Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan:

Trao truyền tình yêu di sản một cách khoa học

Chia sẻ lý do thành lập và vận hành Bảo tàng Gốm cổ sông Hương của mình tại thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan cho rằng, bảo tàng không chỉ là cơ sở hạ tầng của lịch sử văn hóa một vùng đất đơn lẻ mà còn kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Trao truyền tình yêu di sản một cách khoa học

Một địa chỉ mới của gia sản văn hóa Huế

- Thưa bà, Bảo tàng gốm cổ sông Hương được xây dựng ngay trên chính mảnh đất hương hỏa bên cạnh ngôi nhà thờ tổ của dòng tộc. Vì sao bà lại quyết định như vậy?

- Khu vườn và ngôi nhà thờ Thái tộc thuộc vào nền đất rất cổ xưa do tổ tiên, ông bà của tôi để lại. Tôi đã sinh sống ở đây từ thuở bé. Vậy nên trong bao nhiêu năm sau đó sống ở nước ngoài, tâm thức tôi luôn luôn thao thức với khu vườn, với ngôi nhà, với truyền thống, với gia phong... Nên tôi đã nghĩ, nếu mình quay lưng lại hay bỏ đi để sống theo sở thích của cá nhân mình, để thỏa mãn những ước vọng phiêu bồng của thời thanh xuân thì sẽ có lỗi rất lớn với tổ tiên, với mảnh đất, khu vườn và nơi chốn đã nuôi nấng mình, cho mình một linh hồn và cốt cách. Tôi quyết định trở về.

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương-Lan viên cổ tích được xây dựng trên nền tảng và cội nguồn ký ức quá khứ, từ chất liệu cổ xưa của những nền văn minh đã từng tồn tại trên dải đất Thuận Hóa, một dải đất luôn trở mình với thời đại như dòng sông Hương luôn chảy, nhưng luôn giữ trong lòng trầm tích và di tích con người sống trên vùng đất nó chảy qua. Thành lập Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, tôi muốn chính mình thay cho Thái tộc từ đường, trải qua nhiều thế hệ, với những trăn trở, thao thức, tích lũy vật chất và tinh thần để sinh thành một diện mạo mới, một địa chỉ văn hóa mới, nhằm đóng góp thêm vào di sản và gia sản của văn hóa Huế trên dải đất gấm vóc này.

- Với tên gọi là Gốm cổ sông Hương, nghĩa là gốm ở bảo tàng này có điểm khác biệt với gốm cổ ở những bảo tàng khác, phải không thưa bà?

- Có thể nói, đây là bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày các hiện vật gốm được tìm thấy từ lòng sông trong không gian địa lý hẹp (tỉnh Thừa Thiên Huế). Với diện tích khoảng 700m2, hiện nay, bảo tàng có gần 5.000 hiện vật.

Chúng tôi đã chọn lọc 108 hiện vật để trưng bày tại không gian chính của Bảo tàng với chủ đề Sông Hương-nơi gặp gỡ các nền văn hóa. Đó là các hiện vật gốm tiêu biểu từ thời tiền Sa Huỳnh-Sa Huỳnh (cách nay 2.500-3.000 năm), thời Champa (thiên niên kỷ 1 đầu Công nguyên), thời Lý, Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19, 20). Đây đều là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân Huế qua các thời kỳ lịch sử đồng thời phản ánh quá trình giao lưu, trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam, cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân Huế.

Những cổ vật gốm vớt từ dòng sông Hương này đã góp phần tạo nên hình hài, góp phần phản chiếu phần nào lịch sử của vùng đất. Hiện vật ấy sẽ tự thân kể câu chuyện của nó, về nó, giúp chúng ta hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất cố đô.

Trao truyền tình yêu di sản một cách khoa học ảnh 1
Một góc trưng bày trong Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. Ảnh: Tường

Minh

Hãy chạm vào hiện vật!

- Thưa bà, tôi có chút thắc mắc: trong khi các bảo tàng khác đều lưu ý khách tham quan việc chạm vào hiện vật, thường là có bảng cấm, thì ở đây, bà lại khuyến khích tôi và du khách "hãy chạm vào hiện vật". Vì sao vậy?

- Nếu chỉ ngắm gốm thì ta sẽ không thể nào "nghe" và cảm niệm hết về chúng. Bởi vậy, tôi khuyến khích du khách đến đây hãy chạm vào gốm để có thể "nghe", cảm được sâu hơn, ví như sự xù xì-trầm tích thời gian đang hiển lộ trên đó.

- Việc được chạm vào hiện vật cũng sẽ khiến cho Bảo tàng Gốm cổ sông Hương bớt đi vẻ "bảo tàng" theo lẽ thường và trở nên sống động hơn, thưa bà?

- Mong muốn của tôi, đây không chỉ đơn thuần là bảo tàng mà còn là một không gian của đa dạng hoạt động về văn hóa, vừa giữ gìn vừa nối kết giữa quá khứ-hiện tại, đồng thời gợi cảm hứng cho những ý tưởng và câu chuyện đương đại, như hội thảo, chương trình giáo dục, workshop trải nghiệm... Qua đó, trao truyền tình yêu di sản, văn hóa đến thế hệ trẻ một cách khoa học. Hy vọng đây sẽ là không gian mở để kéo giới trẻ gần lại hơn nữa với các giá trị văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, bảo tàng này còn là nơi hội tụ của âm nhạc, thơ ca, sáng tác văn học nghệ thuật…

Đặc biệt, tới đây, bảo tàng sẽ sử dụng công nghệ trưng bày, thuyết minh hiện đại nhất, như thuyết minh tự động, sử dụng QR code, bảo tàng ảo để du khách có thể tự trải nghiệm, tự tìm hiểu câu chuyện của các cổ vật đại diện cho nhiều lớp trầm tích đáy sông. Nền tảng số còn là cách để Bảo tàng Gốm cổ sông Hương giới thiệu với thế giới lượng hiện vật đang sở hữu.

- Những mong muốn này của bà đã trở thành hiện thực như thế nào sau hơn sáu tháng hoạt động, kể từ khi Bảo tàng mở cửa vào tháng 4/2022?

- Bảo tàng đã đón hàng chục đoàn gồm sinh viên một số trường đại học, học sinh ở cả ba cấp học trong và ngoài thành phố Huế đến tham quan. Riêng Trường đại học Văn Lang ở TP Hồ Chí Minh đã đưa hơn 200 em sinh viên đến đây tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu. Chúng tôi cũng có cơ duyên được đón nhiều đoàn khách ngoại giao quốc tế.

Trong số các hoạt động văn hóa khác tại Bảo tàng, tôi muốn nhắc đến triển lãm "Áo dài xưa triều Nguyễn", khai mạc vào ngày 6/10 vừa qua, thuộc chuỗi các hoạt động của Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2022, tổ chức tại Huế. Trong triển lãm, nhà thiết kế Trịnh Hồng Diệu (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) đã gửi đến người xem một số mẫu thiết kế áo dài truyền thống nhưng mang hơi hướng hiện đại. Điểm nhấn của sự kiện là một cuộc trò chuyện của hai nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Trịnh Hoàng Diệu cùng Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề: "Áo dài và sân khấu; Áo dài với cuộc sống đương đại".

Khi thành lập Bảo tàng này, tôi muốn sức sống của nó phục vụ cho cả cộng đồng thông qua sự nối kết với thế giới bên ngoài, với những bảo tàng khác ở trong nước và trên thế giới. Ai cũng có thể đến đây để "đọc" lịch sử và cảm niệm di sản, văn hóa Huế. Sự giao lưu này không chỉ có ý nghĩa về văn hóa mà còn cả kinh tế khi bảo tàng của chúng tôi là một điểm đến của du lịch Huế.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan sinh ra và lớn lên tại Huế. Năm 1965, bà sang Munich (CHLB Đức) học và bảo vệ luận án tiến sĩ Triết học tại Trường đại học Ludwig-Maximilian rồi làm việc ở đó với tư cách giảng viên môn Triết học so sánh cho đến năm 2007. Từ năm 1994, bà tham gia giảng dạy tại một số trường đại học ở TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.

Bà là người đồng sáng lập Tổ chức Hữu nghị Đức-Việt. Bên cạnh các ấn phẩm và tiểu luận về triết học, bà còn viết sách, sáng tác thơ và dịch một số tác phẩm của nhà văn và nhà thơ Đức sang tiếng Việt.