Người Ca Dong thêm lối thoát nghèo nhờ chuối

Hôm ấy là thứ bảy, nhưng đã là lần thứ ba trong tuần, anh Đinh Văn Banh ở xã Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi) mang chuối đến điểm thu mua này để bán cho chị Lê Thị Ánh. Đây không phải là điểm tập kết chuối để chở về xuôi mà là tiêu thụ tại chỗ để làm hàng loạt các sản phẩm như rượu chuối, chuối sấy đóng hộp, chuối lên men, giấm…
0:00 / 0:00
0:00
Điểm thu mua chuối.
Điểm thu mua chuối.

Lâu nay, các rẫy chuối của người Ca Dong, hoặc là bán cho số người Kinh lên đây mua về bỏ mối cho các chợ hoặc là để chín rục trên nương, làm thức ăn cho sóc và chim. Đó là nói trước đây, còn bây giờ có nơi tiêu thụ mà không chê bất cứ buồng chuối nào, miễn là chuối đã già hoặc chín bói trên cây. Còn cân ký thì cân luôn cả cùi chứ không cắt ra từng nải để mua. Đây là điều chưa từng xảy ra với người Ca Dong ở huyện Sơn Tây. Đã có những dấu hiệu hé mở về một lối thoát nghèo cho người Cà Dong sau cây cau, cây keo và cây sắn. Đó chính là cây chuối mốc.

Đứng sau cây cau

Sơn Tây được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cau với khoảng 600 ha cau đã cho quả. Trước đây, người Ca Dong trồng cau theo thói quen, có tính chất trao truyền chứ không phải để kinh doanh mà chủ yếu là để ăn trầu. Mãi cho đến khoảng chục năm trở lại đây, việc xuất khẩu cau tươi sang Trung Quốc ngày càng sôi động khiến cho chốn thâm sơn cùng cốc này nhộn nhịp hẳn. Cây cau bắt đầu có giá, người Ca Dong cũng bắt đầu ý thức hơn về giá trị của nó. Đặc biệt, nhiều đại lý thu mua cau, thay vì chở cau tươi về xuôi để sơ chế, họ hình thành những lò hấp cau dọc theo thị trấn huyện lỵ để sơ chế tại chỗ rồi mới xuất khẩu.

Tuy nhiên, giá cau trồi sụt thất thường, năm được giá, người ta mua tại chỗ 6-70 nghìn đồng/kg nhưng ngay năm sau, có thể rơi xuống 1 nghìn đồng/kg, thậm chí có những năm, cau rụng đầy gốc mà không có người mua khi thị trường Trung Quốc đóng sập cánh cửa nhập khẩu. Chính vì sự phập phù này nên những chủ nhân của hàng trăm ha cau vẫn không thể khá giả bền vững được.

Đúng lúc đó thì cây keo xuất hiện. Có thể nói, đây là địa phương cuối cùng trong tỉnh Quảng Ngãi mà cây keo lai có mặt. Những cánh rừng xác xơ vì chất độc khai quang thời chiến cộng với tình trạng phá rừng lấy gỗ và làm nương rẫy giờ bắt đầu xanh lại. Dọc đường từ địa phận cuối cùng của huyện Sơn Hà lên tận Sơn Tinh, Sơn Mùa, Sơn Bua, đâu đâu cũng thấy những rừng keo xanh tốt.

Những ngôi nhà sàn của người Ca Dong được lợp mái ngói đỏ tươi cũng từ cây keo. Không ít gia đình đã sắm được những chiếc xe máy đắt tiền cũng từ cây keo mà ra. Thị tứ Sơn Tây bây giờ không còn đìu hiu vắng lặng như hơn 10 năm trước. Những thanh niên người Ca Dong đã biết sử dụng internet để đọc báo, cập nhật tin tức thời sự, nhiều người đã học cách chăn nuôi hiện đại, biết trồng trọt và chăm sóc các loại cây theo phương pháp mới mang lại hiệu quả cao thông qua mạng internet được phủ nhiều nơi ở địa phương này.

Có thể nói, cây keo và cây sắn đóng một vai trò không nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của người Ca Dong, nó hỗ trợ tích cực cho nhiều gia đình mỗi khi cau tươi mất giá.

Tuy nhiên, để tìm một hướng đi bền vững cho đồng bào Ca Dong thì vẫn là điều trăn trở của những người lãnh đạo ở huyện vùng cao này. Vì suy cho cùng, cây keo lai hoặc cây sắn cũng chỉ là giải pháp tình thế, phụ thuộc vào “đầu ra” nên giá cả phập phù.

Trên chuối dưới cau

Mô hình “hai tầng” này được anh Đinh Văn Xi ở Tập đoàn 2, Sơn Mùa giải thích: “Lâu nay, mỗi khi trồng cây cau trên một diện tích đất nào đấy, người Ca Dong thường trồng các loại rau đậu hoặc cây ngắn ngày nhưng từ khi có nơi tiêu thụ chuối ổn định, chúng tôi tập trung vào trồng cây chuối xen trong các rẫy cau mới trồng. Những năm đầu, cây chuối “che bóng” cây cau, nhưng đến năm thứ ba, cây cau vượt lên “qua mặt” cây chuối. Nói thì có vẻ hai cây này “cạnh tranh” nhau nhưng thực chất là hỗ trợ cho nhau. Tức là chúng tôi không phải đợi đến khi cau trổ buồng thì mới có cái ăn mà ngay năm đầu, cây chuối đã “nuôi” được đồng bào rồi”.

Anh Xi dẫn chứng: Mỗi kg chuối (kể cả cùi), được đại lý chị Ánh thu mua với giá 3 nghìn đồng, bình quân mỗi buồng chuối cũng được 8-10 kg. Cứ một tuần vài lần, các chủ vườn lại chặt chuối già mang đến cân tại đây. Ít thì vài buồng, nhiều thì cũng 5-7 buồng, tùy theo độ già của chuối. Tuy không nhiều nhưng có đồng ra đồng vào thường xuyên. Điều này khác với cây sắn lẫn cây keo. Cây sắn thì phải một năm mới thu hoạch còn cây keo phải đợi 6-7 năm mới có kết quả. Nhiều người phải “bán non” cho các đại lý thu mua keo để qua ngày, đến khi thu hoạch keo, có người chả còn đồng nào.

Đi dọc vùng Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Bua ra phía Quảng Nam, người dân bắt đầu ý thức về việc trồng và chăm sóc cây chuối trên các rẫy cau. Anh Đinh Văn Tả ở thôn Nước Lang, xã Sơn Dung khoe: “Mình trồng mới một rẫy cau, thay vì trồng đậu như các rẫy cau lâu nay, giờ mình chăm cây chuối. Giờ là một cây, nhưng sang năm, cây chuối mẹ nó đẻ thêm 3 cây chuối con, mình lại có 3 buồng”.

Theo tính toán của những nông dân Ca Dong thì sau 5-7 năm nữa, cây cau sẽ vượt cây chuối, bắt đầu cho quả, song không vì thế mà cây chuối bị triệt tiêu. Nghĩa là việc thu nhập từ chuối trong các rẫy cau vẫn được duy trì. Đây là một lợi thế rất lớn cho những người có ý thức xen canh cau-chuối tại các rẫy hiện nay.

Đánh thức tiềm lực người Ca Dong

Chị Lê Thị Ánh, một người Ca Dong chính hiệu, trở thành “cứu tinh” cho cây chuối vùng Sơn Tây này. “Những năm bị dịch Covid-19, tôi ghé thăm mấy người bà con ở Sơn Tây thì thấy họ quá túng quẫn vì bán cau không ai mua mà cây keo thì chưa đến kỳ thu hoạch. Lại thấy trên các rẫy của người dân có quá nhiều chuối chín mà không biết làm gì, thoáng trong đầu tôi một câu hỏi: “Tại sao mình không biến những buồng chuối chín kia thành những sản phẩm có ích, vừa giúp bà con có cái ăn, lại vừa có một sản phẩm mới từ loại cây quen thuộc này?”, chị Ánh nhớ lại lúc chị về quê từ ba năm trước.

Trăn trở với “đầu ra” cây chuối, chị Ánh lục tìm trên mạng và thấy một số nơi chế biến rượu chuối trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Thông qua một số bạn bè quen biết ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Lê Thị Ánh mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất rượu chuối hiện đại với số tiền 3 tỷ đồng. Không chỉ có rượu, chuối chín còn được phơi khô để làm chuối ép, làm cồn… Tất cả đều được sản xuất trên dây chuyền khép kín. Mỗi ngày, cơ sở của chị Ánh tiêu thụ khoảng 1 tấn chuối để thu về 270 lít rượu, chưa kể các loại phụ phẩm khác. Rượu chuối mang nhãn “SOBU” của Sơn Tây đã vượt không gian của vùng rừng này và đã có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh.

Để bảo đảm nguyên liệu đầu vào, chị Lê Thị Ánh đã vận động bà con người Ca Dong tiếp tục duy trì 100 ha chuối đã có đồng thời trồng mới không hạn chế diện tích vì dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ chuối sẽ được mở rộng nếu vùng nguyên liệu dồi dào.

Mỗi ha chuối khoảng 900 cây, mỗi cây một buồng 10 kg giá 30 nghìn đồng, sau một năm là có 27 triệu, hơn hẳn cây keo, thậm chí hơn cả cây cau. Đó là phép tính mà Lê Thị Ánh thường nói với bà con mỗi khi chị đi thăm vùng chuối để mở rộng diện tích. “Đây không còn là chuyện “đếm cua trong lỗ” mà đã cho ra đáp số rồi”, chị Ánh nói.