Chuyện từ một xã tiên phong viết đơn xin thoát nghèo

“Tôi tên là Hoàng Văn Cụa, cư trú tại thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu. Nhờ Đảng, nhờ chính sách của Nhà nước hỗ trợ, hiện nay, gia đình tôi tuy có nhiều khó khăn nhưng còn nhiều hộ khác khó khăn hơn. Tôi xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho các hộ khác…”. Đấy là lá đơn anh Hoàng Văn Cụa (xã Giáo Hiệu, Pác Nặm, Bắc Kạn) viết năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ UBND xã Pác Nặm hỗ trợ tư vấn cho hộ nghèo trong xã.
Cán bộ UBND xã Pác Nặm hỗ trợ tư vấn cho hộ nghèo trong xã.

Chúng tôi muốn được thoát “hộ nghèo”

Lý giải cho lá đơn của mình, anh Cụa bảo rằng, trước kia mình nghèo, nhưng giờ thấy nhiều nhà nghèo hơn thì mình xin thoát nghèo thôi. Anh nói anh muốn làm tấm gương để thoát nghèo, dù nhà anh vẫn nghèo. Bởi vì có thoát nghèo thì mới có động lực để mình phấn đấu hơn.

Gia đình anh Cụa trước kia là một hộ “nghèo điển hình”, ít tư liệu sản xuất, tới mái nhà cũng cày cục vay mượn mãi mới xây xong. Tiền cho con cái đi học hằng năm cũng là điều chật vật. Cuộc sống đúng nghĩa “chạy ăn từng bữa”. Năm này qua năm khác nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước mãi anh cũng thấy chạnh lòng. Vậy là cả hai vợ chồng tính từng bước, dùng tiền hỗ trợ mua dần ít ruộng, mua dần trâu bò, rồi làm ngô, lúa, trồng cỏ voi... Qua mấy năm chăm chỉ, với anh, thu nhập hiện nay của hai vợ chồng đã là “khá nhiều”. Đàn trâu, bò đến giờ có thể cho thu nhập đều đặn. Tính cả tiền bán lúa, bán ngô, tiền bán trâu bò, mỗi năm hai vợ chồng có thể có 100 triệu đồng. Mỗi năm họ tích lũy thêm một chút. Tới khi xây xong ngôi nhà, trang trải gần hết nợ nần thì anh Cụa bắt tay vào viết lá đơn xin thoát nghèo, dù anh biết, thoát nghèo tức là mất đi khoản tiền hỗ trợ. Nhưng anh nói, đó là động lực to lớn vươn lên và để nhường nguồn lực đó cho những gia đình khác còn nghèo khổ hơn. Và đơn giản hơn là “nếu phần của mình có thể san sẻ cho người khác, giúp họ có cuộc sống tốt hơn thì mình cũng cảm thấy rất vui”.

Nằm cách trung tâm huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) 7 km về phía tây, Giáo Hiệu là một xã nghèo vùng cao đặc biệt khó khăn, có 445 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu. Có địa bàn trải dài ở non cao, xã Giáo Hiệu có 6 dân tộc cùng sinh sống. Nghèo là một tính từ không xa lạ ở mảnh đất này. Thế nhưng, đây cũng là xã mà có nhiều hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, bởi “đã có cái ăn, cái mặc”.

Cũng như gia đình anh Cụa, gia đình ông Hoàng Xuân Đặng, thôn Nà Muồng, cũng chăm chỉ làm ăn từ những khoản hỗ trợ hộ cận nghèo, để rồi hiện nay đã có nguồn thu ổn định. Ngoài trồng trọt, ông Đặng nuôi thêm dê. “Tôi cũng đã trồng trọt, chăn nuôi rất là nhiều cây con, nhưng mà tôi thấy con dê thì nó dễ nuôi, mà nuôi nhốt vào chuồng nó thuận lợi. Bởi vì bây giờ thì đồi rừng đã được khoanh giao cho các chủ hộ rồi, diện tích sẽ thu hẹp lại, muốn phát triển nuôi gia súc thì không được thả rông như ngày xưa nữa. Nuôi dê thì mình chủ động được khâu chăm sóc, nuôi nhốt và quản lý dịch bệnh cho nó”, ông Đặng phân tích. Dê cũng phát triển sinh sôi nhanh, dễ thu hồi vốn hơn lợn và trâu bò. Năm 2023, nhà ông Đặng nuôi khoảng 40 con dê. Đàn dê sinh sôi nhanh chóng tới mức ông chủ cũng không đếm xem cụ thể mình đã có bao nhiêu con, “nó lớn lên là tôi bán đi thế này thôi, chứ còn tôi không tính kỹ định lượng cụ thể”. Bán dê cho giá trị kinh tế cao, kể cả thời điểm xuống giá. Riêng tính đàn dê, mỗi năm gia đình ông Đặng thu về khoảng 50-60 triệu đồng. Cộng thêm các khoản thu nhập từ trồng trọt, ông Đặng khẳng định bây giờ, “cái kinh tế gia đình thì nó cũng ổn định, nói chung là ổn định”.

Ông Dương Văn Tuyến, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm cho biết, mấy năm qua xã Giáo Hiệu thì có sáu hộ làm đơn xin tự nguyện thoát khỏi hộ nghèo: “Chúng tôi coi đây là một tín hiệu tốt, thể hiện công tác tuyên truyền cấp ủy bắt đầu có hiệu quả dần dần, mà việc xin thoát nghèo tạo ra động lực khích lệ cho người dân có ý chí phấn đấu vươn lên. Chúng tôi mong là việc này sẽ lan tỏa, dần dần xóa được tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, tự bàn tay mình thoát nghèo. Chúng tôi coi đấy là sự thoát nghèo bền vững”. Không riêng gì xã Giáo Hiệu, trong huyện cũng có nhiều gia đình tự động làm đơn thoát nghèo để lấy động lực làm ăn, đặc biệt là những gia đình vợ chồng trẻ.

Chuyện từ một xã tiên phong viết đơn xin thoát nghèo ảnh 1

Nhiều hộ dân ở Pác Nặm thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê.

Hành trình thay đổi nhận thức

Tinh thần nỗ lực thoát nghèo này không phải chuyện ngày một ngày hai ở Pác Nặm. Bà Dương Thị Liên, Bí thư chi bộ thôn Cốc Lào (xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) nói những người đi tiên phong là những người quan trọng nhất: “Nếu không nâng cao nhận thức cho bà con, không giúp bà con biết cách làm kinh tế thì không thể thoát nghèo. Mà muốn thay đổi nhận thức của bà con nơi đây, phải cho bà con nhìn thấy thực tế, nhìn thấy rõ hiệu quả”.

Bà con trong thôn Cốc Lào đa số là người dân tộc thiểu số, không phải ai cũng nhận thức rõ cần thiết phải “tự thoát nghèo”. Thế nên ban đầu, chỉ có một vài hộ gia đình xung phong nhận hỗ trợ để triển khai các mô hình kinh tế mới thử nghiệm. Khi bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi nhốt dê, ông Hoàng Xuân Đặng cũng thừa nhận gặp không ít khó khăn. Mặc dù những con dê giống ban đầu là hỗ trợ của xã thì những ngày đầu tiên, do tác động của biến đổi khí hậu, bản thân chưa hiểu hết cách chăn nuôi, ông Đặng cũng điêu đứng vì dê chết bệnh hàng loạt. Không phải ông không băn khoăn suy nghĩ. Cho tới khi đàn dê sinh sôi và cho lãi, ông mới tự tin mình đi đúng hướng. Từ gia đình ông Đặng, mô hình nuôi dê ngày càng được nhân rộng. Thôn Nà Muồng, số hộ dân nhận nuôi dê đã là 10 hộ. Từ 80 con dê xã cấp đầu tiên, hiện số dê đã tăng lên 140 con, trong đó bà con đã xuất bán và tiếp tục chăn nuôi, gây đàn. Ở Nà Muồng có 3 hộ nghèo và 4 hộ trung bình, cận nghèo là 6 hộ. Sau một năm, từ hiệu quả đàn dê, đã có một hộ thoát nghèo hộ trung bình, và một hộ từ nghèo lên cận nghèo.

Ngoài thử nghiệm nuôi dê, xã Pác Nặm cũng hỗ trợ người dân giống bí xanh, nguyên liệu làm bánh mì, bên cạnh hỗ trợ trước đó như hỗ trợ giống lúa năng suất cao G.02, chăn nuôi lợn, trâu bò… Nhiều hộ gia đình cũng đã có những thành quả khả quan. Đến thời điểm hiện tại, tuy tỷ lệ giảm nghèo mới đạt 3,33/4%, nhưng với một vùng khó khăn như Giáo Hiệu, đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Điểm đặc biệt là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà nhận thức của người dân đã có chuyển biến rõ nét, khi chủ động hơn trong lao động, sản xuất, hướng tới tự lực thoát nghèo.

Theo ông Dương Văn Tuyến, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn), một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đảng bộ xã Giáo Hiệu là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 38,94% năm 2023 xuống dưới 13%. Để đạt mục tiêu này, thì việc nâng cao nhận thức cho người dân là việc làm cấp thiết và hiệu quả, để người dân dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chương trình, chính sách hỗ trợ, từng bước tự lực vươn lên, thoát khỏi diện hộ nghèo.