Triển khai hệ thống chỉ tiêu thống kê địa phương

Số liệu thống kê ở cấp địa phương có vai trò quan trọng trong công tác quản lý và điều hành chính sách. Chính vì vậy, đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã nhằm rút gọn, bổ sung và nâng cao hiệu quả của hệ thống chỉ tiêu này. Đến nay, nhiều địa phương đã tích cực bắt tay vào triển khai điều tra thống kê số liệu bức tranh kinh tế xã hội của địa phương mình.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi giám sát tàu đánh bắt xa bờ tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: BẮC SƠN
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi giám sát tàu đánh bắt xa bờ tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: BẮC SƠN

Lấp khoảng trống số liệu thống kê địa phương

Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành kèm theo Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 54) được xây dựng trên cơ sở Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê và Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Nhiều địa phương đánh giá, việc thu thập, tổng hợp số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo Quyết định 54 về cơ bản đáp ứng thông tin đầu vào quan trọng cho Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và yêu cầu quản lý trên địa bàn trong thời gian qua. Tuy nhiên, cho đến nay, Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã bộc lộ một số hạn chế bất cập khi nhu cầu thông tin của các cấp lãnh đạo địa phương đòi hỏi ngày càng cao để đáp ứng mục tiêu quản lý, điều hành kinh tế - xã hội trong thời kỳ phát triển và hội nhập nên cần bổ sung các kỳ báo cáo tần suất nhanh (kỳ tháng, kỳ quý).

Bên cạnh đó, việc thiếu các chỉ tiêu thống kê nhằm cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ sự vận động của những hiện tượng kinh tế - xã hội mới cũng như để đánh giá, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế mới như: chỉ tiêu “Năng suất lao động”, “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trên địa bàn”; “Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trên địa bàn”; “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”; “Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng”...

Đặc biệt hệ thống chỉ tiêu thống kê theo Quyết định 54 cũng thiếu những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, chỉ tiêu giá trị để lãnh đạo các cấp có cơ sở trong việc đánh giá, chỉ đạo điều hành và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Chính vì vậy, để bảo đảm thống nhất giữa Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và các Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương, ngày 24/2/2023, Chính phủ đã ký Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ban hành Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trong đó hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh gồm danh mục và nội dung của 154 chỉ tiêu thống kê quy định, hệ thống chỉ tiêu cấp huyện gồm danh mục và nội dung của 51 chỉ tiêu thống kê, hệ thống chỉ tiêu cấp xã gồm danh mục và nội dung của 26 chỉ tiêu thống kê.

Hệ thống chỉ tiêu này được nhiều địa phương đánh giá là khá đầy đủ, toàn diện phù hợp với nhu cầu thông tin số liệu trong tình hình mới. Việc triển khai hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành chính sách các cấp.

Vẫn vướng nguồn lực triển khai

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang những năm trở lại đây đã khấm khá hơn nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm nay, kinh tế gia đình ông duy trì ở mức ổn định với thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Những thay đổi về thu nhập trong gia đình ông Tám cũng như nhiều hộ dân khác đã được điều tra viên ghi nhận thông qua cuộc điều tra thống kê cấp xã.

Ông chia sẻ, dù có nhiều yêu cầu thông tin khá mới, khá “nhạy cảm” đặc biệt là những câu hỏi khá sâu liên quan đến kinh tế gia đình nhưng khi được phân tích về tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin cũng như việc bảo mật trong quá trình thu thập số liệu, ông đã hoàn toàn yên tâm và cởi mở để chia sẻ: “Tôi hiểu rằng đây là trách nhiệm của mỗi người dân để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương”.

Theo chị Giáp Thị Thoan, điều tra viên của xã, nội dung thu thập thông tin của hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp xã lần này chi tiết đến từng hộ dân và thu thập thông tin về tất cả các khoản thu nhập của người dân nên rất nhiều thông tin phải đến tận nơi tuyên truyền các hộ dân mới có thể khai thác được hết. Chị cho biết: “Chúng tôi đã được đào tạo, tập huấn về chuyên môn rất kỹ lưỡng trước khi thực hiện cuộc điều tra này”.

Triển khai từ tháng 8 năm nay, xã Thượng Lan là một trong số ít địa phương đã hoàn thành sớm công tác thống kê với 26 chỉ tiêu cấp xã. Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang: “So với những cuộc điều tra trước đây, việc điều tra lần này được thực hiện một cách bài bản, khoa học hơn đối với từng chỉ tiêu cụ thể đối với chính quyền cấp xã. Do đó, dựa trên từng chỉ tiêu cụ thể thì sẽ áp dụng đối với việc hoạch định chính sách theo vùng. Bảo đảm phù hợp với tình hình mới ở từng khu vực, đặc biệt chú trọng tới đời sống của người dân”.

Tổng cục Thống kê cho biết, đến thời điểm này, Tổng cục Thống kê cùng các địa phương trên cả nước đang nỗ lực triển khai các công việc liên quan như xây dựng phần mềm, phiếu điều tra, ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn, củng cố hạ tầng công nghệ thông tin…

Tại một số địa phương đã bước đầu hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn. Ông Ngô Văn Tuệ, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Giang cho biết, mặc dù các cơ quan chuyên môn của ngành thống kê ở các địa phương đã tích cực tập huấn, phổ biến kiến thức cho các điều tra viên tuy nhiên nhiều địa phương đặc biệt là cấp xã vẫn vướng nguồn lực để triển khai đặc biệt là thiếu các điều tra viên có sự am hiểu về lĩnh vực thống kê cũng như nắm chắc về kinh tế địa phương. “Trước mắt chúng tôi đề xuất cần có việc tuyên truyền sâu rộng hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, huyện, xã để nâng cao ý thức của người dân trong việc cung cấp thông tin đầy đủ chính xác. Thứ hai là các cấp chính quyền địa phương cũng phải sát sao và tích cực trong việc triển khai hệ thống này bởi chỉ khi triển khai có hiệu quả, việc hoạch định chính sách ở địa phương mới bám sát tình hình thực tế”.

Ông Tuệ cho rằng, việc triển khai thống kê hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, huyện, xã cần đi liền với việc xây dựng quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin đồng bộ từ các cấp, góp phần xây dựng hệ thống thông tin cấp quốc gia một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả cao nhất về số liệu thống kê.