Họa sĩ Vincent Monluc:

Tôi muốn “vẽ” được tâm hồn Việt Nam

Trong tám năm (1994-2002) phụ trách một studio sản xuất phim hoạt hình tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, Vincent Monluc đã đào tạo được nhiều họa sĩ, đem tới nhiều công việc cho họ và đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực này tại thành phố. Quay trở lại đúng thời điểm dịch bệnh căng thẳng vừa qua, ông đã có thời gian, điều kiện cảm nghiệm sâu sắc hơn về tình người Việt Nam, quê mẹ của ông. Và, ông quyết định sẽ ở lại đây lâu dài. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng ông.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Vincent Monluc.
Họa sĩ Vincent Monluc.

Vì tôi là một người Việt

- Nếu có thể, ông vui lòng chia sẻ với bạn đọc về xuất thân của ông? Điều mà tôi thắc mắc là không có một chữ nào gợi đến gốc gác Việt trong họ và tên của ông...?

- À vâng, đó là điều mà tôi lấy làm tiếc. Tôi lớn lên ở khu Sài Gòn-Tân Định. Tôi nhớ là tôi thích vẽ, xem phim, lang thang ngắm cảnh một mình từ bé. Cho đến một ngày tháng 6/1964, khi tôi 11 tuổi, người mẹ Việt Nam của tôi đưa tôi lên một con tàu biển, rời Sài Gòn đến Marseille để đoàn tụ với cha tôi, một người Pháp. Sau khi gặp được cha, tôi cũng không sống cùng ông mà cha mẹ tôi đã đồng thuận gửi tôi vào một trường dòng, chỉ về thăm nhà vài lần trong năm. Tôi thích ăn kẹo nhưng không có tiền, và thế là tôi đã nghĩ ra cách bán các bản vẽ của mình cho những bạn học thích chúng (cười). Cha Charles Alessandri, phó phụ trách nhà trường biết chuyện này, ông cho tôi họa cụ để vẽ thỏa thích nhưng yêu cầu không được "kinh doanh" nữa. Ông còn giới thiệu tôi với gia đình một bạn cùng lớp để vào cuối tuần, tôi có thể về nhà cùng bạn ấy. Vậy đấy, tôi đã được nhận một sự giáo dục theo truyền thống Pháp thuần khiết, phép tắc nghiêm ngặt cùng rất nhiều tình yêu và sự tôn trọng.

- Tôi đã hiểu vì sao, ông chọn học về mỹ thuật sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông?

- Vâng. Tôi rất thích vẽ. Tôi đã tốt nghiệp về nghệ thuật tạo hình tại Trường đại học Bordeaux Montaigne, trong thời gian này, tôi nghiên cứu lịch sử mỹ thuật từ cổ đại đến hiện đại, đi thăm nhiều bảo tàng mỹ thuật quan trọng ở Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Amsterdam (Hà Lan), Florence (Italy), Luân Đôn (Anh)... Rất quan trọng đối với một nghệ sĩ là việc thưởng lãm sáng tác của các bậc thầy ở mọi thời kỳ nghệ thuật.

- Nguyên do nào khiến ông trở lại quê hương vào năm 1994, đúng 30 năm sau khi rời đi?

- Câu chuyện khá dài. Tôi có một sự nghiệp trong lĩnh vực này ở Pháp. Sau khi học xong Khoa Hoạt hình (Animation) Trường Quốc gia về Nghệ thuật trang trí ở Paris (The École nationale supérieure des Arts Décoratifs, Paris), bộ phim hoạt hình ngắn đầu tay của tôi đã được trao giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim hoạt hình quốc gia Pháp năm 1983. Một số nhà sản xuất đã muốn gửi tôi đến Hàn Quốc, Trung Quốc để làm việc cho họ nhưng tôi luôn từ chối. Đến năm 1994, một nhà sản xuất người Pháp khác mời tôi kiến lập một studio phim hoạt hình 2D ở TP Hồ Chí Minh. Mục đích của họ là muốn có ngay phim với chi phí sản xuất thấp nhất có thể. Nhưng bạn biết đấy, để có ý tưởng trong một lĩnh vực khó khăn như phim hoạt hình, một họa sĩ dù vẽ tốt đến mấy cũng vẫn cần ít nhất là hai năm để học nghề, thành thạo với quy trình và kỹ thuật liên quan đến tạo hình và sản xuất phim hoạt hình. Chi phí cho đào tạo là rất lớn song nhà đầu tư không muốn mở hầu bao (cười). Nếu nhận lời, tôi sẽ nhận một nhiệm vụ bất khả thi nhưng tôi đã nhận vì tôi là một người Việt. Tôi có động lực muốn giúp tạo nên một ngành công nghiệp phim hoạt hình ở Việt Nam, đem lại việc làm cho nhiều người. Năm 2002, khi tôi rời công việc tại studio, nó đã thành một "người lớn" với 140 nhân viên, mỗi tháng sản xuất được hai phim có độ dài tiêu chuẩn 26 phút và là hình mẫu đầu tư cho một số nhà sản xuất nước ngoài khác.

Cho đến nay, dù đã thay đổi công việc, tôi vẫn giữ liên hệ tốt với nhiều người bạn từ thời gian đó và với studio của chúng tôi bởi trong tám năm ấy, tôi đã không chỉ đào tạo được nhiều nhân công cho studio của mình, tôi còn có cơ hội khám phá quê mẹ và cảm nhận cũng như chiêm nghiệm vẻ đẹp của nó, nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ dành toàn bộ thời gian để vẽ nó...

Cái đẹp đến từ sự chân thực

- Tài khoản của ông trên Artmajeur.com, một nền tảng trực tuyến về mua bán tranh lớn của thế giới, có chỉ dấu địa điểm: ông là họa sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh?

- Về mặt tình cảm, tôi thấy tôi là một người Việt Nam hơn là một người Pháp, bởi tình mẫu tử.

Tôi muốn “vẽ” được tâm hồn Việt Nam ảnh 1
Phong cảnh Sapa No1, mầu nước, 37x56cm. Ảnh: NVCC

- Ông đã có hai triển lãm cá nhân tại TP Hồ Chí Minh. Ông quan tâm đến những phản hồi nào về sáng tác của mình?

- Các bạn họa sĩ nói tôi vẽ phong cảnh và cảnh sinh hoạt ở Việt Nam với một tình yêu. Công chúng thì nói họ ít thấy người khác vẽ những cảnh huống như tôi vẽ, cảnh công nhân làm việc trên phố hay cảnh người bán hàng rong trong nắng trưa... Mọi người chung nhận xét tranh của tôi sống động và chứa đựng nhiều sự chuyển động.

- Ông chọn chất liệu mầu nước vì có thể vẽ trực tiếp và nhanh ở ngoài trời, hay vì lẽ gì khác nữa?

- Tôi là người theo đuổi sức hấp dẫn của ánh sáng trong tạo hình và của cuộc sống thường ngày nên tôi chọn là họa sĩ trực họa ngoài trời. Như vậy để bạn thấy, Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng đến nhiều vùng, miền hơn nữa, khắp mọi nơi trên đất nước mình, để mỗi ngày thêm một chút gần hơn với văn hóa Việt Nam, để vẽ được tâm hồn Việt Nam.

- Ông đã và đang nghĩ gì về khái niệm "tâm hồn Việt Nam"?

- Tôi tin rằng, mỗi một họa sĩ Việt Nam đều có một nhận thức riêng về "tâm hồn Việt Nam". Quá khứ của Việt Nam thật giàu có, hiện tại của Việt Nam thật đa dạng. Mỗi một vùng đất đều có đặc trưng và cần thời gian để chúng ta ở lại, cảm nhận và suy ngẫm cùng người bản địa về nó. Kể từ năm 2020, bên cạnh phần lớn thời gian ở TP Hồ Chí Minh, mỗi khi có thể, tôi đã tới Sa Pa, Hà Nội, Huế, Hội An, vùng Tây Nguyên, Côn Đảo... Vẽ "tâm hồn Việt Nam" với tôi có nghĩa là vẽ như tôi cảm nhận và như tôi có thể diễn giải thực tại mà tôi thấy, qua chủ đề, góc tiếp cận, bố cục trên tranh. Tôi không ngần ngại vẽ những chủ đề mà có thể là nhiều họa sĩ Việt Nam thấy "không đẹp" theo kiểu trữ tình hay lãng mạn. Tôi tìm kiếm cái thực hơn là cái đẹp thuần túy song điều đó không ngăn tôi vẽ một phong cảnh đẹp hay một ánh sáng đẹp của quê hương mình.

- Chân thành cảm ơn ông!

Họa sĩ Vincent Monluc đã có hai triển lãm cá nhân với tranh mầu nước: Nhà (Home), từ ngày 7 đến 18/12/2019 và Giấc mơ (Dream), từ ngày 10 đến 26/1/2022, tại TP Hồ Chí Minh, được giới chuyên môn và công chúng rất quan tâm. Gần đây nhất, tranh của ông được lọt vào danh sách 20 bức tranh tốt nhất (Top 20 Excellence Awards) tại Art Connexion Mondriale-Exposition d’Aquarelles, France-Pologne 2022 (Triển lãm tranh mầu nước Kết nối nghệ thuật toàn cầu, Pháp-Ba Lan 2022).