Francois Bibonne:

Tôi là một phần của Việt Nam

Suốt 15 tháng đại dịch Covid-19 bùng phát, trong hai năm 2020 và 2021, Francois Bibonne, 26 tuổi, người Pháp, vẫn rong ruổi qua nhiều tỉnh, thành phố ở miền bắc Việt Nam. Anh đã hoàn thành một việc mà chính anh cũng từng tưởng là không thể: cuốn phim tài liệu về Việt Nam, quê hương của bà nội anh. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về bộ phim và các dự định tương lai với Việt Nam.

Tôi là một phần của Việt Nam

Ngạc nhiên lớn

- Anh tự bỏ tiền để quay toàn bộ 20 giờ phim thô, di chuyển khắp nơi bằng xe ôm, xe máy, tàu hỏa. Anh đã làm những công việc gì để có kinh phí cho dự án này?

- Tôi làm đủ thứ có thể, dạy tiếng Anh, làm người mẫu ở Việt Nam, cộng tác với một trường nhạc tại Pháp và trường này đã chuyển tiền cho tôi đủ để mua một máy quay phim chuyên nghiệp ở Việt Nam, phục vụ cho việc làm phim.

- "Có hay không nhạc giao hưởng ở Việt Nam" là câu hỏi lớn của anh trong bộ phim này và chính nó truyền cảm hứng cho anh suốt quá trình làm việc. Anh đã có câu trả lời rồi thì phải, nhưng đời sống âm nhạc giao hưởng ở Việt Nam, như anh thấy, có khác biệt nào đáng kể so với ở Pháp?

- Thì đúng là mỗi nơi mỗi chuyện (cười). Nhưng ở Việt Nam, thứ khác biệt nhất mà tôi thấy chính là sự thoải mái trong cách mà người Việt Nam ứng xử với nhạc giao hưởng. Triết thuyết của người Việt Nam về âm nhạc rất khác, ở đây, họ chơi nhạc để tận hưởng niềm vui. Và tôi cũng cảm thấy họ chơi nhạc vì đất nước mình nữa chứ không đơn thuần cho bản thân họ. Ở châu Âu hay Pháp, các nhạc công chuyên nghiệp quan tâm nhiều đến tính hoàn hảo của âm nhạc, và cũng bởi thị trường ở đó khác lắm, có rất nhiều nhà báo chuyên viết về âm nhạc, rồi giới phê bình, các cuộc thi, liên hoan, việc sản xuất và làm CD đều nhiều và mang tính cạnh tranh cao.

Tôi từng đã chia sẻ câu chuyện Việt Nam với Pierre Andre Valade, một nhạc trưởng người Pháp. Thế là ông ấy đến Việt Nam, và kể lại nỗi ngạc nhiên lớn của ông ấy. Pierre đã từng chắc mẩm: ở Việt Nam, không thể có một buổi hòa nhạc tốt theo ý ông ấy được và kết quả thì hoàn toàn ngược lại. Nay, ông ấy chỉ muốn quay lại Việt Nam thôi. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn khác mà tôi biết cũng đã từng đến Việt Nam và đều mong có thể sớm quay lại bởi họ cảm thấy có một không khí rất tích cực ở nơi này.

- Quá trình làm phim chẳng khác nào một chuyến thám hiểm lớn của anh ở Việt Nam. Nhưng điều mà anh không ngờ nhất có lẽ là gì?

- Chắc chắn là lần về ghi hình ở làng Then (ngôi làng có rất nhiều thế hệ cùng chơi đàn violin, thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Một người bạn chở tôi bằng xe máy, gần 70 km, lỉnh kỉnh máy móc nhưng đến nơi thì camera mà tôi thuê lại hỏng. Chị có biết không, lúc đó các bác người làng đã chuẩn bị hết rồi, hoàng hôn đang xuống và lũ trẻ con tan học về, chuẩn bị chơi bản Trống cơm với đàn violin. Tôi thật sự tuyệt vọng, chỉ còn dùng tạm cái điện thoại để ghi hình... Sau đó, tôi rất muốn trở lại làng Then lần nữa nhưng rồi đại dịch đến, Bắc Giang cũng là nơi từng bị ảnh hưởng nặng nề nên tôi đành chỉ có thể dùng một vài cảnh ghi lại bằng điện thoại để đưa vào phim...

Những chuẩn bị cho tương lai

- Đến nay, việc phát hành phim của anh diễn tiến thế nào?

- Thường, các nhà phát hành chấp nhận phim tài liệu có độ dài 26 hoặc 52 phút. Phim của tôi là 35 phút nhưng tôi không muốn thay đổi. Hiện có hãng Galaxy của Việt Nam đặt vấn đề phát hành với tôi và chúng tôi đang thảo luận về các mức phí. Đây là phim đầu tay của tôi và tôi chấp nhận có thể sẽ sử dụng nó để quảng bá về các công việc của mình, về Việt Nam qua những sự kiện công cộng, trên YouTube hơn là để có doanh thu sớm. Chúng tôi cũng đã gây quỹ cộng đồng để có kinh phí dựng và sản xuất hậu kỳ của phim.

- Anh từng bày tỏ muốn làm nhiều việc hơn nữa ở Việt Nam với người Việt Nam và âm nhạc Việt Nam. Mong muốn này đang được hiện thực hóa đến đâu rồi?

- Tôi đang đợi visa để đến Việt Nam và ở lại một năm, đủ cho tôi thực hiện bộ phim tài liệu tiếp theo. Hiện thì tôi chưa tìm được tổ chức/cá nhân nào có thể tài trợ cho tôi nhưng dứt khoát, tôi sẽ tìm. Tôi đã có cuộc tiếp xúc nhỏ với đại diện Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, họ biết mong muốn kết nối mạnh mẽ giữa hai nước của tôi thông qua âm nhạc. Tôi cũng đã thực hiện một vài cuộc hội thảo về dự án tương lai này, như tại Đại học Paris II, tại salon về Du lịch toàn cầu ở Paris-nơi chỉ có mỗi mình tôi nói về Việt Nam. Cũng ở Paris, tôi có kết nối với cộng đồng Việt kiều và đã bắt đầu ghi hình những nhạc công người Việt luôn nhung nhớ quê hương...

Tôi là một phần của Việt Nam -0
F. Bibonne cùng nhóm Hanoi Brass Community trong một buổi ghi hình ở bãi giữa sông Hồng. Ảnh: NVCC 

- Nghe và đọc các chia sẻ của anh về quá trình làm phim này, tôi cảm tưởng anh giống như một "Alice lạc vào xứ sở thần tiên" vậy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam dường như vẫn khá xa lạ với nhiều người Pháp. Có cách nào để chúng ta rút ngắn nhanh hơn khoảng cách đó?

- Ôi vâng, cái ý so sánh này, tuy là nó thật buồn cười nhưng đúng đấy, có gì đó giống như Alice vậy! Chúng ta không thể bắt ép ai đó, nước nào đó kết nối chặt chẽ với nước khác. Nó cần sự tự nhiên. Để cải thiện tình hình này, tôi nghĩ là nên làm mới lại các bài học lịch sử ngay từ trong trường phổ thông. Tôi không biết ở Việt Nam thì thế nào nhưng ở Pháp, học sinh và sinh viên nên được biết nhiều hơn về châu Á và Việt Nam. Chúng tôi rất quan tâm đến khu vực Trung Đông chứ không phải Đông Nam Á. Và riêng về âm nhạc, tôi nghĩ chúng ta nên có nhiều hơn các chương trình phát thanh, truyền hình về văn hóa châu Á. Phải nói là ở Pháp, có rất nhiều chương trình về âm nhạc trên thế giới nói chung, ấy thế nhưng về âm nhạc Việt Nam thì rất ít, đúng hơn là không có gì.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Once upon a Bridge in Vietnam là bộ phim đầu tay của Francois Bibonne. Phim kể lại hành trình tìm về quê hương của bà nội anh và nhờ đó, anh nhận ra nơi này mang vẻ đẹp của âm nhạc, từ âm nhạc truyền thống như ca trù đến cách người Việt Nam tiếp cận và dành tình cảm cho nhạc thính phòng, giao hưởng. Âm nhạc trở thành cây cầu nhỏ nối anh với Việt Nam.

F. Bibonne sáng lập và vận hành Studio Thi Koan (mang tên bà nội của anh) để thực hiện dự án phim này. Phim từng được lọt vào vòng chung khảo của Roma Prisma Independent Film Awards, tháng 12/2021; giành giải Best Documentary Short (phim tài liệu ngắn hay nhất) tại Los Angeles Film Awards, tháng 1/2022 và tại New York International Film Awards,
tháng 2/2022.