Hồ sơ kỷ niệm 650 năm (1370-2020) ngày mất của danh nhân Chu Văn An (1292 - 1370) là một trong 48 hồ sơ được khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 206 thông qua. Trước đó, danh sách này được lựa chọn từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử. Đoàn Việt Nam do ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam dẫn đầu, tham dự các hoạt động quan trọng trong khóa họp từ ngày 3 đến 17-4 vừa qua. Theo quy định của UNESCO, kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 40, diễn ra vào tháng 11 tới, sẽ chính thức ra Nghị quyết về kỷ niệm các sự kiện, các nhân vật kiệt xuất của thế giới. Theo đó, UNESCO sẽ cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 ngày mất của danh nhân Chu Văn An vào năm 2020.
Từ đầu năm 2017, Việt Nam bắt đầu xem xét, khởi động quá trình lập hồ sơ về nhà giáo Chu Văn An gửi lên UNESCO, theo đề nghị của Ủy ban quốc gia UNESCO. Việc làm này hoàn toàn phù hợp chủ trương của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao, trong số các hồ sơ đề cử theo tiêu chí do UNESCO đề ra, đáng chú ý là phù hợp lý tưởng và sứ mệnh của UNESCO trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được các quốc gia biết đến.
Gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học về danh nhân Chu Văn An, nhất là tìm kiếm tư liệu gốc liên quan nhà giáo, song cuối cùng Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh rằng tư tưởng tự học, tự lập, học tập suốt đời, tôn sư trọng đạo của Chu Văn An mang hơi thở thời đại, phù hợp xu hướng quốc tế. Được tôn là “Vạn thế sư biểu”, tức “người thầy chuẩn mực muôn đời”, Chu Văn An được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học. Triết lý giáo dục của Chu Văn An giàu nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với hành, học để cống hiến cho xã hội không những ảnh hưởng nhiều thế hệ người Việt, mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông được đánh giá gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới, phù hợp đề xuất của UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người”.
Bốn năm sau khi UNESCO vinh danh đại thi hào Nguyễn Du nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông, Việt Nam lại có thêm niềm vinh dự. Trước đó, UNESCO cũng đã vinh danh các danh nhân kiệt xuất của Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 100 năm ngày sinh của Bác; Nguyễn Trãi, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông. Chuỗi hoạt động tôn vinh danh nhân Chu Văn An sẽ được triển khai tại Việt Nam và các nước trong cộng đồng UNESCO trong thời gian tới.
Việc UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An thể hiện cam kết của UNESCO đối với việc bảo tồn và phát huy các hệ thống kiến thức và giá trị truyền thống liên quan văn hóa và giáo dục. Quyết định này cũng cho thấy, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những giá trị văn hóa và giáo dục của Việt Nam, góp phần thúc đẩy các giá trị nhân văn tốt đẹp toàn cầu, quảng bá các mục tiêu bình đẳng trong giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, và nhất là tinh thần học tập suốt đời.