1/Bình Định là mảnh đất có chiều sâu văn hóa. Nơi đây từng có di tích của thành Đồ Bàn và các tháp Chăm độc đáo. Đây cũng là nơi ghi dấu ấn của nhiều anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, trong đó có Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngoài ra, có thể kể đến các danh nhân như Trần Đức Hòa, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đăng Lâm, Phạm Ngọc Thạch, Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Diệp Trường Phát…
Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phải nhắc đến tên tuổi của danh nhân Đào Duy Từ (1572-1634), quân sư của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Cùng với đó, còn có những tên tuổi như Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ, Phạm Văn Ký, Nguyễn Mộng Giác, Võ Sỹ Thừa… tạo nên hồn cốt một cõi “trời văn” bề thế. Do vậy, cũng không có gì là lạ khi nơi đây còn nổi tiếng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng như hát bài chòi, hát bội (tuồng), nhạc võ (trống trận) Tây Sơn, hò bá trạo (còn gọi là bả trạo) của cư dân vùng biển với các lễ hội mang sắc mầu đa dạng.
Nhắc đến Bình Định, không thể không nhắc đến một đặc sản riêng có của vùng đất này, đó là truyền thống võ học đã đi vào ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”. Thời gian qua địa phương cũng đã phối hợp với các đơn vị điện ảnh để cho ra đời nhiều bộ phim lịch sử cổ trang kể về lịch sử hào hùng của anh em nhà Tây Sơn như: “Tây Sơn hào kiệt”, đạo diễn Lý Huỳnh, “Hoàng đế Quang Trung - bước ra từ lịch sử”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Long… Nhiều giai thoại lịch sử được phục dựng với các kỹ xảo điện ảnh đặc sắc qua các tập phim như: “Dân là gốc”, “Cải cách xã hội”, “Trọng dụng nhân tài”, “Quốc gia Biển”, “Hội nhập”… Từ đó giới thiệu đến với mọi người về truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và đặc biệt lồng ghép lan tỏa Võ cổ truyền dân tộc nói chung và Võ cổ truyền Bình Định nói riêng đến với cộng đồng thế giới.
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, Hội đã nhìn thấy điều này và mong muốn ở Việt Nam có một làng sinh thái điện ảnh, một hệ thống trường quay để có thể cùng với truyền hình cả nước và nước ngoài đến với Việt Nam. Từ đó trở thành điểm kích cầu cho du lịch, điểm nhấn cho mỗi địa phương. “Bình Định được coi là trời văn, đất võ, là nơi có nhiều tiềm năng với núi, biển, đồng bằng, ghềnh đá, đảo, cùng với các di sản văn hóa đặc sắc, kể cả làng nghề. Do vậy, không có cớ gì mà Bình Định không phát triển được điện ảnh, du lịch và các nền tảng văn hóa xã hội khác, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ mở tất cả cửa thông tin để đưa các đoàn phim quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, trong đó có Quy Nhơn, Bình Định”, ông nói.
2/Theo TS Hà Thanh Vân, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thành phố Quy Nhơn hoàn toàn có thể trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực văn học dựa trên một truyền thống văn chương sâu dày, với những tên tuổi lớn trong quá khứ và những hoạt động sôi nổi ở hiện tại. Khi đó thì danh tiếng của một thành phố sáng tạo sẽ thu hút khách du lịch với loại hình du lịch văn hóa. Một thí dụ cụ thể là khu mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử với bệnh viện phong Quy Hòa đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách đến Bình Định.
Tuy nhiên, Bình Định hiện nay còn thiếu cơ sở hạ tầng dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng như thể thao. Do vậy, cần một khu phức hợp lớn để có thể tổ chức các hoạt động bởi một khu phức hợp nghệ thuật - thể thao sẽ giải quyết được nhiều “bài toán” về phát triển công nghiệp văn hóa.
3/Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, câu chuyện lấy điện ảnh để kích cầu du lịch là việc làm đã được thế giới áp dụng từ lâu nay và rất hiệu quả. Hơn nữa, điện ảnh cũng có thể truyền tải văn hóa, lịch sử, và phong tục địa phương, giúp du khách hiểu rõ hơn về điểm đến và làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch văn hóa, du lịch thể thao. Những sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch tại tỉnh Bình Định với các hạng mục phong phú, dấu ấn chuyên môn sâu đậm, nghệ thuật giải trí đặc sắc, vừa mang tính truyền thống, vừa tiệm cận với các yếu tố hiện đại, hội nhập quốc tế sẽ là động lực để toàn ngành du lịch, điện ảnh, thể thao và tỉnh Bình Định phát huy nội lực, hướng đến đạt mục tiêu ngành du lịch đặt ra năm 2024.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa hiệu quả, cần tiếp tục xây dựng các quy định cụ thể để lượng hóa được chính sách, nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam.