Chuyên đề: Nghị quyết 33, tiếp tục khơi dậy sức mạnh văn hóa

Tiếp tục khơi dòng cho văn nghệ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Du khách trải nghiệm tại nhà dài ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HOA
Du khách trải nghiệm tại nhà dài ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HOA

Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của sự nghiệp đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vị trí và vai trò của văn hóa. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) đã có những chuyển biến tích cực. Ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 84 -KL/TW, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Để tiếp tục và xây dựng, phát triển VHNT nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân, đưa VHNT trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người, xin được đề xuất một số nội dung sau:

Tiếp tục quan tâm quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, VHNT; nhất là những mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc gắn với hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong công việc này, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực VHNT.

Để hướng về những bước triển khai cụ thể, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội VHNT. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình VHNT. Coi trọng sáng tác các tác phẩm, sản xuất các chương trình văn hóa, văn nghệ giàu tính nhân văn, khoa học để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân.

Thực hiện được điều này, rất cần lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí và điều kiện vật chất để Hội VHNT tỉnh, thành phố phát triển hơn nữa; thực hiện hiệu quả việc đưa VHNT vào đời sống; về với vùng sâu vùng xa... Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tài năng VHNT, nhất là văn nghệ sĩ trẻ, văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số; tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác VHNT giữa các tỉnh, thành phố, các khu vực trong cả nước; thúc đẩy, khuyến khích các chương trình, hoạt động sáng tác VHNT ở nhiều lĩnh vực, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch, kinh tế và xã hội của các địa phương trong giai đoạn mới. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh việc quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước; đề tài biển đảo và đoàn kết các dân tộc...