Khơi dậy sức mạnh văn hóa

“Sắc chàm” trong tranh thầy giáo họa sĩ

Là thầy giáo, họa sĩ vùng cao dạy môn mỹ thuật tại Trường THCS Bắc Kạn, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn từ năm 2001, thầy giáo Trần Giang Nam có nhiều sáng tác tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ về đề tài miền núi được giải thưởng của Trung ương và địa phương.
Thầy giáo, họa sĩ Trần Giang Nam và các em học sinh trong một buổi học vẽ.
Thầy giáo, họa sĩ Trần Giang Nam và các em học sinh trong một buổi học vẽ.

Nhớ mãi lời dặn của đồng chí Tổng Bí thư

Năm 2018, thầy giáo, họa sĩ Trần Giang Nam vinh dự được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn là một trong 5 đại diện tham gia đoàn đại biểu trí thức văn nghệ sĩ toàn quốc đến tham dự buổi gặp, nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại Văn phòng Trung ương Đảng. Lời dặn của Tổng Bí thư theo anh suốt chặng đường giảng dạy mỹ thuật và sáng tác tranh cho đến bây giờ.

Hôm đó 7/2/2018, 8 giờ, anh cùng 150 văn nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực, đa số đều là những “đấng, bậc” cao niên, có nhiều thành tựu. Thầy giáo Trần Giang Nam ít tuổi nhất, dáng người lại nhỏ nên nhìn anh càng trẻ hơn nhiều so tuổi Mậu Ngọ 1978. Đúng 9 giờ, bác Nguyễn Phú Trọng với bộ comple mầu ghi đã cũ, thắt cà vạt mầu đỏ, đeo cặp kính trắng và mái đầu bạc trắng bước vào phòng họp với nét mặt tươi cười, phấn khởi giơ tay chào mọi người. Tất cả các đại biểu đang ngồi đều đứng dậy, ai nấy tươi cười rạng rỡ chào bác Tổng Bí thư. Suốt buổi nói chuyện khoảng 2 tiếng đồng hồ, với tác phong trang nghiêm chuẩn mực, giọng nói ấm áp, gần gũi, tình cảm, Tổng Bí thư đề cập nhiều nội dung, trong đó Trần Giang Nam nhớ nhất là bác luôn căn dặn trí thức văn nghệ sĩ tập trung vào công việc sáng tạo, xây dựng văn hóa và phải luôn chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bác nhấn mạnh nhiều lần: Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất.

Từ sau khi ra trường năm 2000 đến năm 2018, anh đã 5 lần nhận giấy khen và một lần giành giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, Trần Giang Nam tham dự và giành 11 giải thưởng ở các triển lãm tranh khu vực và toàn quốc với các tác phẩm về bản sắc văn hóa của người vùng cao. Còn nhớ ngày 5/7/2022, khi chúng tôi được thầy giáo, họa sĩ mời tham dự triển lãm cá nhân “Sắc Chàm” lần thứ III của anh ở tầng 3, Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trần Giang Nam tâm sự: Tôi nhớ mãi lời căn dặn của Tổng Bí thư trong lần gặp mặt, nói chuyện năm 2018, phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lần được gặp đồng chí Tổng Bí thư đã thật sự là bước chuyển biến lớn trong tư tưởng, tình cảm và xu hướng sáng tác của tôi.

“Sắc chàm” trong tranh thầy giáo họa sĩ ảnh 1

Học sinh CLB Mỹ thuật vẽ tranh trong khuôn viên nhà trường.

“Sắc chàm” thấm dần trong tâm hồn thơ trẻ

Trần Giang Nam vốn nguyên quán xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhưng được sinh ra ở xã Mỹ Tranh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nên anh coi tỉnh miền núi này là quê hương thứ hai của mình. Năm 1997, khi học xong THPT, anh thi vào khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên với mong muốn được làm thầy giáo, họa sĩ khắc họa và lan tỏa “màu dân tộc” của quê hương mình.

Ra trường năm 2000, khi ngành giáo dục mới đưa môn nhạc, họa vào giảng dạy, các trường phổ thông đều thiếu giáo viên, Trần Giang Nam về Bắc Kạn giảng dạy môn Mỹ thuật tại Trường tiểu học và THCS Xuất Hóa và đến 2012 về Trường THCS Bắc Kạn, TP Bắc Kạn. Tiếng là trường nằm ở trung tâm thành phố, nhưng gần ngay đó có trường dân tộc nội trú. Mỗi ngày nhìn các em học sinh mặc trang phục dân tộc với đủ sắc mầu quen thuộc, trong đó nổi bật nhất với anh là sắc chàm xanh, Trần Giang Nam càng suy nghĩ: Phải làm sao gìn giữ, lan tỏa tình yêu với sắc chàm ấy đến với mọi người. Mỗi ngày, thầy Nam lên lớp dạy kỹ năng hội họa cho các em học sinh tiểu học và THCS. Thầy Nam còn đề xuất thành lập Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật trong nhà trường do anh làm chủ nhiệm. Từ năm 2019 đến nay, CLB có rất đông thành viên, hoạt động thường xuyên, khơi gợi trong các em học sinh niềm đam mê sáng tạo, với các bức tranh về các đề tài khác nhau, khắc họa bản sắc văn hóa miền núi. Nào là ánh lửa hoa mộc miên, hoa chuối rừng rực đỏ trên các bờ suối, triền sông; nào là kiến trúc nhà sàn từ 24, đến 36 và tới 54 cột với 9 bậc cầu thang chờ đợi; nào là trang phục mầu nâu gụ, mầu chàm, mầu đỏ với các họa tiết hoa văn sặc sỡ; nào là các công cụ, nông cụ tiêu biểu về văn hóa, tín ngưỡng, nếp sống của đồng bào…

CLB dưới sự hướng dẫn của thầy Nam đã “tranh hóa” toàn bộ những bức tường bao xanh rêu ẩm mốc của nhà trường. Em Lê Quỳnh Trang, học sinh lớp 9A6, cho biết: Thầy Nam dạy chúng em vẽ kín tranh chung quanh tường bao nhà trường thành không gian “xanh-sạch-đẹp”. Ai đến trường cũng khen. Em rất yêu thích môn vẽ, mong muốn mai sau cũng làm giáo viên dạy vẽ như thầy. Cô Nguyễn Thị Thái Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thầy Nam là một giáo viên tâm huyết. Thầy đam mê sáng tác về đề tài gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người miền núi và đã tham gia nhiều triển lãm tranh của Trung ương và địa phương, khơi nguồn cảm hứng học tập, sáng tạo của các em học sinh nhà trường và đồng nghiệp chúng tôi.

Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bắc Kạn Nguyễn Quốc Vinh, CLB Mỹ thuật của thầy giáo Trần Giang Nam đã lan tỏa tình yêu hội họa đến nhiều trường, tạo thành phong trào học tập phát huy năng khiếu bộ môn theo hướng tích cực hứng khởi của chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018.

Lan tỏa bản sắc vùng cao

Tác phẩm khắc gỗ mầu “Trăng Kim Hỷ”, 72 x 160 cm, đạt Giải A Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm khu vực III, Tây Bắc - Việt Bắc, năm 2018 và giải 3 Hội Mỹ thuật Việt Nam của thầy giáo, họa sĩ Trần Giang Nam hiện được sưu tập bản số 1 ở Hội Mỹ thuật Việt Nam; bản số 2 trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Càng hiểu tình yêu và nỗ lực sáng tạo, lan tỏa bản sắc văn hóa vùng cao của họa sĩ Trần Giang Nam.

Chị Nguyễn Thị Ben, người dân tộc Tày, ở xã Kim Hỷ, Na Rì, Bắc Kạn nói: Em rất mừng khi tác phẩm vẽ nét đẹp quê em “Trăng Kim Hỷ” của thầy giáo, họa sĩ Trần Giang Nam đạt giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2018. Thầy giáo Trần Giang Nam thường đến đây vẽ nét đẹp văn hóa của người dân quê em. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam có dịp cảm nhận: Tranh của Trần Giang Nam thường có những phát hiện mới, sáng tạo về văn hóa miền núi, của các họa sĩ Bắc Kạn với những gam mầu sáng tối của nếp nhà sàn dưới ánh trăng khuya.

Cuối tháng 7 vừa qua, với triển lãm “Sắc chàm” lần thứ tư, thầy giáo, họa sĩ Trần Giang Nam cùng nhóm họa sĩ vùng cao tiếp tục đưa bản sắc văn hóa dân tộc của người vùng cao về với Thủ đô Hà Nội. Trần Giang Nam cho biết: Mong muốn của tôi là thông qua sáng tác và các cuộc triển lãm tranh khắc gỗ đề tài vùng cao, sẽ lan tỏa nhiều hơn tình yêu nghệ thuật bản sắc văn hóa dân tộc của người miền núi qua các tác phẩm đến với mọi người. Đam mê phát hiện, sáng tạo văn hóa nghệ thuật, gìn giữ, phát huy nét văn hóa độc đáo của người miền núi nhưng tôi không quên vai trò là thầy giáo dạy học. Tôi tin rằng các sáng tác tranh và tổ chức CLB dạy vẽ sẽ truyền cảm hứng sáng tạo về vẻ đẹp của văn hóa vùng cao cho thế hệ trẻ đi sau và lan tỏa tới mọi miền Tổ quốc, gìn giữ bản sắc văn hóa ấy đến muôn đời sau.

Trong nhiều thành quả của thầy giáo, họa sĩ Trần Giang Nam những năm qua, có Giải B giải thưởng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, năm 2019 cho tranh khắc gỗ mầu “Đêm trăng Ba Bể”; Giải nhất cuộc thi sáng tác logo vùng cách mạng ATK Chợ Đồn 2021 với tranh khắc gỗ mầu “Sắc chàm”; Giải C Triển lãm mỹ thuật khu vực III, Tây Bắc-Việt Bắc năm 2022 - tranh khắc gỗ mầu “Khâu Đấng” (Chuyện tình Ngô, Khoai, Sắn); Giải C giải thưởng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2022 cho bộ tranh khắc gỗ mầu “Ký ức về những chiếc khăn”…