Trở lại xưa, để vun đắp ngày nay

Một câu chuyện của giới sân khấu trẻ khá đáng chú ý, là vở kịch mang tên “Ngày xưa” do Xưởng kịch và Nghệ thuật ATH (số 12, ngách 123/1 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) phối hợp Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00

Tóm tắt nội dung của vở kịch này gồm có ba sự tích dân gian được chuyển thể nội dung là: Sự tích “Thần trụ trời”; sự tích “Con rồng cháu tiên, cội nguồn dân tộc Việt” và “Sự tích trầu cau”. Vở diễn chuyển thể này là hướng đến sự giao thoa ngôn ngữ, truyền thống âm nhạc và các góc nhìn thẩm mỹ đương đại trước việc thưởng thức cho mọi độ tuổi.

Một sự kiện khác, cũng vừa diễn ra cuối tuần qua, nhưng rất đáng điểm lại vì kết quả của nó là vừa kỷ niệm “ngày xưa”, nhưng cũng là hướng tới những ước vọng tươi đẹp cho ngày nay. Đó là Liên Chi hội Nhà báo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức giao lưu, tọa đàm tri ân các nhà báo - liệt sĩ với chủ đề “Màu ký ức”. Cho đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã lưu giữ được hơn 35 nghìn tài liệu, hiện vật quý giá qua các thời kỳ của nền báo chí nước nhà. Trong đó, nhiều hiện vật của những nhà báo - chiến sĩ đã từng xông pha trên chiến trường giữa mưa bom bão đạn; nhiều người đã đổ máu, đã hy sinh trên con đường đưa thông tin, hình ảnh đến với độc giả.

Cũng liên quan đến việc viết và đọc, thì Ban quản lý Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa ra thông tin trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của các gian hàng tại đây đạt gần 29 tỷ đồng, tổng số sách bán ra đạt 340.321 cuốn. Ngoài việc giao dịch, bán lẻ trực tiếp tại các gian hàng chiếm 57%, thì việc bán lẻ online chiếm 21%, bán sỉ 22%... đều thấp hơn những con số của cùng kỳ năm trước. Theo Ban quản lý của Đường sách cho biết, thì sự suy giảm này không do ảnh hưởng của nền kinh tế, mà một nguyên nhân khách quan quan trọng là người đọc ngày càng có yêu cầu cao hơn cho việc lựa chọn sách. Khi có nhiều cách khác để thẩm thấu sách thay cho việc đọc sách giấy, như sách nói, sách điện tử, trợ lý ảo…

Nhắc đến việc mong muốn tạo ra không gian mới, thúc đẩy văn hóa đọc và viết cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên, thì một sự kiện không quá lớn lao, nhưng rất đáng chú ý, để một số địa phương khác cần học tập noi theo, vun đắp tình yêu văn học nghệ thuật cho thế hệ măng non. Đó là ngày 18/7 vừa qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tiếp Trại bồi dưỡng sáng tác Văn học nghệ thuật mang tên “Hương rừng” năm 2024. Tham gia trại có 36 em học sinh từ các trường tiểu học, THCS, THPT ở Đắk Lắk. Trại năm 2024 có nhiều hoạt động bổ ích, ngoài việc hướng dẫn sáng tác văn xuôi, thơ; tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc dân gian, cho các “tài năng nhí”, các trại viên nhỏ này còn được tham quan Vườn Quốc gia Yok Đôn và giao lưu với nhiều đơn vị, cơ sở khác... Đặc biệt, lần đầu tiên trại có chương trình bồi dưỡng hội họa.