / 0:00
0:00
"Tâm chấn" không còn xa

Trận động đất ngày 28/3 tại Myanmar mạnh 7,7 độ richter. Hơn 1.000 người đã thiệt mạng và đây dường như vẫn chưa phải con số cuối cùng. Thiệt hại về vật chất vô cùng lớn khi hàng nghìn ngôi nhà sụp đổ. Rung chấn của trận động đất lan xa sang các nước láng giềng. Tại Bangkok (Thailand), ít nhất 9 người chết khi một tòa nhà cao tầng đang xây dựng bị sụp đổ vì dư chấn.

Tại Việt Nam, hàng trăm người chạy ra khỏi các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì những cảm nhận rung lắc rõ ràng... Một số chuyên gia cho rằng, những rung chấn ở mức độ này sẽ không gây nên những tác động quá lớn.

"Tâm chấn" không còn xa ảnh 1

Cứu hộ tại tòa nhà bị sụp tại Thủ đô Bangkok. Ảnh: XUÂN SƠN

Trong tầm ảnh hưởng

Động đất là hiện tượng phát sinh các sóng địa chất do sự giải phóng đột ngột các biến dạng được tích lũy trong phần vỏ hoặc phần áo trên của Trái đất. Các sóng địa chất sau đó truyền theo nhiều hướng, gây ra các rung động trên bề mặt và trong lòng đất.

Ước tính tâm chấn trận động đất tại Myanmar cách Hà Nội hơn 1.000 km, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 1.700 km. Các rung chấn ảnh hưởng đến 2 thành phố lớn của Việt Nam hầu như cùng lúc với thảm họa. Chị Linh, sống tại tầng 16 một tòa chung cư cao cấp tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết: “Tôi đang ngủ trưa thì như có người khác lay dậy. Mở mắt ra chưa hiểu chuyện gì thì đã cảm thấy nôn nao, chao đảo. Cứ tưởng lại bị tiền đình nên cố gắng đi xuống dưới nhà hít thở không khí ngoài trời. Xuống đến nơi nghe mọi người bàn tán mới biết vừa có động đất...”.

Xét trên góc độ chuyên môn, động đất xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân. Phổ biến nhất là các hoạt động kiến tạo hoặc đứt gãy địa chất. Bên cạnh đó cũng tồn tại những nguyên nhân như: Do các vụ nổ (vụ nổ hóa học hoặc hạt nhân), các vụ phun trào núi lửa, do tích nước vào các hồ chứa lớn (phần lớn động đất kích thích dạng này liên quan các hồ chứa có đập cao hơn 100 m)… Một trận động đất lớn cũng có thể kéo theo nhiều thảm hỏa khác nhau. Một trong những thảm họa thường được nhắc nhiều nhất là sóng thần. Năm 2004, trận động đất mạnh xảy ra ngoài khơi bờ biển Sumatra (Indonesia), ngay sau đó hình thành một đợt sóng thần. 14 quốc gia ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ước tính có 227.898 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

Các công trình xây dựng lớn là đối tượng chịu nhiều tác động nhất khi xảy ra động đất. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước, các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, lớp “áo bảo vệ” các công trình này ở Việt Nam được xây dựng khá bài bản. Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định các công trình thiết kế, thi công phải bảo đảm khả năng chịu lực, ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 02:2022/BXD) cũng quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình chống động đất…

Đại diện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Các khoa học Trái đất) đánh giá những rung lắc vừa qua chỉ ở “Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0”. Cường độ ảnh hưởng yếu, cộng với những tiêu chuẩn chặt chẽ trong phòng ngừa, chúng ta có thể yên tâm trong tương lai gần. Vấn đề còn lại là không một ai có thể chắc chắn về bản chất của những thảm họa thiên nhiên. Tính khó dự báo và cường độ tăng dần, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu Trái đất, có thể khiến cho những tính toán kỹ lưỡng nhất trở nên sai lệch so thực tế và để lại những hậu quả vô cùng lớn.

"Tâm chấn" không còn xa ảnh 2

Xe chạy ra đường khi động đất. Ảnh: XUÂN SƠN

Chủ động không là thừa

Theo một thống kê, trong trận động đất xảy ra năm 1995 tại Kobe (Nhật Bản), 88% số nạn nhân thiệt mạng vì ngạt hoặc bị vùi lấp trong đống đổ nát của nhà cửa. Rất nhiều người đã có thể sống sót nếu quá trình cứu hộ diễn ra nhanh chóng, kịp thời. Chất lượng xây dựng giúp cho các tòa nhà chống chọi lại rung lắc. Nhưng trong trường hợp xấu nhất (động đất 10 độ richter), không công trình nào có thể trụ vững. Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với tiêu chuẩn bảo đảm công tác hậu thảm họa đóng vai trò quan trọng và tỏ ra hiệu quả hơn cả để bảo vệ con người trước thiên nhiên.

Trên cơ sở đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu dự báo động đất và dao động nền ở Việt Nam” (năm 2004), Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã hình thành bản đồ nguồn các vùng phát sinh động đất ở Việt Nam. Theo đó, bản đồ phân vùng gia tốc nền chu kỳ lặp lại 500 năm trên lãnh thổ Việt Nam được thiết lập và đưa vào Phụ lục của tiêu chuẩn xây dựng “Thiết kế công trình chịu động đất”. Đây là dữ liệu cơ sở cho việc tính toán và thiết kế các công trình xây dựng trong vùng động đất ở nước ta.

Căn cứ bản đồ phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý địa cầu lập thì ở nước ta, chỉ có một số vùng thuộc khu vực phía bắc được dự báo là có khả năng xảy ra động đất cấp 8 (theo thang MSK), chấn động do động đất gây ra tại một số địa điểm vùng Tây Bắc có thể đạt tới cấp 9, còn phần lớn lãnh thổ Việt Nam chỉ có thể xảy ra động đất yếu và rất yếu. Như vậy, động đất xảy ra tại Việt Nam có cường độ không mạnh và số lượng không nhiều so với nhiều nơi trên thế giới, cường độ thường ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất động đất với cường độ mạnh xảy ra là rất thấp.

PGS, TS Nguyễn Đức Mạnh, giảng viên Khoa Công trình, Trường đại học Giao thông vận tải có cái nhìn thận trọng hơn qua trận động đất tại Myanmar và những ảnh hưởng đến Việt Nam. Hầu hết các công trình lớn, nhà ở cao tầng đều được thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn tính toán cả chống động đất. Tuy nhiên, với các nhà ở riêng lẻ thì khả năng chống chịu không rõ ràng. Mặc dù cũng có tiêu chuẩn kháng chấn nhưng việc áp dụng bắt buộc lại tùy từng địa phương. Đây là vấn đề đáng phải cân nhắc vì trong quá khứ, nhà ở riêng lẻ của người dân thường ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên theo thời gian, quy mô đã có nhiều thay đổi. Có những ngôi nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng xây cao đến 8 - 9 tầng.

Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: Trước tình hình các hiện tượng động đất xảy ra tại Việt Nam, điều quan trọng nhất hiện nay là cần có một nghiên cứu tổng thể cấp quốc gia về động đất để cập nhật và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng. Việc phân vùng động đất phải được thực hiện một cách khoa học, dựa trên dữ liệu khảo sát địa chất và động đất cập nhật nhằm bảo đảm các quy chuẩn xây dựng phù hợp với thực tế.

GS, TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Vật lý địa cầu lưu ý thêm về tính chu kỳ của động đất. Theo ghi chép lịch sử, trận động đất năm 1285 tại Hà Nội có cường độ dưới 5,5 độ richter (tức chỉ gây ra động đất cấp 7). Thực tế trận động đất này có thể mạnh hơn nữa (cấp 8). Có rất nhiều dữ liệu về hậu quả như gãy bia, chết nhiều trâu, bò… thời kỳ đó (những thông tin này có phần xác thực do nền đất yếu gây chấn động mạnh trên bề mặt). Động đất mạnh thường có chu kỳ lặp lại 1.150 đến 1.200 năm. Từ thời điểm đó đến nay đã gần 800 năm, nên không loại trừ khả năng xảy ra một trận động đất mạnh như thế ở Hà Nội. Động đất khoảng 5 độ richter thì khả năng xảy ra ở Hà Nội còn cao hơn nữa.

Nhìn chung, khả năng động đất cực mạnh ở Việt Nam là tương đối thấp. Nhìn nhận từ mọi góc độ vẫn phải hết sức cẩn trọng, chuẩn bị cho cả tình huống xấu nhất. Các công trình càng lớn, càng hiện đại càng có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhật Bản là nước có nhiều động đất và có nhiều kinh nghiệm phòng ngừa. Họ có rất nhiều kinh nghiệm đáng để chúng ta học hỏi, đặc biệt trong cả việc chống động đất cho những công trình có độ phức tạp cao như đường sắt tốc độ cao.