NSƯT Linh Huệ:

Tôi muốn thay đổi và vượt qua chính mình

Được khán giả yêu mến bởi dạng vai nhân vật thôn quê chịu thương, chịu khó từ nhiều năm nay, vậy nhưng, lần đầu đảm nhận vai diễn phản diện Tú Bà trong vở kịch Thúy Kiều - một kiếp đoạn trường, NSƯT Linh Huệ đã khiến đồng nghiệp, công chúng yêu mến chị bất ngờ. Vai diễn của chị còn được đánh giá cao, giành Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022 và giải Diễn viên xuất sắc năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng.
0:00 / 0:00
0:00
Vai diễn Tú Bà của Linh Huệ mang màu sắc khác biệt. Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội
Vai diễn Tú Bà của Linh Huệ mang màu sắc khác biệt. Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội

Nhiều bất ngờ với "Tú Bà"

- "Thoắt trông lờn lợt mầu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?" là hình ảnh Tú Bà trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Hình ảnh này nếu so với các vai diễn chị từng đảm nhận thì không có chút liên quan nào. Vậy lý do nào khiến chị thay đổi?

- Không chỉ trên sân khấu mà trên phim, tôi luôn được các đạo diễn chọn vào các vai "đào thương". Nhưng lần này, với kinh nghiệm và đài từ được đúc rút từ hơn 30 năm diễn xuất, tôi muốn được phá cách, bay bổng trong chính cách diễn của mình. Điều quan trọng hơn cả, tôi muốn thay đổi mầu sắc và vượt qua chính mình. Vượt qua đồng nghiệp đã khó nhưng để vượt qua chính mình còn khó hơn nhiều lần. Vấn đề là mình có dám bước qua vòng an toàn để thử thách trong các vai diễn phản diện, đối mặt những lời nhận xét và phản hồi của khán giả.

- Và chị đã dám đối diện như thế nào?

- Trước khi bắt tay vào làm vai, tôi đã tham khảo vai diễn Tú Bà trên sân khấu của một số nghệ sĩ đàn chị trong nam ngoài bắc và nhận thấy, từ diện mạo đến tính cách đều chưa thoát khỏi hình ảnh nhân vật trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Tôi không muốn đi theo tạo hình này và cố gắng tìm kiếm màu sắc khác.

Tú Bà của Linh Huệ là một người đàn bà đẹp, thanh mảnh. Phục trang sân khấu và hóa trang đã giúp tôi rất nhiều để có một diện mạo Tú Bà ưng ý. Tôi phải uống nước đá để xé giọng, tập cười với đầy đủ sắc thái: Cười như địa chủ được mùa, cười nanh nọc, cười cay nghiệt... Tôi đúng là đã "ăn, ngủ" với vai diễn này. Ở nhà, vừa nấu cơm, tôi vừa tập cười, vừa đi bộ tập thể dục vừa tập cười. Không rõ lúc ngủ vùi rồi thì có lần nào cười kiểu Tú Bà không nữa (cười).

Vở diễn này được dựng theo lối kịch thơ, với một diễn viên đã đứng tuổi như tôi, học thuộc lời thoại vất vả hơn các bạn trẻ. Hơn thế, diễn thoại bằng kịch thơ cũng khó khăn hơn so việc dùng lời thoại thông thường vì diễn viên khó biến báo khi chợt quên từ hay câu thoại nào đó. Nhưng ơn trời, mọi việc đã thuận buồm xuôi gió.

- Vở Thúy Kiều-một kiếp đoạn trường là một trong những hiện tượng của sân khấu năm qua khi thu hút rất đông đảo khán giả. Những phản hồi nào từ công chúng đến vai diễn Tú Bà khiến chị nhớ mãi?

- Đúng là phải lâu lắm rồi, Nhà hát Kịch Hà Nội mới có một vở diễn "cháy vé" như vậy. Khán giả từ tận Tiền Giang, Cần Thơ bay ra Hà Nội xem vở và kết hợp đi du lịch. Nhiều người bảo, họ tò mò muốn xem Linh Huệ diễn vai phản diện sẽ thế nào...

Vở diễn này đã được chọn đưa vào đề án Sân khấu học đường phục vụ học sinh, sinh viên. Nhiều bạn nói với tôi là vai Tú Bà mà tôi diễn khác với hình dung của các em khi học Truyện Kiều. Các nhân vật kinh điển trong văn học đã bước ra sân khấu bằng đầy đủ sắc thái "hỷ, nộ, ái, ố", sống động. Điều đó khiến các em dễ hình dung và tiếp thu tinh thần của tác phẩm.

Bất ngờ lớn nhất dành cho tôi với vai diễn này có lẽ là giải thưởng Diễn viên xuất sắc năm 2022 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Số tiền giải thưởng không lớn nhưng là sự động viên đối với cá nhân tôi, rằng: Sự nghiệp diễn xuất của tôi giờ đây không chỉ có các vai chính diện mà còn có cả vai phản diện được khán giả, đồng nghiệp ghi nhận.

Học nghề từ nghề

- Chị là một gương mặt quen thuộc với khán giả xem truyền hình và sân khấu với bề dày hoạt động nghệ thuật đã hơn 30 năm. Nhưng có lẽ, rất ít khán giả biết chị là người đến với sân khấu từ khi vừa 18 tuổi. Chị có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về quãng thời gian đó?

- Tôi không được đào tạo bài bản về kịch nghệ. Một lần, Đoàn Kịch nói Hà Tây về địa phương tuyển diễn viên, tôi chỉ ham vui, đi theo giúp dựng cảnh và góp ý cho mấy bạn đăng ký dự tuyển. Nhưng không ngờ, các cô chú trong Đoàn lại nhận thấy ở tôi tố chất làm nghề. Năm 1991, 18 tuổi, tôi được nhận vào Đoàn và được dạy nghề, thực hành trực tiếp. Thời gian ở Đoàn Kịch nói Hà Tây, được ăn, học trực tiếp cùng các cô chú, anh chị đi trước đã cho tôi kinh nghiệm sống rất phong phú. Tôi diễn vai "nhà quê", thôn nữ không mấy khó khăn. Nhưng ngược lại, có những kỹ năng diễn xuất do không được học qua trường lớp đào tạo nên tôi phải rất cố gắng nghiền ngẫm, học hỏi.

- Trong từng ấy năm, vai diễn nào để lại trong chị nhiều dư vị nhất?

- Đó là vai cô Son trong vở Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội, năm 2017). Vở diễn mang đi dự thi Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 và rất nhiều người nói rằng, vai Son của tôi chắc chắn "có giải" vì tôi đã hóa thân rất đạt. Thế nhưng, vai diễn ấy lại không được giải nào cả, không phải vì chất lượng của nó mà vì một số thứ khác ngoài sân khấu. Đó là vai diễn tôi không bao giờ quên, là một kỷ niệm buồn trong nghề diễn nhưng qua đó giúp tôi trưởng thành hơn, vững vàng hơn trước những gập ghềnh, trúc trắc của đời sống, của nghề diễn.

- Vậy một danh hiệu lớn hơn danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong nghề diễn thì sao, chị có khi nào nghĩ đến điều này?

- Cho tới thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy bằng lòng với cuộc sống mình đang có. Dù không thật sự nổi bật nhưng Linh Huệ vẫn luôn được khán giả nhớ tới. Vậy là tôi đã được tổ nghề đãi. Điều mà tôi ao ước bấy lâu nay, được vào một vai phản diện, đã thành sự thật và gặt hái thành công vượt ngoài mong đợi. Với một diễn viên, đó là niềm hạnh phúc không gì đong đếm nổi. Một hạnh phúc nữa là ở góc độ truyền nghề, nhiều diễn viên trẻ vẫn mong muốn học được những ngón nghề mà cá nhân tôi đúc rút từ quá trình làm việc, giống như tôi ngày xưa ở Đoàn Kịch Hà Tây dù nay, các em đã được đào tạo bài bản ở nhà trường trước khi về nhà hát. Nhiều buổi trưa, đáng lý được nghỉ ngơi nhưng thấy các cháu, các con say nghề quá nên mình cũng không thể nghỉ. Tôi hy vọng, lớp diễn viên trẻ sẽ rút ngắn được quãng thời gian mày mò học hỏi để tiến nhanh và tiến xa với nghề.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở!

NSƯT Linh Huệ (tên thật là Phạm Thị Thanh Huệ) hiện công tác tại Đoàn 3- Nhà hát Kịch Hà Nội. Chị nổi tiếng trên sóng truyền hình từ năm 1998-1999, qua vai diễn Hậu “sida” đầy thử thách trong bộ phim truyện dài tập đầu tiên về chủ đề căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS của Đài Truyền hình Việt Nam, tiêu đề Gió qua miền tối sáng (đạo diễn Phạm Thanh Phong). Với vai diễn này, chị đã được khán giả bình chọn là Diễn viên được yêu thích năm 1999. Chị đã giành được nhiều Huy chương vàng, bạc tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu, như Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2015; Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2014 và năm 2022; được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2015.