KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2024)

Tự thắp lên ánh sáng

Có một người lính trở về từ chiến trường với đôi mắt bị thương, không nhìn thấy, vẫn miệt mài vẽ bằng niềm tin, ánh sáng trong mình… Nhà riêng cũng là không gian trưng bày tác phẩm của Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng, đâu đâu cũng có tranh, tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bên cạnh là các chân dung: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính, người mẹ, người chị… trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Lê Duy Ứng bên tác phẩm tượng Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.
Họa sĩ Lê Duy Ứng bên tác phẩm tượng Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.

Phóng viên (PV): Thưa Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng, xin ông chia sẻ hoàn cảnh đặc biệt ra đời bức chân dung ông vẽ Bác Hồ bằng máu mang tên“Ánh sáng niềm tin - Con nguyện dâng Người”?

Họa sĩ Lê Duy Ứng: Năm 1974 khi đang làm công tác tuyên huấn của Quân đoàn 2, tôi cùng đồng đội tiến vào chiến trường tham gia Chiến dịch giải phóng miền nam. Rạng sáng 28/4, khi tiến vào Trường biệt kích của ngụy quyền Sài Gòn, trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, xe 847 bị trúng đạn, tôi bị vào mắt và đầu, ngã xuống sàn xe tăng, khi tỉnh dậy thấy ngực như bị đá đè, hai mắt ròng ròng máu chảy. Kinh nghiệm chiến trường, lúc bị thương nặng mà tỉnh táo bất thường, rất có thể là sắp hy sinh. Nghĩ tới đó, tôi vơ vội chiếc cặp bên cạnh, lấy giấy, chấm máu từ đôi mắt đang chảy để vẽ chân dung Bác Hồ, đề bên dưới dòng chữ “Ánh sáng niềm tin - con nguyện dâng Người”, kịp cho vào ngực áo rồi ngất đi. Tỉnh dậy lần thứ hai, tôi cảm giác có một cánh tay rất khỏe nâng mình lên, bế ra khỏi sàn xe tăng. Giữa khoảnh khắc đạn bom cày xới ác liệt, một đồng đội đã đặt tôi xuống vệ đường, lấy cả thân mình phủ lên bảo vệ. Trận đánh kết thúc, tôi được chuyển ra trạm phẫu tiền phương sát trận địa.

PV: Vậy động lực nào khiến ông vượt lên số phận khi phải mang trong mình vết thương quá nặng?

Họa sĩ Lê Duy Ứng: Ngày đất nước thống nhất, tôi được chuyển ra Viện Quân y 108 điều trị trong tình trạng thương tật 91%, hai mắt đã hỏng. Khi ấy, tôi nghĩ sống được đã khó, đâu dám mơ đến chuyện khác. Những ngày ở bệnh viện, bác sĩ Đào Xuân Trà, Phó Viện trưởng, kiêm Chủ nhiệm Khoa mắt luôn động viên: “Ứng ơi, cậu đừng buồn! Mình sang bên Liên Xô thấy một người bị mù nhưng nặn tượng rất giỏi, cậu thử xem sao”. Sau câu nói ấy, tôi nhờ người quen, bạn bè mang đất đến. Một hôm, đang tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và loay hoay khắc câu thơ lên đó: “Hỏng mắt con tạc tượng Người/Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con”, thì tôi nghe giọng ấm áp cất lên từ phía sau lưng: “Đồng chí có đôi bàn tay thật nhạy cảm, đúng là đôi bàn tay vàng”. Giọng Quảng Bình quá đỗi trầm ấm, tôi quờ tay ra phía sau. Có ai đó nhắc: “Đại tướng, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tôi vỡ òa xúc động, không tin nổi. Đại tướng ngồi cạnh tôi khá lâu, hỏi chuyện gia đình, vợ con, quê quán rồi hỏi: “Ứng có biết Beethoven, nhạc sĩ người Đức sáng tác những bản nhạc hay nhất trong giai đoạn nào không?”. Thấy tôi ấp úng, Đại tướng liền nói: “Điếc hai tai! Một nhạc sĩ cần nghe được âm thanh mà khi bị điếc hai tai vẫn có thể sáng tác ra những bản nhạc hay nhất cho nhân loại. Đồng chí là một họa sĩ, cần nhìn thấy đường nét, hình khối, ánh sáng, mầu sắc… bây giờ mắt không còn thấy được gì thì hãy lấy tấm gương ấy mà phấn đấu, rèn luyện”. Lời động viên khiến tôi bừng tỉnh.

HỌA SĨ LÊ DUY ỨNG:

“Ngày 30/10/2013, tôi được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi nhận được tin này, cảm xúc trào dâng, tôi đã viết và đọc mấy câu thơ để bày tỏ nỗi lòng: “Phút giây xúc động bồi hồi/Nhớ quân đoàn, nhớ một thời đạn bom/Đồng đội người mất người còn/Cũng đều xứng đáng người con anh hùng/Riêng tôi góp chút công chung/Trong vườn hoa thắm của rừng chiến công/Bản thân luôn tự dặn lòng/Mình là hạt cát giữa dòng đại dương/Là chiếc lá giữa Trường Sơn/Vinh quang đồng đội đã nhường cho thôi…”.

PV: Khi vẽ tranh, tạc tượng về Bác Hồ và những người đã hy sinh cho Tổ quốc, nguồn cảm xúc, suy ngẫm nào luôn dâng trào, sâu lắng với ông?

Họa sĩ Lê Duy Ứng: Tôi luôn nghĩ, mình có vẽ bao nhiêu, tạc tượng thế nào cũng không thể diễn tả cho hết được chân dung của những con người vĩ đại. Đối với Bác Hồ, tôi một lòng tôn kính; đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi suốt đời nể trọng; đối với những người đã cống hiến hết mình vì nền độc lập tự do cho dân tộc, tôi nặng nợ, mang ơn… Sau này, khi đôi mắt đã được chữa lành, tôi vẫn vẽ, vẫn làm tượng Bác và biết bao nhiêu con người đã cống hiến, hy sinh. Ngay cả bây giờ, mắt không còn nhìn được nữa, tôi vẫn tiếp tục công việc ấy. Mỗi dịp đi đâu, tới mảnh đất nào, chỉ cần có trong tay một khúc gỗ hay vật liệu, tôi đều làm tượng và nghĩ thầm: Mỗi một gốc cây, ngọn cỏ đều thấm xương máu của những người ngã xuống. Vì thế, linh hồn họ như thổi hồn vào những bức tượng này.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng!