Triển khai hiệu quả kinh tế báo

Nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó trong việc bảo đảm nguồn thu, phát triển kinh tế báo. Thực tế không ít đơn vị đã đối mặt với yêu cầu cắt giảm nhân sự, cũng như thách thức trong việc mở rộng hoạt động của đơn vị. Những chia sẻ giữa các đồng nghiệp từ các báo khác nhau trong bối cảnh hiện tại là những thông tin và kinh nghiệm quý báu, đồng thời cũng hướng đến khả năng liên kết để cùng tiến trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.
Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.

Đường mới phải đi dù chông gai

Nếu trước kia, cụm từ “kinh tế báo” còn được nhắc đến thưa thớt thì mấy năm qua càng được nêu lên, nhấn mạnh nhiều hơn. Cùng với đó là nhiều cách gọi khác gần gũi, như kinh doanh báo chí, hàng hóa thông tin, phát triển nguồn thu cho báo chí, thúc đẩy các hoạt động phi truyền thống…

Điều này xuất phát từ thực trạng khó khăn của báo chí trong khó khăn chung của kinh tế, xã hội do những tác động của dịch bệnh, xung đột vũ trang trên thế giới, do cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội và cạnh tranh lẫn nhau trong hoạt động báo chí, truyền thông. Những năm qua, nhiều cơ quan báo chí ngày càng ý thức rõ hơn và cấp bách hơn về đòi hỏi giữ ổn định và tăng nguồn thu trong cơ chế thị trường nhằm bảo đảm đời sống cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, người lao động; kiên trì thực hiện tôn chỉ mục đích và tiếp tục phát triển.

Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí là một chủ đề được nhiều người quan tâm và chia sẻ thẳng thắn. Đây cũng là dịp trao đổi những kinh nghiệm hay giữa những người làm báo, trên tinh thần học hỏi, sẵn sàng bắt tay để cùng vượt qua tình hình chật vật hiện nay. Đặc biệt, khi mà Luật Báo chí 2016 sắp được sửa đổi, bổ sung, thì vấn đề phát huy những chính sách cho việc phát triển kinh tế báo, đa dạng nguồn thu càng được gióng lên ráo riết.

Một đơn vị đã có những bước đi tự chủ từ vài chục năm trước là báo Tuổi trẻ, vốn từng chịu nhiều áp lực trước yêu cầu phát triển và phục vụ bạn đọc, đã tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm quý. Theo đó, báo đã tìm cách và đa dạng hóa nguồn thu, khai thác các nguồn thu mới. Theo nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, báo đã chia ra các nhóm khách hàng gồm nhóm người mua và đọc báo, nhóm doanh nghiệp là người mua quảng cáo trên giấy và online, cùng với nhóm các cơ quan nhà nước. Trên cơ sở đó, báo có sự chăm sóc, quan tâm phối hợp thích đáng nhất đối với từng nhóm khách hàng này. Ông Toàn nhìn lại, dịch Covid-19 đã làm sụt hệ thống, chuỗi cung ứng, làm cho thói quen bạn đọc thay đổi. Thời gian qua, Tuổi trẻ đã đầu tư mạnh về công nghệ, đây vốn là cái khó với những người quen làm báo giấy. Thói quen đó đã thật sự phải thay đổi để thích ứng với làm báo và phát triển trên nền tảng số.

Bắt tay vào những hoạt động mà trước kia được cho là “ngoài ngạch”, không phải sở trường của người làm báo cũng là công việc mà nhiều báo đã “mày mò” và mạnh dạn thử sức. Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập báo Giao thông nói về những việc làm của đơn vị mình - một tờ báo ngành. Đó là bên cạnh việc làm tốt nhất những gì mình có thể và đặt mục tiêu tốt lên từng ngày thì báo đã mở rộng khả năng trên những đầu việc khác nhau, thí dụ như ngoài phát triển quảng cáo, báo còn chú trọng phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm. Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người lao động cũng nhắc lại việc trước kia khi tổ chức sự kiện, thí dụ như trao giải Mai vàng, giải thưởng góp phần lan tỏa “thương hiệu Người lao động”, báo phải thuê công ty truyền thông, rất tốn kém. Nhưng rồi chúng tôi đã tự làm, vừa làm vừa học, ông Tuân nói. Ông cũng nói đến thử nghiệm đọc báo trả tiền với phiên bản trên môi trường số và cho biết, Người lao động đã đạt hơn 30 nghìn tài khoản đăng ký. Ngoài những thông tin xuất bản online phổ biến miễn phí, bạn đọc có nhu cầu sẽ đóng phí để đọc những bài viết sâu hơn. Ai đăng ký đọc nhiều thì khoản phí sẽ giảm xuống. Ông Tuân nhấn mạnh: Lãi chưa cao nhưng chúng tôi chưa hề lỗ!

Theo đại diện báo Thanh Niên, nhằm tạo thuận lợi hơn cho báo chí tác nghiệp ở các địa phương, cần giải quyết tình trạng tránh né, thậm chí gây khó cho nhà báo, phóng viên khi phản ánh, phản biện, nêu lên những bất cập, tiêu cực. Các địa phương cần thực hiện tốt hơn cơ chế phối hợp với báo chí, cụ thể như đặt hàng báo chí phản ánh tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương; ghi nhận đối với đội ngũ nhà báo, phóng viên trong công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đó đều là những động thái tích cực thúc đẩy sự đồng hành của báo chí với xã hội, đồng thời khai thác nguồn lực địa phương, xã hội để “nuôi dưỡng” hoạt động chính đáng, lành mạnh của đơn vị báo chí.

Mong bắt tay để cùng vượt khó

Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cách làm của đơn vị mình, tinh thần chung của nhiều người làm báo là hướng đến làm đối tác với nhau chứ không phải là đối thủ; cần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan báo chí vì lợi ích chung, chia sẻ tài nguyên thông tin, chia sẻ bạn đọc và tạo nên những tổ hợp thông tin lớn cũng như thu hút một lượng đông đảo các thành phần bạn đọc.

Tất nhiên ý tưởng mang tính lý tưởng này không dễ thực hiện sớm trong bối cảnh nhiều báo với đặc thù lĩnh vực chuyên môn, cơ quan chủ quản và đội ngũ nhân sự của mình, đều đang gặp những khó khăn, trở ngại nhất định trong việc mở rộng thị trường phát hành, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, ứng dụng công nghệ… Cũng như năng lực, tiềm lực của mỗi báo lại có những khoảng cách khác nhau. Và thực tế, không khỏi vẫn còn những đơn vị báo chí hay người làm báo có những lúc hành nghề thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề báo. Trong những trường hợp như thế, việc hợp tác để cùng phát triển các điều kiện tăng trưởng kinh tế báo sẽ khó bền cũng như khó đạt được sự chia sẻ trách nhiệm giữa các bên. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cảnh báo, liên kết website, báo chí để cùng sử dụng thông tin, phải cẩn trọng với những đối tác năng lực kém, chỉ tận dụng để thoải mái “xài đồ” của đồng nghiệp. Ông Lâm nhấn mạnh: Chúng ta còn nể nang nhau nhiều. Cần nâng cao vai trò, vị thế của mình và đấu tranh với những cái hạn chế, những thói xấu.

Cùng với những vấn đề trên, việc nhìn lại thành quả của mình đồng thời cũng là chia sẻ băn khoăn để gửi đến cơ quan chức năng. Theo đó, mặc dù có hình thức kinh doanh sản phẩm là bán báo và có thể có nguồn thu từ quảng cáo…, nhưng báo chí sẽ gặp khó khăn khi bị áp thuế theo hình thức là một doanh nghiệp. Bởi không nên coi đây là kinh doanh hoàn toàn vì mục đích thương mại mà có mục tiêu vì lợi ích xã hội, cho nên ý nghĩa nhân văn, vì cộng đồng của báo chí phải được ghi nhận. Đặc biệt là trách nhiệm tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến toàn dân. Chính vì thế, cần có miễn, giảm hoặc ưu đãi thỏa đáng nếu nhìn nhận hoạt động báo chí từ góc độ kinh doanh. Cũng như theo nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga, cần thúc đẩy hình thức đặt hàng chính sách với báo chí nhằm góp phần tăng nguồn thu cũng như nâng cao trách nhiệm báo chí với việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, bám sát đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Đa dạng hóa nguồn thu báo chí, vấn đề “sát sườn” này đang tiếp tục nhận được những gợi mở cũng như đề xuất cân nhắc, tính toán phù hợp cho việc đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế báo. Thí dụ như cần sự đối thoại giữa các báo với các mạng xã hội đang có ảnh hưởng ở Việt Nam và đàm phán về quyền lợi, nghĩa vụ khi mạng xã hội khai thác nguồn tin từ báo chí; thúc đẩy kết nối các hệ sinh thái thanh toán số với hệ sinh thái báo chí nhằm tăng sự hiện diện của sản phẩm báo chí trên “siêu thị mạng”; tăng cường đấu tranh với “quảng cáo bẩn”, quảng cáo bừa bãi, lộn xộn trên báo chí; có hình thức phát hiện và xử lý kịp thời, thích đáng khi báo chí phát hành có tính phí trên mạng bị ảnh hưởng do vi phạm bản quyền… Điều đáng mừng là dù chưa đến được viễn cảnh hợp tác báo chí hay có hình thức liên minh các cơ quan báo chí trước các đối tác mạng xã hội hoặc quảng cáo nhằm đấu tranh cho lợi ích chung, nhưng sự chia sẻ chân thành và đa dạng thông tin, kinh nghiệm giữa các báo đã được coi như những bước khởi đầu thuận lợi.

Sự thuận lợi đó chính là để hướng tới một hệ sinh thái báo chí khỏe mạnh, lành mạnh, cùng có cơ hội vươn lên, chứ không phải tự thân loay hoay vượt khó như không ít trường hợp hôm qua và hôm nay.