BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Truyền lửa yêu thương trên biên cương cực bắc

Tận mắt chứng kiến nhiều thua thiệt của phụ nữ dân tộc thiểu số trong cộng đồng nên chị Vàng Thị Cầu, người H’Mông, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn; người sáng lập, đồng thời là Tổ trưởng Tổ sản xuất của Hợp tác xã Lanh trắng luôn mong muốn tạo nhiều công ăn việc làm cho các chị em giúp xóa đói, giảm nghèo, được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, yêu thương.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Vàng Thị Cầu giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã Lanh trắng.
Chị Vàng Thị Cầu giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã Lanh trắng.

Từ giấc mơ thuở nhỏ

“Tôi rất thích truyện cổ tích. Ngày bé mỗi tối tôi luôn chờ đợi để được bố kể chuyện cổ tích trước khi đi ngủ”. Nhớ lại những kỷ niệm thuở nhỏ, mắt chị Vàng Thị Cầu ánh lên lấp lánh. Thế giới đẹp đẽ trong những câu chuyện cổ tích đã khiến cuộc sống của Vàng Thị Cầu những ngày tháng ấu thơ trở nên ý nghĩa hơn. Và cô bé Cầu ngày ấy cũng có một ước mơ cho riêng mình, đó là được đi học. Nhưng nhà nghèo, Vàng Thị Cầu lại là chị cả của 7 đứa em nên để thực hiện giấc mơ ấy với chị là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ và quyết tâm cao.

Sinh năm 1974 nhưng phải đến năm 1990 Vàng Thị Cầu mới bắt đầu vào lớp 1. Ở độ tuổi này các bạn bè cùng trang lứa với chị đều nô nức rủ nhau đi lấy chồng, quay đi quay lại đã con cái đầy nhà. Nhưng Vàng Thị Cầu không nản, cũng không thấy ngại ngùng, xấu hổ mà vô cùng hạnh phúc vì cuối cùng cũng đã thực hiện được ước mơ của mình. Lớp học khi ấy có 8 người song rơi rụng dần, cuối cùng chỉ còn lại mình Vàng Thị Cầu. Nhưng chị vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng với khát vọng học để thoát nghèo. Ngay từ những năm tháng ấy, trong tâm trí chị đã luôn day dứt với những câu hỏi: Tại sao phụ nữ ở quê mình không được đi học đến hết cấp 2, cấp 3 mà cứ đến 14-15 tuổi là nhất loạt nghỉ ở nhà, cuộc sống chỉ biết quẩn quanh với vườn tược con cái? Sao phụ nữ không thể phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội như đàn ông?

Vì học muộn nên Vàng Thị Cầu phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 so người khác. Sau bốn năm miệt mài đèn sách, đến năm 1994 chị đã hoàn thành chương trình học THPT. Chưa bằng lòng dừng lại ở đó, năm 1995 chị đăng ký theo học chương trình 9+1, rồi học cao đẳng, học liên thông lên đại học sư phạm. Đến năm 2013 chị vinh dự nhận tấm bằng cử nhân sư phạm, khoa mầm non. Để đạt được kết quả này, khó ai có thể hình dung những khó khăn, thử thách mà chị đã tìm mọi cách để vượt qua. Hẳn cánh lái xe khách tuyến Hà Giang - Hà Nội ngày ấy khó có thể quên được một phụ nữ H’Mông bé nhỏ cứ tối thứ 6 lại bắt xe về Hà Nội học và trở lại Hà Giang vào đêm chủ nhật. Được chồng động viên, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, chị tiếp tục theo học văn bằng 2 chuyên ngành lịch sử Đảng. Chị thích thú nhớ lại: “Mình rất thích học nên thường tận dụng các buổi tối để học và nghiên cứu thêm. Các con mình trêu vậy là chúng con học, mẹ cũng học, cả nhà mình cùng học”.

Khát vọng xóa đói, giảm nghèo từ nghề dệt truyền thống

“Ở quê tôi địa hình toàn đá, không có nước, không có nương. Thời gian giáp hạt kéo dài đến 6 tháng, người dân tìm mọi cách để xoay xở qua ngày. Mèn mén là món ăn quen thuộc với người dân nơi đây, nhưng ăn nhiều thì xót ruột, sợ lắm” - khuôn mặt chị Vàng Thị Cầu đầy vẻ ưu tư. Thấu hiểu khó khăn, vất vả của đồng bào mình nên khi về nhận công tác tại xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn chị luôn nghĩ bằng mọi cách phải hỗ trợ, giúp đỡ bà con, nhất là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tìm được việc làm, thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo.

Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thế mạnh của địa phương, chị ấp ủ thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất lanh. Bởi lẽ tại huyện Đồng Văn đồng bào H’Mông chiếm đa số. Bà con nơi đây chủ yếu sử dụng lanh trắng để may trang phục. May mắn là từ nhỏ Vàng Thị Cầu đã được mẹ hướng dẫn nên thành thạo mọi công đoạn từ trồng, chăm sóc cây lanh đến thu hoạch sợi, dệt vải, tạo mầu… Vàng Thị Cầu tin rằng sử dụng giống cây bản địa và nghề truyền thống dệt vải lanh của bà con, góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa của người H’Mông là hướng đi đúng đắn nên quyết tâm theo đuổi. Ngày 23/11/2017, Hợp tác xã Lanh trắng chính thức thành lập với 10 thành viên sáng lập. Nhờ nguồn vốn vay từ Chương trình 135 cùng với việc sử dụng diện tích đất lên đến 200 ha được UBND huyện Đồng Văn chỉ đạo xuống các xã dùng cho trồng lanh phục vụ sản xuất, Hợp tác xã Lanh trắng đã có những tiền đề vững chắc để phát triển.

Đặc biệt việc cải tiến quy trình nhuộm vải là một bước đột phá của Hợp tác xã. Nếu trước kia vải nhuộm thủ công truyền thống phải qua 70-80 lần với các bước nhúng-giặt-phơi lặp đi lặp lại mới được một cuộn vải, nhưng bây giờ Hợp tác xã sử dụng nhuộm bằng nồi điện, mỗi lần có thể nhuộm được 100 m, vải bền mầu, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho chị em.

Góp phần thay đổi cuộc đời của phụ nữ dân tộc thiểu số

Từ 10 thành viên ban đầu đến nay Hợp tác xã đã thành lập được 7 tổ đội sản xuất đóng tại các xã, tạo được công ăn việc làm cho 125 lao động địa phương. Đáng nói là các chị em tham gia Hơp tác xã hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, là nạn nhân của bạo lực gia đình, có người từng bị lừa bán sang nước ngoài. Từ khi được dạy nghề, có việc làm ổn định tại Hợp tác xã, với mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng, đời sống của các chị em từng bước cải thiện, có tiếng nói trong gia đình và cộng đồng, góp phần bảo đảm quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chị Sùng Thị Si, một trong 10 thành viên sáng lập của Hợp tác xã, từng là nạn nhân của bạo lực gia đình chia sẻ: “Nếu không có chị Vàng Thị Cầu, cuộc sống của gia đình tôi không thể có được như ngày hôm nay”. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của chị Cầu, hiện hai vợ chồng chị Si đều làm tại Hợp tác xã, kinh tế gia đình được cải thiện, không còn cảnh thiếu đói kéo dài, thậm chí phải nợ tiền điện hằng tháng như trước kia.

Không chỉ Sùng Thị Si mà nhiều chị em trên địa bàn huyện Đồng Văn đều coi chị Cầu và Hợp tác xã Lanh trắng là điểm tựa tinh thần cho mình. Tham gia Hợp tác xã, các chị em càng ý thức rõ ràng hơn giá trị của nghề dệt truyền thống có thể giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện Hợp tác xã có tới 70 mẫu mã sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP là túi bản to và vỏ gối vuông. Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, xuất hiện tại nhiều hội chợ thương mại, sản phẩm của Hợp tác xã đã vươn ra thị trường nước ngoài. Năm 2023 doanh thu của Hợp tác xã đạt xấp xỉ 4 tỷ đồng.

Về thành tích cá nhân, năm 2018 tham gia giải thưởng phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, chị Vàng Thị Cầu vinh dự là một trong 3 người đoạt giải xuất sắc toàn quốc. Năm 2019 chị đại diện cho Hợp tác xã đã nhận giải thưởng phát triển thương hiệu Lanh trắng. Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, chị Vàng Thị Cầu mong muốn bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chị cho biết hiện Hợp tác xã có kế hoạch mở rộng sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Việc đẩy mạnh cải tiến trong quá trình sản xuất cũng được các chị em trong Ban lãnh đạo Hợp tác xã chú trọng, như việc cải thiện kích thước vải thô từ 35 cm lên 90 cm đáp ứng nhu cầu của khách trong việc may trang phục hoặc vỏ chăn.

“Điều mong mỏi của tôi không có gì hơn đó là tạo nhiều việc làm cho chị em dân tộc thiểu số, giúp chị em có thu nhập là có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương”. Mong mỏi ấy của chị Vàng Thị Cầu giờ đã trở thành hiện thực. Chị đã thật sự truyền đi ngọn lửa ấm áp, yêu thương nơi vùng biên cương cực bắc của Tổ quốc.