Trong tiếng lòng của một huyền thoại

Không thể nói Bohemian Rhapsody là một bộ phim hay. Nhưng màn trình diễn của Rami Malek - diễn viên 37 tuổi người Mỹ gốc Ai Cập hãy còn khá vô danh (dù đã từng đoạt giải Emmy nhờ loạt phim truyền hình Mr Robot) vẫn xứng đáng được một đề cử Giải Oscar.

Trong tiếng lòng của một huyền thoại

Phiền phức và đa đoan

Ý tưởng làm một bộ phim về ban nhạc Queen đã hình thành từ năm 2010. Và nó mau chóng trở thành một trong những bộ phim… “phiền phức” nhất lịch sử Hollywood. Hai ngôi sao nổi tiếng của nước Anh, Sacha Baron Cohen và Ben Whishaw, đã nhận lời rồi bỏ vai trước khi Rami Malek xuất hiện. Phần kịch bản ban đầu do Peter Morgan đảm nhiệm (khi ấy có tên The Queen, The Crown), nhưng sau khi Cohen bỏ vai thì Morgan cũng rút lại kịch bản của mình. Ban đầu, David Fincher được cho là đã nhận lời, sau đó đến lượt Tom Hooper được xướng tên. Cuối cùng, Bryan Singer mới là đạo diễn chính của dự án.

Khi cơ hội được thủ vai ca sĩ lừng danh Freddie Mercury mở ra, Rami biết mình không được phép bỏ qua. Sau khi ký hợp đồng, hành trình hóa thân thành một trong những huyền thoại lớn nhất của nhạc rock thế giới bắt đầu, và nó vẫn đang tiếp tục nhiều tháng sau khi phim đã đóng máy.

Trước hết, anh phải học vũ đạo thật kỹ, bởi vì trên sân khấu, Freddie di chuyển rất nhiều. Những bước chân thoăn thoắt và động tác đấm tay vào không khí của ông đích thị là từ môn… quyền Anh. Cần nhớ, Freddie sinh ra ở Ấn Độ. Thuở nhỏ, ông thường xuyên bị bạn bè chế nhạo vì hàm răng hô quá cỡ của mình. Freddie tìm niềm vui qua sưu tập tem, âm nhạc và quyền Anh. Rami Malek nói: “Tôi phải tìm hiểu ông ấy ngay thuở còn thơ ấu. Đấy là một cậu bé lớn lên ở Zanzibar với cái tên Farrokh Bulsara, đã luôn chật vật đi tìm nhân dạng của mình. Bị cộng đồng chế nhạo, ông ấy chỉ thật sự được là chính mình khi lên sân khấu”.

Lần đầu đeo hàm răng giả vào miệng, Rami Malek bất giác lấy tay che miệng khi nói chuyện hoặc cười. Và anh hiểu rõ cảm giác bất an của một người luôn mặc cảm về vẻ ngoài xấu xí. Rami bỏ ra hàng tháng trời chỉ để xem đi xem lại tất cả những video về Freddie có được. Anh cũng nghiền ngẫm cuốn sách về chân dung của ngôi sao âm nhạc ấy do Laura Jackson chấp bút.

Hành trình cả cuộc đời Bộ phim có rất nhiều điểm hạn chế. Chẳng hạn như nó không mô tả được tình yêu sâu đậm giữa Freddie và hôn thê của mình, Mary Austin. Xem diễn xuất của cô nàng Lucy Boynton, người ta chẳng hiểu vì sao Freddie lại gọi nàng là “tình yêu của đời”.

Vì một lý do gì đó, Mary không bao giờ trả lời phỏng vấn. Khi đoàn làm phim đưa kịch bản, bà đọc qua, bảo “OK” và không nói gì thêm. Nhưng có lẽ, người ca sĩ vẫn chiếm trọn trái tim và tâm trí bà. Như một tài sản vô giá. Như một thứ tình cảm đã vượt thoát cả tình yêu.

Đấy là người duy nhất Freddie bộc bạch những gì sâu thẳm nhất trong lòng mình. Đấy là người mà ông tin cậy nhất, người hiểu rõ những bí mật sâu thẳm lẫn tăm tối nhất của ông. Người mà vào những phút bất an, ông bất giác lại muốn tựa vào. Người mà khi chết, ông muốn trao lại tro tàn của mình. “Không có Mary Austin, đã không có Freddie Mercury”, Rami nói.

Trong tiếng lòng của một huyền thoại ảnh 1

Hay những bữa tiệc thác loạn, với rượu và ma túy. Trong phim, người ta biến nó thành một thứ tiệc hào nhoáng như của Jay Gatsby. Trên thực tế, Freddie chỉ mời bạn, không mời người lạ. Ông không đời nào muốn người khác bước vào thế giới riêng tư của mình.

Chơi quyền Anh và chạy đường trường khi còn đi học, Freddie có thể lực tuyệt vời và những bước di chuyển của vận động viên trên sân khấu. Nhưng việc khước từ tham gia những môn đồng đội cho thấy nỗi cô đơn của ông. Sau này, nỗi cô đơn ấy càng tăng gấp bội khi ông phát hiện ra giới tính thật của mình và phát hiện ra mình bị AIDS. Ông thường xuyên giam mình trong phòng, với chú mèo Delilah mà sau này ông sẽ dùng để đặt tên cho một bài hát.

Không muốn mình trở thành đề tài đàm tiếu của truyền thông, Freddie giấu xu hướng tính dục. Không muốn những album của nhóm được mua bởi lòng thương hại, Freddie giấu tiệt bệnh tình. Người nghệ sĩ chân chính ấy đã sáng tác đến chết, và hát đến chết. Và mỗi lần lên sân khấu, Freddie lại như một con phượng hoàng rực rỡ, có lúc mạnh mẽ căng tràn sức mạnh, có lúc đẹp và rực rỡ như một nữ hoàng. Suốt một thời gian dài, người ta nhún nhảy gào thét theo Freddie, mà không biết ông đã đào sâu đến đâu ở cái mỏ có tên gọi cô đơn của mình.

Cuốn nhật ký âm thầm

Rami Malek tất nhiên hiểu hết những việc ấy. Nhưng chưa đủ, anh còn phải tìm hiểu thêm về những con người đã tạo nên một Freddie huyền thoại. Đấy là những ca sĩ mà Freddie yêu mến: David Bowie, Jimi Hendrix, Aretha Franklin và Liza Minnelli. Malek nói: “Thỉnh thoảng, tôi nghĩ xem Liza trình diễn cũng hữu dụng không kém gì xem Freddie. Vì ta biết những bước đi trên sân khấu của Freddie được lấy cảm hứng từ đâu”.

Càng tìm hiểu về Freddie, Malek càng yêu, càng nhập tâm và càng muốn đào sâu hơn. Đấy là lý do anh tranh cãi kịch liệt với đạo diễn Bryan Singer ngay trên phim trường, để bảo vệ những quan điểm về Freddie mà anh tin là đúng. Kết quả, Singer giận quá bỏ luôn phim trường, tắt máy điện thoại. Nhà sản xuất đành phải thuê Dexter Fletcher làm nốt phần việc còn lại. Sự kiên quyết, thậm chí quá quắt của Malek cũng là… “sao y bản chính” Freddie Mercury. Sinh thời, Freddie cũng là một người quyết liệt đến độc đoán.

Có một điều Rami Malek muốn mọi người chú ý: ca từ của Freddie. Khi đọc đi đọc lại hàng trăm lần lời những bài hát Freddie viết, Rami nhận ra Freddie thực ra đang viết nhật ký. Rami nói: “Tôi cứ mãi kiếm tìm, trên cao và dưới thấp nhưng sao người ta cứ bảo tôi ngưng lại? Khi lẩm nhẩm lời câu này, tôi đã tự trách: Này Rami, sao mày ngu thế. Người ta đang trải lòng trước mắt mày đó thôi. Freddie đang viết nhật ký đấy!”.

Hãy nghe lại đoạn nhật ký trường thiên tên gọi Bohemian Rhapsody - ca khúc lừng lẫy nhất của Queen, bạn sẽ nghe thấy tiếng lòng Freddie gầm thét. Ca khúc đượt rất nhiều người hâm mộ này kết thúc với hai câu: “Nothing really matters. Nothing really matters to me (Chẳng có gì quan trọng. Chẳng có gì quan trọng với tôi)” ngân dài như bất tận.

Và Rami, cũng như những người hâm mộ khác, nhớ lại rằng Freddie cũng đã từng khẳng định: “Điều quan trọng nhất là sống một đời rực rỡ. Miễn là rực rỡ, dài hay ngắn có còn gì quan trọng nữa”.