Nhà văn Đinh Phương

Tôi như người đi trên dây

Là một cây bút có nhiều nỗ lực trong sáng tạo, Đinh Phương viết nhiều về đề tài lịch sử. Anh chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần về nghiệp viết và việc viết.

"Tôi tin thời nào, thế hệ nào cũng có những người muốn viết và cần mẫn viết". Ảnh: Ngọc Mai
"Tôi tin thời nào, thế hệ nào cũng có những người muốn viết và cần mẫn viết". Ảnh: Ngọc Mai

Viết lịch sử, với tôi, là trải nghiệm

- Dành nhiều tâm huyết với đề tài lịch sử, anh có thể lý giải nguyên do lựa chọn của mình? Với anh, đó là con đường nhiều chông gai hay trải nghiệm?

Tôi như người đi trên dây -0

- Bên cạnh đề tài lịch sử thì tôi vẫn viết đều ở mảng hiện tại. Có thể nói hai mảng đề tài này gần như song song, có lúc trộn lẫn với nhau. Còn về nguyên do lựa chọn lịch sử bởi tôi vốn là người ưa sự tìm kiếm, thích cái huyễn hoặc xa vời. Lịch sử mở ra cho tôi những khung trời tái hiện rộng, với nhiều nhân vật, sự kiện, đồn đoán chìm lấp dưới cát bụi thời gian. Viết lịch sử với riêng tôi là trải nghiệm. Giống như người đi trên dây vậy, hai bên đều là khoảng trống, phải căn từng bước kỹ càng để bước, và dù có ngã cũng phải ngã sao cho thật khác. Lịch sử là cái biết trước, phải làm sao biến cái biết trước thành cái mọi người chưa biết, cuốn hút thì mới đáng kể.

- Lựa chọn mảng đề tài được định danh là kén độc giả, khi viết, anh có lo tác phẩm của mình khó bán?

- Sự thật là sách của tôi bán ế. Khi trò chuyện với đại diện các công ty in sách của mình, tôi được biết mấy đầu sách của tôi cuốn nào cũng khó bán, hay nói cách khác đi là ế dài hết năm này qua năm khác. Tuy vậy, các công ty sách không nói cho tôi biết vì sao họ tiếp tục đầu tư in tác phẩm của tôi, họ lợi nhuận gì ở "thương vụ" đầu tư vào tác phẩm của tôi? Tôi chỉ biết đó là một trong những điều khích lệ tôi tiếp tục viết.

Nhưng tôi đâu phải người viết duy nhất bán ế. Tháng trước, khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2021 là Abdulrazak Gurnah, cả thế giới đều ngỡ ngàng vì cái tên này "nghe lạ tai". Không chỉ độc giả, bản thân Abdulrazak Gurnah còn ngỡ ngàng cơ mà. Khi phóng viên The Guardian gọi điện phỏng vấn, nhà văn gốc Đông Phi này đang trong bếp và tưởng tin đó là "fake news", ai đó đang đùa mình. Ông viết khoảng 10 cuốn tiểu thuyết, nhưng ở Mỹ (chiếm 50% thị trường xuất bản thế giới), sách của ông chỉ bán được đâu khoảng 3.000 bản.

Anh hỏi tôi có lo tác phẩm của mình khó bán? Cái này thì thật tôi không lo. Tôi hoàn thành tác phẩm, gửi đi cho nhà sách. Sau đó nhà sách đọc bản thảo, biên tập, ký hợp đồng rồi in. Sách ra, tôi lấy tiền nhuận bút mua sách tặng bạn bè là cũng… vừa hết. Nếu dư được một chút tôi đưa cho vợ để vợ mua thêm quần áo, đồ chơi cho con, thế là xong xuôi. Tôi lại bắt đầu xây dựng kế hoạch làm cuốn mới.

Nếu tôi mà giỏi bán sách, có lẽ tôi đã đi mở công ty sách rồi.

Thỏa mãn những đuổi bắt ký ức của mình

- Anh vừa xuất bản tiểu thuyết "Nắng Thổ Tang", cũng về đề tài lịch sử. Làm thế nào để tác phẩm không sa vào diễn giải lịch sử hay tái phát hiện những gì đã xảy ra?

- Tác phẩm mà tái phát hiện những gì đã xảy ra thì đó là công trình sử học, lúc đó tác giả là nhà nghiên cứu lịch sử. Mà tôi lại không có khả năng của nhà sử học. Khi viết tiểu thuyết, tôi cũng có tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật trong lịch sử, nhưng tôi không có tâm thế của một nhà nghiên cứu lịch sử, nên không diễn giải hay tái phát hiện những gì đã xảy ra.

Câu chuyện "Nắng Thổ Tang" có bối cảnh, nhân vật lịch sử và bối cảnh, nhân vật hiện tại đan xen. Tôi viết những gì mà tôi nghĩ, cảm nhận về các nhân vật, sự kiện lịch sử dựa trên cái nền chung của lịch sử chính thống. Cụ thể hơn là đi sâu vào tâm trạng, khoảng trống, khả năng cái có thể diễn ra, bên cạnh cái đã diễn ra.

- Nhiều người viết văn từng nói đến chuyện dấn thân trong văn chương, nhất là người viết trẻ. Trong không ít hội thảo, tọa đàm điều này cũng được đưa ra bàn. Còn dấn thân, với anh là gì?

- Dấn thân với riêng tôi là viết tốt nhất cái mình hiểu, mình thích. Như người đầu bếp vậy, nếu anh nấu ngon món gà thì cứ nấu gà, nâng cấp món gà đến cực điểm, đừng nghĩ đến việc bắt đầu với món bò làm gì… Khi viết, tôi tìm cách kể câu chuyện của mình, cái mà tôi nung nấu, suy nghĩ trong đầu. Tôi không biết những người khác viết thì sẽ như thế nào? Họ lấy cảm hứng từ đâu, động lực ra sao? Có thể họ có hoặc không dấn thân theo ý nghĩa cuộc sống của họ.

Viết là công việc thuần cá nhân, mặt đối mặt với màn hình máy tính, im lặng bên từng câu chữ, hình ảnh, ký ức, tưởng tượng. Bản thân việc viết chẳng phải như đi cổ vũ bóng đá mà cần đông, kéo hội làm gì. Mà giả sử người viết có đứng trong một lực lượng giỏi thì lực lượng ấy cũng không viết thay cho mình được. Nói về niềm tin, tôi tin thời nào, thế hệ nào cũng có những người muốn viết và cần mẫn viết.

- Anh từng nói, viết lách là công việc đầy ích kỷ, cụ thể điều đó như thế nào?

- Khi đặt tay lên phím gõ chữ, tôi chỉ viết ra những cái mình thích. Tôi thỏa mãn những đuổi bắt ký ức của mình. Cái thế giới tưởng tượng ấy tôi xây dựng, làm chủ và ở hoàn toàn trong đó (cho đến khi tôi xây xong và chuyển sang thế giới khác). Còn người đọc, có vào được cái thế giới ấy không, họ cảm thấy thích thú hay sợ hãi tôi không quản được, hay không thể quản. Khi viết xong, đóng cửa đi ra chính tôi cũng biến thành độc giả. Nhiều lúc tôi đọc lại và nghĩ, ồ, sao đoạn này lại thế này, thế kia, nó xa lạ quá, khi mà các ký ức cũ của tôi đã xóa nó rồi. Thế nên, có thể nói chính tôi cũng đang ích kỷ với chính tôi nữa. Khi mà những cái "bóng" tôi cứ tách nhau mà đi về các miền trời xa thẳm tưởng tượng khác nhau…

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!