Tự hào hai chữ “Việt Nam” nơi biên cương xứ Lạng

Trên Quốc lộ 1A, đường ra cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng, Cao Lộc (Lạng Sơn), có tấm bia, dựng trên sườn đồi, từ bao đời nay. Người dân tự hào gọi là bia ”Thủy Môn Đình”, một trong những tấm bia đầu tiên nêu quốc hiệu “Việt Nam”.
Tấm bia Thủy Môn Đình.
Tấm bia Thủy Môn Đình.

Nội dung tấm bia ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên vùng biên ải và ghi nhận những tấm lòng của các bậc hiền nhân, dòng họ, đã có công bảo vệ bờ cõi, biên cương của Tổ quốc… Lược ghi: “Yếu hầu Việt Nam/Ải quan trấn bắc/Vách đá lớp lớp/Phiên giới châu văn/Đồng Đăng linh ấp.../Dân yên vật lắm/Quốc mạnh vững bền…”.

Theo TS Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, bia Thủy Môn Đình là tư liệu lịch sử vô cùng quý giá và có ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ nước ta ở nơi địa đầu Tổ quốc, được phát hiện vào tháng 4/1991 tại sườn đồi Phja Mạt, thuộc khu vườn Sái thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Bia do Đô tổng binh sứ tỳ bắc quân Đô đốc phủ hữu Đô đốc thao quận công Nguyễn Đình Lộc, được giao trọng trách coi giữ vùng biên giới Lạng Sơn và tiếp đón sứ thần của hai nước Việt Nam-Trung Quốc lúc bấy giờ, hưng công xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670, đời Vua Lê Huyền Tông) tại đình Thủy Môn nên gọi là Thủy Môn Đình.

Đặc biệt trong văn bia có câu:”Việt Nam hầu liệt, trấn bắc ải quan”, nghĩa là: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương bắc. Hai chữ “Việt Nam” xuất hiện trang trọng ngay ở phần đầu tấm bia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mặt khác, đây là lần đầu tiên một tấm bia biên giới khẳng định rõ ràng vùng đất Lạng Sơn xưa là cửa ngõ, yết hầu của nước Việt Nam và là ải trấn giữ phương bắc.

Ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 53/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia đợt 3 đối với 12 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có bia Thủy Môn Đình. Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, một trong 79 bảo vật quốc gia của đất nước. Bia Thủy Môn Đình xứng đáng là niềm tự hào lớn của di sản văn hóa xứ Lạng.