Nhiếp ảnh gia Tom Hricko:

Tôi chỉ là người tạo nên các bức ảnh

Hiếm có nghệ sĩ nào thực hiện triển lãm hồi cố-nhìn lại con đường nghệ thuật của mình… ở nước ngoài như nhiếp ảnh gia người Mỹ Tom Hricko: (Những) bản thể thay thế (Alternative Existence/s) gồm chọn lọc các sáng tác trên hành trình 40 năm ông đi cùng nghệ thuật nhiếp ảnh, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cuối năm 2022. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông về một Việt Nam trong nghệ thuật của ông, một Việt Nam của riêng ông với rất nhiều trải nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Tôi chỉ là người tạo nên các bức ảnh

Chọn ở lại Việt Nam

- Tôi muốn bắt đầu với câu hỏi quen thuộc: Tại sao Việt Nam? Ông đến và ở lại đây từ năm 1994, khi hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ kinh tế và ngoại giao…

- Vâng, lý do ban đầu cũng chẳng có gì đặc biệt. Thời điểm ấy, có cuộc sống ổn định nhưng tôi cảm thấy không hạnh phúc với toàn bộ hệ thống ở đó, giảng dạy, nghệ thuật, phòng trưng bày, thị trường, chính trị… tất cả. Tôi muốn sự thay đổi. Bạn gái của tôi, một người gốc Việt, có ý định về Việt Nam tìm lại cội gốc của mình. Cô ấy muốn tôi về cùng. Tôi đồng ý ngay. Nhưng một năm sau, cô ấy rời đi, còn tôi chọn ở lại.

- Ông đã làm thế nào để vượt qua giai đoạn sinh sống ở Việt Nam khi chưa có internet, ông lại không nói được tiếng Việt, ổn định tài chính từ công việc thì đã để lại bên Mỹ?

- Tôi trở thành một thực thể hoàn toàn mới (cười). Không ai biết tôi là ai cả. Tôi chẳng là cái gì cả.

Ngay trong tuần đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã đi dạy tiếng Anh. Sau sáu tháng, tôi thấy thích thú lắm vì được tận hưởng tinh thần lạc quan, sự khao khát được biết cái mới từ các học viên. Khi ở Mỹ, tôi cũng là giảng viên lâu năm, tuy là về nhiếp ảnh, nên cũng có kinh nghiệm sư phạm. Tôi quyết định quay lại Mỹ, hoàn tất khóa học về sư phạm Anh ngữ, đạt chứng chỉ, và trở lại Việt Nam làm việc. Bên cạnh đó, tôi có thêm một số dự án với Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, giảng dạy tiếng Anh về tài chính cho lãnh đạo các cấp của nhiều ngân hàng lớn. Từ năm 2005, tôi làm việc dài hạn tại một tổ chức giáo dục quốc tế cho đến khi nghỉ hẳn, năm 2013.

- Nhưng còn nhiếp ảnh?

- À, nếu có điều gì khiến tôi nhớ trong giai đoạn đầu sống ở Việt Nam thì chính là nhiếp ảnh. 20 năm gắn bó với nhiếp ảnh ở Mỹ, tôi chỉ thực hành và giảng dạy về ảnh chụp phim cùng các công việc trong phòng tối để làm ra được một bức ảnh vật lý (analog photography). Khi mới sang Việt Nam, tôi không thể làm gì được vì không có trang thiết bị, với lại, cũng phải kiếm sống đã. Tính ra, sau khi rời nước Mỹ, sự ngắt quãng với nhiếp ảnh của tôi cũng chừng 20 năm, tương đương thời gian tôi gắn bó với nó khi ở quê nhà. Tôi đã đi quá xa nhiếp ảnh để quay lại với nó, nhưng là ở Việt Nam.

- Phải chăng, sự quay lại này ý nghĩa với ông đến độ ông muốn thực hiện cả một triển lãm hồi cố tại Việt Nam, chứ không phài là ở quê hương mình? Mục tiêu khi thực hiện triển lãm này của ông là gì? Vì tôi biết, nó "ngốn" của ông không ít kinh phí.

- Mục tiêu ư? Có lẽ, chỉ duy nhất là: Tôi có cơ hội tự nhìn lại 40 năm sự nghiệp của bản thân tại cùng một địa điểm trưng bày. Điều này giúp tôi nhận ra tôi đã làm được gì và cần phải làm gì tiếp theo. Nó lại cũng là cơ hội chia sẻ một hành trình cá nhân trong nghệ thuật với những người chung mối quan tâm… Có gì đó thật phiêu lưu, một phiêu lưu hiếm hoi và tốn kém, phải không (cười), nhưng tôi nghĩ là xứng đáng.

Đã 20 năm sống và làm việc ở Việt Nam, hầu như không liên đới gì với môi cảnh nghệ thuật ở Mỹ nên việc thực hiện một triển lãm ở quê hương là không thể. Nhưng đổi lại, ở Việt Nam, tôi đã có cơ hội hiếm hoi làm được việc đó để tự xem xét lại cuộc đời nghệ thuật của mình.

Tôi chỉ là người tạo nên các bức ảnh ảnh 1
Cổng #1 (tác phẩm giới hạn ba phiên bản, chụp tại Huế) trưng bày trong triển lãm May. Ảnh: NVCC

Hạnh phúc khi tác phẩm được sống cùng người Việt Nam

- Khi thưởng lãm bộ ảnh ông chụp ở Huế, tôi thấy đúng là mình đã từng ngắm nhìn những chi tiết đó, nhưng trong ảnh của ông, chúng khác hẳn, vừa rất quen thuộc mà cũng như chưa hề có thật vậy.

- Những ấn tượng sâu sắc về thời gian, dấu vết thời đại, vẻ đẹp cổ kính, bí ẩn chưa thể khám phá hoặc chẳng bao giờ khám phá được mà Huế đưa lại cho cá nhân tôi khiến tôi muốn chuyển hóa tất cả những gì tôi thấy qua ống kính vào một thực tại khác qua ảnh đen trắng-thứ vốn ảnh hưởng sâu sắc đến đời tôi. Vậy là, toàn bộ quá trình tạo nên một trình hiện đen trắng/ bức ảnh trong triển lãm đã có thể đẩy bạn, cả tôi nữa chăng, đi xa khỏi những gì ta đã từng thấy bằng mắt thường. Tôi nghĩ rằng, người xem thường sẽ thấy cái họ muốn thấy, họ mang theo câu chuyện của riêng mình, trải nghiệm, suy nghĩ của mình khi thưởng lãm và điều này làm nên vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật.

- Người Việt Nam đã mua ảnh tại các triển lãm cá nhân và nhóm của ông, trong đó có ảnh chụp ở Huế (Thừa Thiên Huế), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Thực tế này có ý nghĩa gì với ông?

- Tôi rất hạnh phúc. Không phải là vì bán được - có tiền, mà vì người Việt Nam đã thích ảnh của tôi đến độ họ bỏ tiền ra để mua và mang về treo trong nhà, ngắm nhìn nó mỗi ngày. Tức là các bức ảnh được sống cùng cuộc sống của họ và có giá trị với họ. Tôi phải nói thêm là, kể từ năm 2013, khi dành toàn bộ thời gian, tâm trí, năng lượng cho nhiếp ảnh ở Việt Nam, tôi đã có tích lũy tài chính và không cần tiền từ việc bán ảnh. Nếu tôi có bán được ảnh, tôi cũng không nhận lại tiền mà sẽ dành ủng hộ nhiếp ảnh Việt Nam, theo các cách thức phù hợp.

- Cảm ơn thịnh tình của ông! Việc người Việt Nam quan tâm, mua tác phẩm ảnh analog của ông trong bối cảnh mà xã hội Việt Nam ngập tràn hình ảnh số hóa hẳn cũng gợi trong ông nhiều suy ngẫm?

- Việc tái quan tâm đến analog photography cũng đang là xu hướng trên thế giới. Nhưng riêng ở Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, người trẻ quan tâm đến lĩnh vực này ngày càng nhiều và cùng với đó là công chúng trẻ, khiến cho mọi thứ liên quan được thúc đẩy, tiến hóa rất nhanh. Tôi trở lại với nhiếp ảnh cổ điển cùng người Việt Nam trẻ tuổi trong một nhịp sống đương đại sôi động, quả là cơ may rất đặc biệt.

Có một số nhóm nhiếp ảnh gia trẻ đã cùng nghiêm túc làm nhiều việc để hướng đến một sự phát triển bền vững cho lĩnh vực này, như đầu tư trang thiết bị, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của bản ảnh vật lý, những quy định về giới hạn số lượng bản in ảnh cho từng tác phẩm, các chương trình trao đổi kiến thức giáo dục về analog photography cho người quan tâm… Tất cả khiến tôi rất phấn khích vì được dự phần.

- Tôi đang nghĩ đến những người đã từng học tiếng Anh với ông. Có lẽ, họ không tin nổi rằng, giáo viên của họ vốn là một nhiếp ảnh gia và giảng viên đại học kỳ cựu về nghệ thuật nhiếp ảnh ở Mỹ?

- Tôi hoàn toàn tách biệt con người thuộc về nhiếp ảnh của mình với phần việc của một giáo viên tiếng Anh. Không có học viên nào biết tôi từng là nhiếp ảnh gia… cho đến khi truyền thông Việt Nam đưa tin, bài viết về các triển lãm của tôi. Có nhiều em đã thốt lên trong email gửi tôi: "Thầy ơi! Tại sao…" (ông nói tiếng Việt và bật cười sảng khoái-PV). Tôi không thích có bất kỳ sự định vị, phân loại, xếp hạng nào dành cho bản thân mình hay công việc mà mình làm. Tôi chỉ là người tạo nên các bức ảnh, vậy thôi.

- Chân thành cảm ơn ông!

Bên cạnh công việc sáng tác, Tom Hricko giảng dạy về nhiếp ảnh bậc đại học ở Mỹ (tại Fairfield University và State University of New York) từ năm 1978 đến năm 1994.

Tại Việt Nam, ông tham gia các hoạt động liên quan analog photography với Noirfoto: trước sự kiện (Những) bản thể thay thế là thuyết giảng Nghệ thuật của các bản in thủ công (năm 2019), Một gặp gỡ nhiếp ảnh (triển lãm nhóm, năm 2020) và mới đây là triển lãm May (ngày 6-21/5/2023), trong khuôn khổ sự kiện Photo Hanoi’23 do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng.