Náo nức ngày tiếp quản
Mùa thu tháng 10, tôi chậm chậm chạy xe trên những con phố dịu dìu thơm hương sấu chín. Chợt nhớ đến những gốc sấu cổ thụ đã gần trăm năm tuổi lừng lững như hàng tiêu binh dọc đường từ cổng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vào đến Sở chỉ huy. Cảnh xưa, người cũ dẫu đã thưa vắng đi nhiều…
Với biên chế bao gồm ba trung đoàn: Trung đoàn 600 bảo vệ T.Ư Đảng, Bác Hồ, Chính phủ; Trung đoàn 254 bảo vệ Thủ đô và Trung đoàn 94 bảo vệ khu vực Hải Phòng…, Sư đoàn 350 là một trong những sư đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong ký ức của Thiếu tướng Tạ Đình Hiểu, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 600, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, tên Tiểu đoàn 600 cũng là do Bác Hồ đặt trong những tháng ngày Bác làm việc tại An toàn khu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bác cùng các cơ quan T.Ư, Chính phủ chuyển về tiếp quản Thủ đô. Theo thỏa thuận của Ủy ban liên hợp đình chiến Việt - Pháp, 214 chiến sĩ quân đội và 104 chiến sĩ công an được cấp “giấy ủy nhiệm” tiến vào Hà Nội trước để tiếp quản 35 cơ sở kinh tế, hành chính, quân sự quan trọng từ tay nhà cầm quyền Pháp đề phòng bọn phản động phá hoại trước khi rút khỏi. Những ngày đó, có cảm giác cả Hà Nội không ngủ, các lực lượng thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi… thức trắng đêm cùng đoàn cán bộ dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị cờ hoa khẩu hiệu, để đến ngày trọng đại, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường. Nhân dân Thủ đô hân hoan hô vang khẩu hiệu: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”…
Đại tá Phùng Đức Thọ, nguyên Giảng viên trường Sĩ quan Lục quân, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 254 kể lại: Ngày 10-10-1954, ông cùng Trung đoàn nhận nhiệm vụ chiếm lĩnh khu vực phía đông thành phố, đóng quân tại Đồn Thủy (trụ sở Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay ở số 1 Đinh Công Tráng), nguyên là doanh trại pháo binh cũ của địch. Nhiệm vụ hằng ngày của các chiến sĩ trong trung đoàn là tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các địa điểm quan trọng như Nhà hát Lớn Hà Nội, cầu Long Biên, Bộ Tài chính, Nhà máy điện Yên Phụ…
Khi tiếp quản Đồn Thủy cùng các công trình quan trọng khác, các chiến sĩ của ta rất có ý thức bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị để các cơ quan có thể hoạt động bình thường ngay sau ngày tiếp quản. Để bảo vệ nhà máy điện, các chiến sĩ đề cao tinh thần cảnh giác, rà soát kỹ lưỡng việc ra vào nhà máy, tuần tra khu vực chung quanh và tiếp cận, bảo vệ cẩn mật lò hơi, tổ máy phát điện... Bộ đội ta đi tuần các đường phố chung quanh và vận động tuyên truyền cho nhân dân trong khu vực nắm được các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ đối với vùng mới giải phóng, đồng thời bám nắm tình hình để bảo vệ mục tiêu.
Chúng tôi đi tìm ký ức của triệu người trong ký ức của một người: Ông Vũ Đức Bạo, chiến sĩ Sư đoàn 350 đã bồi hồi nhắc đến những giây phút đáng nhớ của cuộc đời ông tại buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử. “Khi đó tôi mới 19 tuổi, vừa trốn nhà đi Việt Minh được hơn một năm. Ngày 9-10-1954, chúng tôi hành quân suốt đêm từ Thường Tín (Hà Nội) về sân bay Bạch Mai. Lúc đó chỉ có bộ quân phục “đại quân” trên người, còn thì đi chân đất, thắt lưng dây đay, trang bị vũ khí thô sơ. Vừa vào tới cửa ngõ Thủ đô, nhân dân, nhất là các em nhỏ ùa tới ôm lấy các anh bộ đội. Ngày đi, Thủ đô còn bị chiếm đóng, đến giờ đã giải phóng rồi! Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là tuần hành bảo vệ 36 phố phường. Tôi đi suốt ngày đêm giữa những khu phố cổ, đi không biết mệt với ý nghĩ trong đầu Thủ đô đã có chủ quyền, đã sạch bóng quân thù”, ông nhớ lại.
Trọng trách lính biên phòng
Còn cố đại tá Nguyễn Ngọc Châu, nguyên Chính ủy Trung đoàn 600, Cục trưởng Chính trị Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, đã có lần tâm sự với chúng tôi về những ngày tháng ấy: “Ngày 14-10-1954, chúng tôi bảo vệ Bác từ thị xã Sơn Tây về Hà Nội. Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt bao người chúng tôi gặp trên đường về hôm ấy. Những ngày đầu tiếp quản, Thủ đô đỏ rực cờ hoa, khẩu hiệu, nhân dân đổ ra đường hân hoan chào đón Bác. Tôi nhìn Bác và cảm thấy từ người cha giản dị ấy đang tỏa ra một vòng hào quang, soi tỏ cho chúng tôi và lớp lớp quần chúng đang reo hò phía trước. Sau lễ mít-tinh tại quảng trường Ba Đình, chúng tôi đưa Bác về nghỉ và làm việc tại một căn nhà trong khu vực nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108) do anh em ởTrung đoàn 245 tiếp quản từ trước”.
Thời điểm đó, Đảng và Chính phủ nhận định rằng, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở Thủ đô Hà Nội sẽ hết sức phức tạp trước những âm mưu phá hoại của bọn phản động tay sai và các đảng phái bất đồng. Chúng thậm chí sẵn sàng tìm cơ hội để ám sát lãnh tụ, phá hoại các công trình trọng yếu nhằm gây khó khăn cho ta trong việc điều hành tại các trụ sở mới. Song dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, quân đội và công an, những chiến sĩ của Sư đoàn 350 đã phối hợp tốt với các lực lượng bảo vệ an toàn Bác Hồ và Trung ương Đảng, bảo vệ tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị, quốc phòng trọng yếu của Thủ đô.
Năm 1959, căn cứ vào tình hình miền bắc giai đoạn này, trong Nghị quyết 58/NQ -TW, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang, trong đó bao gồm một số nội dung như: Bảo vệ các cơ quan đầu não, các lãnh tụ của Đảng và nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các lãnh tụ quốc tế và các vị khách nước ngoài; bảo vệ các công xưởng, hầm mỏ, kho tàng, các trung tâm thông tin liên lạc, các trục đường giao thông, cơ sở văn hóa, khoa học kỹ thuật quan trọng; bảo vệ an ninh Thủ đô, các cuộc mít-tinh lớn; canh gác trại giam… Sư đoàn 350 và Trung đoàn 600 được chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang.
Vậy là một địa bàn bảo vệ rộng lớn, phức tạp trải dài từ vùng mỏ Đông Bắc, khu gang thép Thái Nguyên, các nhà máy điện Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Vinh, khu công nghiệp Việt Trì… đến các cơ quan T.Ư Đảng, các nhà khách quốc tế, cơ quan ngoại giao tại Thủ đô… đã luôn có sự túc trực ngày đêm của hàng nghìn chiến sĩ quân hàm xanh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp.
Khu vực Đồn Thủy nơi Trung đoàn 245 tiếp quản từ những ngày đầu giải phóng Thủ đô đã trở thành cơ quan Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Truyền thống bất khuất, kiên trung qua nhiều thế hệ được bồi đắp thêm trong những trang sử vàng của lực lượng Bộ đội Biên phòng hôm nay.